Bất động sản TP Hồ Chí Minh: "Hàng ngộp” rao bán nhiều vô kể
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang có những diễn biến lạ, hàng ngàn bất động sản đang được quảng cáo rao bán theo xu hướng “nhà đất ngộp”, cần bán nhanh, bán gấp, giá giảm... thực hư việc này thế nào?
Khách sạn "ngộp", nhà mặt phố "ngộp" bán la liệt
“Nhà mặt tiền đường đẹp, khách sạn... đang "ngộp" la liệt, anh có tiền lúc này mà mua thì có nhiều lựa chọn, dễ mua, chủ bán không còn chảnh như trước. Mới chưa tới một năm khó khăn vì Covid-19 mà nhiều người đã không trụ lại nổi, vay vốn đầu tư giờ nguồn thu không có, buộc phải xử lý nếu không thì không thể kham nổi nợ ngân hàng” - Trần Bình - Giám đốc một công ty chuyên môi giới mua bán bất động sản khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh cho biết.
Mặt bằng cho thuê trên các trục đường lớn, hiện nay hầu hết đang bỏ trống, một phần bộ mặt thị trường bất động sản lộ rõ ra ngoài
“Nhà đất ngộp” là một khái niệm khá phổ biến trên thị trường bất động sản. Đây là những căn nhà, thửa đất đang cần bán gấp, cần bán nhanh để chủ nhà giải quyết các khó khăn về tài chính.
"Nhà đất ngộp" thường được bán với giá thấp hơn, hợp lý hơn so với mặt bằng giá thị trường. Chẳng hạn "nhà ngộp" do chủ nhân vay vốn mua bất động sản nhằm mục đích đầu tư, nếu tiếp tục giữ lại khiến chủ nhân cảm thấy ngột ngạt (ngộp thở) khi phải xử lý tài chính để giữ lại
“Bên Lê Văn Sỹ, quận 3 có cái khách sạn 230m2, 30 phòng, trước dịch thu nhập 150 triệu/tháng, giờ đang rao bán 58 tỷ, giá quá được và còn có thể thương thảo giảm thêm, trước đây thì không có giá này. Anh mà mua cái khách sạn này, bảo đảm hết dịch ngồi không sang lại cũng kiếm được 20-30 %. Khách sạn nhỏ 20 - 40 phòng giá từ 40 đến 70 tỷ giờ rất nhiều, anh tha hồ lựa”, Trần Bình chào hàng với người viết.
Ở một công ty môi giới khác, người viết được giới thiệu 2 "khách sạn ngộp", một khách sạn đang cần bán gấp ở quận Bình Tân, diện tích 430m2 có 50 phòng, đang kinh doanh, được chào giá 49 tỷ đồng; Một khách sạn toạ lạc trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, có 17 phòng, giá 27 tỷ.
Chỉ cần gõ từ khóa "nhà ngộp", "khách sạn ngộp" cần bán gấp sẽ cho vài ngàn kết quả. Nhà phố, căn hộ trên địa bàn các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh được quảng cáo là "nhà ngộp" đang được quảng cáo chào bán rất nhiều, tuy nhiên, trong ma trận giá nhà đất rất khó để biết đâu là "nhà ngộp" thật đâu là "nhà ngộp" giả. Có một thực tế cho dù lượng nhà, đất chào bán dưới mác nhà ngộp nhưng giá bán vẫn đang rất cao.
Cảnh giác với xu hướng "nhà ngộp"
Người viết bài trong vai người mua đã đi khảo sát khá nhiều nhà rao bán dưới dạng "nhà ngộp" trong suốt 2 tuần qua. Có một thực tế là không phải "nhà ngộp" nào giá cũng thấp hơn mặt bằng chung. Người viết bài đã đi khảo sát một căn nhà diện tích 48m2 trong một con hẻm trên đường Trần Đình Xu quận 1, có giá chào bán trên mạng là 4,1 tỷ đồng nhưng khi đến nơi thì người môi giới cho biết, 4,1 tỷ đồng mới chỉ là khoảng 30% giá trị của căn nhà (12,8 tỷ) bằng tiền thanh toán đợt 1 trước khi ký hợp đồng (đặt cọc).
Mặt bằng cho thuê giá lên đến cả vài trăm triệu/tháng nhưng đang bỏ trống.Khó khăn của thị trường bất động sản mới chỉ ở điểm khởi đầu |
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Sơn, "nhà ngộp", "hàng ngộp" đang là xu hướng (dòng chảy chính) của thị trường bất động sản hiện nay. Các nhân viên môi giới, công ty môi giới bám xu hướng để tạo sự chú ý cho người đang tìm kiếm mua nhà.
Người mua nhà, tìm kiếm "nhà ngộp" trên mạng, thông tin sẽ đổ về các công ty môi giới. Nhà đất quảng cáo là ngộp nhưng chưa chắc là hàng ngộp thực sự, có nghĩa là chủ nhân chưa sẵn sàng xuống thang giá để bán với giá thấp hơn mặt bằng.
Cũng theo anh Nguyễn Văn Sơn, rất nhiều công ty môi giới đang sử dụng trend "nhà ngộp" để thu thập dữ liệu người có nhu cầu mua nhà. Họ cho chạy một số tin quảng cáo liên quan đến các từ khóa "nhà ngộp", "đất ngộp", đất ngân hàng thanh lý... nhằm câu người đang mua nhà liên hệ. Khi người có nhu cầu gọi đến họ sẽ xin contact như số điện thoại, tên... để xây dựng cơ sở dữ liệu người có nhu cầu mua nhà trong thời điểm hiện tại.
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người có tiền để mua nhà là người thực sự có sức mạnh tài chính, một cơ sở dữ liệu 1.000 người có tiềm năng tài chính, đang có nhu cầu mua nhà là loại dữ liệu mà bất cứ công ty môi giới nào cũng cần.
Giữ tiền mặt hay đầu tư bất động sản?
Chuyên gia Đinh Thế Hiển và Phạm Công Chánh khi được hỏi về nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, cả hai đều cho rằng đây chưa phải là thời điểm thuận lợi để mua nhà đất vì thị trường bất động sản sẽ còn có những biến động nhiều trong thời gian tới.
Thị trường bất động sản đang thực sự khó khăn do tác động của dịch bệnh, khó khăn của thị trường mới chỉ là bắt đầu. Thời điểm thuận lợi cho người đầu tư bất động sản mua được bất động sản với giá hợp lý vẫn chưa tới, có thể 6 tháng đến 1 năm nữa mới là thời điểm lý tưởng cho người mua.
Một số chuyên gia khác mà phóng viên có dịp trao đổi, có một nhận định khá giống nhau đó là giữ tiền mặt trong thời điểm hiện nay sẽ có nhiều lợi thế. Bởi thị trường bất động sản mới chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh, chắn chắn sẽ có điều chỉnh về giá, thậm chí là điều chỉnh sâu trong thời gian tới. Trong giai đoạn từ 6 tháng đến 1 năm tới khả năng giảm giá là khó tránh khỏi, thị trường khó có khả năng diễn biến bất ngờ.
Cũng theo các chuyên gia, nền kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái do dịch bệnh, để nền kinh tế hồi phục lại mức trước dịch cần rất nhiều thời gian. Chỉ khi nào nền kinh tế hồi phục, thị trường bất động sản mới có thể hồi phục.