Bán đảo Bình Quới – Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh: Nhiều đại gia “ve vãn” rồi bỏ rơi, dân phải chờ đến bao giờ?
Sau gần 30 năm được quy hoạch, dập dìu đại gia “ve vãn”, nghiên cứu làm dự án bất động sản, đến nay Bình Quới – Thanh Đa trở về với hiện trạng ban đầu. Trong khi xung quanh đã phát triển hoàn chỉnh, thì bán đảo Bình Quới – Thanh Đa vẫn giữ nguyên hiện trạng như thập niên 70 thế kỷ 20. Lối ra nào cho hơn 3.000 hộ dân nơi đây, vốn đã phải chịu đựng quá nhiều thiệt thòi vì quy hoạch treo?
Lộ diện 10 nhà đầu tư tham gia đấu thầu siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa
TP Hồ Chí Minh tìm “lối ra” cho dự án Bình Quới - Thanh Đa
TP Hồ Chí Minh: Điêu tàn bán đảo Thanh Đa sau 26 năm quy hoạch treo
Một dự án tham vọng nhưng thiếu khả thi
Dự án Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) được phê duyệt để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái từ năm 1992. Theo quy hoạch, khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa rộng 426 ha sẽ là khu đô thị với đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người. Để kết nối đến bán đảo này sẽ xây dựng một số cây cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các quận lân cận.
Xung quanh đã phát triển, Bình Quới vẫn là vùng đất nông nghiệp dù chỉ cách trung tâm vài km
Mặc dù có quy hoạch từ năm 1992 nhưng mãi đến năm 2004, TP mới có quyết định thu hồi và giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Sau 6 năm triển khai nhưng chẳng đến đâu, gần như không làm được gì vì không có khả năng tài chính, đến năm 2010, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn bị thu hồi quyết định đầu tư. “Người đẹp” Bình Quới – Thanh Đa “dở dang” một lần đò.
Sau lần “vỡ kèo” với Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, 11 năm sau, năm 2015, Bitexco liên danh với Emaar Properties PJSC (Dubai) và được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ định là nhà đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư hơn 30.700 tỉ đồng. Tại thời điểm đó, Bitexco là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam, đã đầu tư nhiều dự án thành công. Những tưởng, lần “kết đôi” này sẽ thành công.
Thế nhưng có một việc không ai ngờ đó là mối “lương duyên” liên danh Bitexco – Emaar Properties PJSC bị tan vỡ chóng vánh. Tháng 6/2017, Emaar Properties PJSC rút khỏi liên danh, liên danh Bitexco – Emaar Properties PJSC sụp đổ. Chỉ còn lại một mình, Bitexco không thể gánh nổi dự án và từ đó dự án Khu đô thị du lịch, sinh thái Bình Quới – Thanh Đa bị nhấn chìm theo sự tan vỡ của liên doanh. Một lần nữa bán đảo Bình Quới – Thanh Đa lại trở lại tình trạng “độc thân” và chịu cảnh “gái ế” từ đó cho đến nay.
Đến năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã có một cuộc họp báo cung cấp thông tin về dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Bình Quới – Thanh Đa, vẫn có một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến dự án nhưng TP vẫn chưa chọn được “chú rể” nào đủ tiềm lực tài chính để triển khai dự án. Từ đó đến nay, dự án Khu đô thị du lịch Bình Quới – Thanh Đa vẫn chưa có động tĩnh gì mới.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã 29 năm trôi qua kể từ khi bán đảo Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch làm khu đô thị du lịch sinh thái, sau bao lần “dang dở”, vùng đất Bình Quới – Thanh Đa vẫn phải giữ nguyên trạng là vùng đất nông nghiệp, toạ lạc ngay trung tâm TP.
Bà Huỳnh Thị Xet, 72 tuổi, quy hoạch có từ khi bà mới ngoài 40, đến giờ vẫn chưa triển khai
Nỗi lòng cư dân vùng đất bị lãng quên
Bà Nguyễn Thị Hà ở số 558/8D Bình Quới gặp phóng viên Kinh tế & Đô thị, như được dịp liền tuôn ra những bức xúc chất chứa trong lòng. “Chú xem, tôi năm nay 51 tuổi, quy hoạch Bình Quới có từ năm 92, lúc đó tôi còn con gái, chưa có chồng mà nay con tôi học đại học gần ra trường rồi mà cũng chưa thấy gì. Nhà tôi mấy đời ở trên mảnh đất này, hết làm mía rồi làm lúa, hết làm lúa rồi đào ao nuôi cá, trồng sen, giờ thì bỏ hoang, đất đai mênh mông, nằm giữa TP mà có làm gì ra tiền đâu, muốn làm vài cái phòng trọ trên đất cha mẹ cho để có đồng ra đồng vào mà có được đâu”, chị Hà cho biết
Sự tình nhà chị Hà văn tắt thế này, cha chồng chị Hà là ông Trần Văn Mân có 5.000m2 đất tại Bình Quới. Ông đã chia cho 7 người con, mỗi người một ít đất, vài anh chị em trong nhà chị Hà có tiền thì xin chuyển mục đích sử dụng đất, người thì xây dựng vài phòng trọ làm kế sinh nhai để chờ quy hoạch, người khó khăn như chị Hà, không có tiền xin chuyển mục đích sử dụng đất, đất ngay trung tâm TP nhưng vẫn là đất nông nghiệp, chính quyền không cho xây dựng.
