Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp hạ giá nhà
Theo Bộ Xây dựng cần phải tăng lượng cung cho nhà giá xã hội giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động, từ đó kéo giá nhà về giá trị thật...
Vì sao giá nhà ở Việt Nam luôn cao so với thu nhập của người dân?
Nguồn cung khan hiếm, giá nhà liền thổ tại TP Hồ Chí Minh tăng gần 15%
TP Hồ Chí Minh: “Bí” kênh đầu tư, giá nhà phố lại “bốc hoả”!
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều nay, 30/10, báo chí đã đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Xây dựng về việc vì sao thời điểm này, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 kéo theo sức mua ở hầu hết lĩnh vực đều giảm, thế nhưng giá nhà các địa phương đang cao hơn thu nhập bình quân trung bình người lao động. Đâu là giải pháp nào để đưa giá nhà về giá trị thật của thị trường?
Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25- 30 triệu đồng/m 2 ) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường bất động sản trong hai năm qua.
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, giá cả trong lĩnh vực bất động sản do thị trường quyết định nhưng theo tôi giải pháp là cần tăng lượng cung cho nhà giá xã hội giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động.
Hiện giá nhà ở xã hội có khung giá từ 15-20 triệu đồng/m2, cần đẩy nhanh các dự án tăng cung số lượng lên.
Bộ Xây dựng đề xuất có thêm loại nhà ở thương mại giá rẻ giá 20-28 triệu đồng/m2, cho phép xây nhà có diện tích dưới 45 m2 tạo nguồn cung cho loại nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được.
Với nhà ở thương mại thông thường, giá 30-45 triệu đồng/m2 thì hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhưng giải pháp vẫn là tăng cung. Thứ hai là tăng cường minh bạch thông tin, nhà đầu tư có thể giao dịch trực tiếp với người mua có nhu cầu, tránh qua các đối tượng đầu cơ, môi giới, trung gian bất động sản.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng vừa kiến nghị Chính phủ sớm triển khai “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m 2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m 2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.
Theo HoREA, cơ cấu giá thành của các dự án nhà ở thương mại gồm: Chi phí tạo lập quỹ đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính, chi phí quản lý và cả chi phí không tên.
Trong chi phí tạo lập quỹ đất, chi phí nộp tiền sử dụng đất sử dụng vào ngân sách nhà nước tính theo quy định của pháp luật về đất đai. Trên thực tế, khi tính tiền sử dụng đất, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường chỉ được khấu trừ khoảng trên dưới 25% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng thực tế đã bỏ ra.
Do vậy, gần như chủ đầu tư phải "mua lại" quyền sử dụng đất lần thứ 2. Do phần lớn chi phí giải phóng mặt bằng thực tế đã bỏ ra không được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, nên phần chi phí không được khấu trừ này "bị coi" là "lợi nhuận" (dù không có thực) và chủ đầu tư phải nộp thêm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trên "khoản lợi nhuận" này và cuối cùng sẽ được tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu.