Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?

(Tieudung.vn) - Những tranh chấp giữa ban quản trị và cư dân ngày càng bùng nổ và phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của tòa nhà cũng như cuộc sống của chính cư dân.

Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?

Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?
Những tranh chấp giữa ban quản trị và cư dân ngày càng bùng nổ và phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của tòa nhà cũng như cuộc sống của chính cư dân.

Mới đây, tại hội thảo “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?” do Báo Thanh Niên tổ chức, vấn đề mâu thuẫn giữa ban quản trị và cư dân tại một số chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh một lần nữa được đem ra bàn luận sổi nổi dưới góc nhìn đa chiều.

Nhà của mình nhưng không được vào ở...

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Châm (77 tuổi) cho biết, bà có 3 tại Phú Hoàng Anh do con trai mua tặng. Cả 3 căn hộ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp sổ hồng cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh từ ngày 14/1/2017. Sau đó, chủ đầu tư đã sang tên sổ hồng cho con trai bà tên Đỗ Hoàng Hưng, con trai tiếp tục tặng lại cho bà để dưỡng già. Tuy nhiên, Ban quản trị lại không mở cửa cho bà vào nhận nhà. Ngang nhiên nói nhà của bà Châm là nhà cộng đồng, thuộc sở hữu của cư dân sống tại chung cư.

Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?

Bà Nguyễn Thị Châm (cư dân chung cư Phú Hoàng Anh) bị Ban quản trị từ chối cho vào nhà của mình dù đã được cấp sổ hồng

“4 năm qua, tôi ôm sổ hồng, giấy tờ ủy quyền của con cho, một mình đi gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, từ Ban quản trị tòa nhà, đến UBND xã, UBND huyện Nhà Bè, thanh tra Sở Xây dựng, Ban giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường… Mỗi tờ đơn tôi gửi đi, mất 2-3 tháng mới nhận được trả lời, mang về nộp tại UBND huyện Nhà Bè để nhờ can thiệp… Thế nhưng, đến lúc này, ban quản trị nhà chung cư Phú Hoàng Anh một mặt không mở cửa cho tôi vào nhà, đổ keo vào ổ khóa nhà, khóa luôn hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm, lột bỏ luôn nút ấn thang máy lên tầng 2 nhà tôi. Mục đích là để tôi không có đường nào để lên nhà do chính mình chủ sở hữu”, bà Châm đã bật khóc.

Vì quá xúc động, bà Châm phải xin phép ngồi nghỉ trước khi có thể phát biểu tiếp. Sau khi lấy bình tĩnh, bà Châm trình bày: "Tôi còn nhớ năm 2018, huyện mời tôi ra họp và cho là Ban quản trị sẽ “trả nhà” cho tôi. Báo họp 8 giờ, tôi ra đó từ 7 giờ. Thế nhưng anh Cường (Phạm Cường - Trưởng ban Quản lý chung cư Phú Hoàng Anh) nói không cho tôi vào họp. Tôi ngồi chờ ngoài sân đến 12 giờ trưa rồi sau đó nhận câu trả lời là không trả nhà… Thậm chí, cán bộ huyện còn khuyên tôi có thể “phá khóa” vào nhà, nhưng tôi không làm vậy, tôi từng là cán bộ nhà nước, ăn lương hưu 3 triệu đồng/tháng. Tôi muốn mọi cái làm đúng pháp luật và ai làm sai, phải chịu trách nhiệm với hành vi của họ".

Tương tự, anh Nguyễn Tấn Bảo (cư dân chung cư Masteri Thảo Điền, TP Thủ Đức) cũng lên tiếng tố cáo, Ban quản trị chung cư Masteri Thảo Điền có nhiều sai phạm về quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD như: không công bố thu chi tài chính hàng tháng; không tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên trong 2 năm qua; sử dụng quỹ quản lý vận hành do cư dân đóng góp sai mục đích. Thậm chí, Ban quản trị còn tự ý ra quy định ngang ngược rằng những trao đổi, hoạt động giữa Ban quản trị và Ban quản lý là những thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận.

Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?

Tình trạng cư dân căng băng rôn phản đối ban quản trị, yêu cầu thay đồi và minh bạch thu chi diễn ra tại nhiều toà nhà chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

“Những sai phạm rõ như ban ngày nhưng gần 1 năm qua, cư dân đã phản ánh đến rất nhiều nơi vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Gần đây nhất, tháng 12/2020, cư dân đã gửi đơn tố cáo đến Thanh tra Sở Xây dựng TP đề nghị kiểm tra, xử lý nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi của Sở”, anh Bảo nói.