Chồng chị Hà cho biết: “Năm ngoái, kẹt quá với lại cũng đang tìm đường thoát khỏi vùng đất này bèn kêu bán phần đất 210m2 được chia, có người đã đồng ý giá 3,2 tỷ nhưng họ ra phường hỏi chuyện, xong rồi hủy không mua nữa. Mới đây, lại tiếp tục bán với giá 2,9 tỷ, người mua đã đồng ý, ra phường hỏi rồi họ cũng không mua. “Tui hỏi anh, ai mà dám mua đất khi đất vướng quy hoạch, mắc án quy hoạch rồi chỉ có nước bán giá rẻ mạt thì người ta mới mua. Đất ở Củ Chi, Hóc Môn xa tít mà người ta còn bán được 10 -15 triệu/m2, vậy mà nhà tôi ở ngay rìa trung tâm, cách trung tâm có 6 cây số mà bán chưa đến 15 triệu đồng/m2 không ai dám mua”.
Hộ tiếp theo mà phóng viên đến là nhà của bà Huỳnh Thị Xẹt, ngụ tại 558/25 Bình Quới. Bà Xet đang mưu sinh bằng cái quán nước tềnh toàng trong sân nhà, thấp hơn mặt đường hơn 1 mét, bán cho mấy người quanh xóm.
“Tui năm nay 72 tuổi đến đời tui là đời thứ 4 sống ở đất Bình Quới này, đến đời thằng cháu (kêu bằng dì) nữa là 5 đời. Cha tôi có 8 công đất (8.000 m2). Lúc tui mới ngoài 40, tui xây nhà, mấy ông quận xuống làm dữ lắm, đòi phạt. Trước toàn nhà lá, hư cũ, sập thì làm cái mới. Giờ không làm nhà lá thì làm nhà xây, không cho thì lấy chỗ đâu mà ở”, bà Xet bức xúc.
Nói xong bà Xẹt chỉ dãy phòng trọ 5 căn: “Thằng cháu tui nó xây mà cũng may đó là nền của cái chuồng bò cũ. Cái mái che trước nhà tui trước cũng là mái che lá, làm cái sân bằng nền xi măng thôi mà máy ổng cũng không cho. Mấy cái nhà, cái sân chú thấy hiện nay trước đây là nhà lá, mái lá, chỉ được phép xây dựng trên hiện trạng cũ thôi. Đất đai quá chừng mà muốn làm vài cái phòng trọ cho thuê kiếm tiền dưỡng già chính quyền không cho.
Từ Bình Quới nhìn ra xung quanh, cao ốc san sát, chỉ riêng vùng đất này vẫn như giữa thế kỷ 20
Thiệt thòi
Trong lúc phóng viên trao đổi với bà Huỳnh Thị Xẹt, anh Võ Văn Lộc ở số 558/33/4 Bình Quới góp chuyện: “Tui may hơn mấy bà chị vợ, nhà có sổ hồng rồi. Năm 1990 ông bà già vợ cắt đất cho mỗi đứa con một cái nền nhà, tui dựng lên cái nhà lá, năm 1999 có kê khai nên được công nhận là đất ở. Vậy mà đến năm 2019 mới được cấp sổ hồng, đi làm cái sổ hồng thôi mà cũng mất cả chục năm đi lên đi xuống. Mấy bà chị vợ tui cũng đã xây dựng nhà trên đất nhưng không có kê khai 1999 nên không được công nhận là đất ở, đến giờ vẫn chưa có sổ hồng, muốn có sổ hồng phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất, bên dịch vụ họ báo tiền chuyển mục đích sử dụng đất lên tới 500 -700 triệu đồng. Cũng đất cha mẹ cho, cũng đất đó thôi, làm nhà trước sau một ít mà khác nhau một trời một vực, tui thấy thiệt cho mấy bà chị quá”.
Anh Nguyễn Hùng là một người dân ở Bình Quới vừa chỉ cho phóng viên vừa phân trần: “Anh nhìn xung quanh, phía Nam của Bình Quới bên kia sông là khu cảng ICD, quận 9 nhà cao tầng san sát. Nhích lên một chút về phía trung tâm TP là khu Thảo Điền (quận 2 cũ) nhà chung cư thôi mà giá gần cả trăm triệu/m2... vậy mà Bình Quới vẫn xanh um cỏ dại, dừa nước, dân vẫn phải cắm cúi trồng lúa, trồng sen, nuôi cá, hót phân bò. Nhìn qua phía Đông là Thủ Đức, ven sông Sài Gòn các dự án nhà ở đã hoàn thiện từ lâu rồi. Xung quanh phát triển hết rồi mà dân Bình Quới - Thanh Đa vẫn phải sống như những năm giữa thế kỷ 20. Dân Bình Quới nói với nhau là Bình Quới là vùng đất bị quên lãng. Đọc báo thấy cũng đề cập nhiều, vài đai biểu HĐND cũng đã phản ánh tâm tư người dân nhưng chẳng có gì thay đổi cả, vùng đất này vẫn đang trong miền đời quên lãng”.
Chưa ai có câu trả lời, vùng đất Bình Quới – Thanh Đa bao giờ mới có thể thoát được cảnh cảnh hoạch treo? Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Bình Quới – Thanh Đa, một dự án lớn lao nhưng có vẻ khó trở thành hiện thực. Cần một hướng tiếp cận khác trong quy hoạch, mới mong giúp được vùng đất này thức dậy.