Các chính sách về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp
(Xây dựng) - Do công nhân khu công nghiệp thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở, nên ngoài các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp thì họ còn là nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; tiếp tục có chính sách quan tâm hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp hậu COVID-19; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri tỉnh Hải Dương như sau:
Về cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp:
Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội, cụ thể như: (i) Miễn tiền sử dụng đất; (ii) được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; (iii) giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; (iv) hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; (v) cho vay ưu đãi lãi suất thấp; (vi) chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Do công nhân khu công nghiệp thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở, nên ngoài các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp thì họ còn là nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.
Với các chính sách ưu đãi nêu trên, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2. Trong đó, đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu m2 sàn.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra (với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu m2 (đáp ứng khoảng hơn 340.000 người lao động) thì mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020), hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng với giá thành thuê nhà khoảng 2 đến 5 triệu đồng, đáp ứng từ 4-6 người ở, tuy nhiên chất lượng kém, không bảo đảm an ninh, an toàn, không đầy đủ tiện ích...
Để giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục, hồ sơ chứng minh đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để bảo đảm đồng bộ quy định pháp luật, một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà công nhân phải tiếp tục được sửa đổi tại Luật Nhà ở và các pháp luật có liên quan, do vậy Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023 (Văn bản số 906/TB-TTKQH ngày 21/4/2022 của Tổng thư ký Quốc hội).
Hai gói hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Về việc tiếp tục có chính sách quan tâm hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp hậu Covid-19; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng
Ngoài ra, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội sớm phục hồi sau đợt dịch Covid-19, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong các mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 11/NQ-CP là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống (trong đó có nhà ở) của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, liên quan tới lĩnh vực ngành xây dựng, có 2 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cụ thể là:
Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng;
Cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.
Đồng thời để bảo đảm việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đúng quy định pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách; đề nghị kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024 (mục IV.17 Nghị quyết số 11/NQ-CP).
Thu Hằng
Theo