Tại chung cư The Central Garden (328 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1), cư dân cũng cho biết, vô cùng bức xúc trước những mâu thuẫn dai dẳng gần 10 năm qua ở đây. 

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Oanh (cư dân The Central Garden), từ ngày thành lập Ban quản trị (30/8/2018), chưa bao giờ ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định và đối thoại với cư dân. Người dân nhiều lần gửi văn bản đến phường Cô Giang phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. 

Cư dân phải hiểu quyền của mình để tự bảo vệ

Trước những bức xúc của các cư dân sống trong chung cư, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) khẳng định, trước tiên người dân có quyền được nhận nhà đảm bảo chất lượng và chủ đầu tư phải thực hiện các cam kết theo quy định và thỏa thuận trong hợp đồng mua bán. Thứ hai, cư dân có quyền sau 50 ngày được làm thủ tục cấp sổ hồng. Thứ ba, quyền được phục vụ và bầu ra Ban quản trị để quản lý, vận hành chung cư.

Theo ông Châu, nhà nước là người bảo vệ quyền lợi của dân cư thông qua thể chế pháp luật. Quy định đã phân rõ trách nhiệm của UBND phường, quận... Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh, cư dân trong các chung cư cũng phải hiểu quyền của mình để tự bảo vệ mình. Đầu tiên nên tham gia các cuộc họp của chung cư, không cử người giúp việc, không cử em cháu đi thay... Mô hình Ban quản trị nhà chung cư được tổ chức theo mô hình Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần hoặc Ban chủ nhiệm hợp tác xã. Trước đây quy định hội nghị nhà chung cư lần đầu phải có 75% cư dân nay sửa lại 50% và chỉ tổ chức 1 lần không thành thì phường đứng ra tổ chức là hợp lý. Cư dân khi bức xúc có căn cứ pháp luật, thực tiễn gửi lên phường thì không cần lấy ý kiến 50% nữa mà phường có thể tổ chức hội nghị bất thường.

Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch cho rằng, cư dân trong các chung cư trước hết phải hiểu quyền của mình để tự bảo vệ mình trong trường hợp có xung đột với Ban quản trị chung cư

Do vậy, cư dân phải cố gắng tham gia các hội nghị này, tham gia tích cực trong các hoạt động chung. Khi đó Ban quản trị chung cư sẽ không dám làm sai, không dám tự tiện chủ trương những vấn đề bất lợi... Đồng thời, phải đào tạo cho thành viên Ban quản trị; cư dân bầu người có năng lực như có người trong Ban quản trị biết kế toán, có cơ chế giám sát để tránh chuyện “thụt két”, sai trái trong hoạt động của Ban quản trị

Đã từng tham gia hòa giải các xung đột và cũng là một cư dân sống tại chung cư, Hoàng Thu đánh giá,  có một thực trạng, khi xảy ra tranh chấp, lúc đầu thì nhiều người ủng hộ đặt ra vấn đề để giải quyết nhưng sau đó, người đi đấu tranh rất cô đơn. Người dân cần tỏ ra trách nhiệm hơn, ngay từ bước đầu khi bầu ra Ban quản trị cần có thêm tiêu chuẩn hiểu biết luật, cũng như chính sách đãi ngộ lương cho ban quản trị như thế nào cho xứng đáng.

Vì thế để tránh rủi ro, việc đầu tiên cần làm để bảo vệ chính mình là cư dân phải tham gia đầy đủ hội nghị nhà chung cư đầu tiên, dự họp để bầu ra ban quản trị có tâm, hiểu biết về pháp luật.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Tín, Phó tổng Giám đốc CTCP Bất động sản An Gia cho rằng, cư dân muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình về sau, thì chính cư dân phải là người có trách nhiệm bầu ra ban quản trị có kiến thức, hiểu biết pháp luật và có trách nhiệm để đồng hành cùng cư dân dài lâu.

Việc bầu Ban quản trị rất quan trọng nhưng hầu như người dân khá thờ thơ, như kiểu đó là việc của ai chứ không liên quan đến mình.

"Thường trong năm đầu tiên sau khi bàn giao nhà thì chủ đầu tư sẽ quản lý và sau đó giao lại cho Ban quản trị. Nhưng khi chúng tôi mời cư dân dự hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị thì đa số người dân không tham gia dù chúng tôi cho nhân viên lên từng nhà để mời", ông Tín dẫn chứng.