Cần môi trường kinh doanh minh bạch cho thị trường bất động sản
Bình quân mỗi dự án từ khi lập kế hoạch nghiên cứu đầu tư đến khi hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng sẽ mất từ 3 – 5 năm, có dự án còn kéo dài hơn. Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo sự minh bạch và tăng tính cạnh tranh cho thị trường cần phải có sự thống nhất về các điều luật và quyết liệt trong cải cách hành chính.
Thị trường bất động sản quý IV/2020: Màn chào sân của siêu dự án "đại đô thị"
Thương hiệu vận hành - một trong những yếu tố quan trọng khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng
Diễn viên Quý Bình kết hôn với bạn gái doanh nhân vào giữa tháng 12
Thị trường tiếp đà giảm sút
Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, từ đầu quý II/2020 đến nay, số lượng nguồn cung các phân khúc BĐS tiếp đà giảm sút từ giai đoạn 2018 – 2019. Cụ thể, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại: trên cả nước có 295 dự án với 125.449 căn hộ được cấp phép; 1.272 dự án với 243.265 căn hộ đang triển khai xây dựng; 118 dự án với 25.911 căn hộ hoàn thành. Số lượng dự án nhà ở được cấp phép giảm khoảng 9,3%) so với quý trước đó; Đối với dự án nhà ở xã hội, số lượng dự án hoàn thành đưa vào sử dụng rất ít, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 4 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 3.630 căn, tương ứng khoảng hơn 181.500 m2 và không có dự án mới được khởi công; Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng số lượng dự án được cấp phép giảm 46,7% so với quý trước.
“Tuy Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS vẫn chịu nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt là từ đợt dịch bệnh thứ hai đã tạo ra tâm lý thận trọng, làm chậm lại đà phục hồi và phát triển của thị trường BĐS các tỉnh khu vực Miền Trung cũng như trên cả nước” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Thị trường BĐS cần sự minh bạch để phát triển
“Những thủ tục hành chính đang là một rào cản lớn đối với việc triển khai dự án của các doanh nghiệp, mặc dù thủ tục nói là được xử lý qua cơ chế “một cửa” nhưng thực tế để một dự án có được Giấy phép xây dựng thì phải có vài chục con dấu từ nhiều cơ quan, như: Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng... nên đã xuất hiện những tiêu cực” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, không phủ nhận dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, khiến cho nhiều dự án phải dừng hoặc chậm tiến độ triển khai. Nhưng thực tế việc thị trường BĐS giảm sút đã xuất hiện từ cuối năm 2018, với hàng loạt những tác động từ cơ chế của Nhà nước, như: việc siết chặt nguồn vốn vay ngân hàng cho hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS; tăng cường thanh tra, kiểm tra và siết chặt quy trình cấp phép các dự án BĐS...
Kiến tạo môi trường minh bạch
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, để kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng, thì Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục cải cách về thể chế. Xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về nhà ở, về kinh doanh BĐS, về dân sự để đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông; Xem xét bổ sung “Chương trình mục tiêu nhà ở xã hội” vào định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, để Chính phủ có căn cứ pháp luật, có nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014, mà hiện nay đang bị ách tắc.
Sớm ban hành “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam”, để giải quyết ngay các vướng mắc về pháp lý đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất thuộc Nhà nước quản lý; về quy trình, thủ tục xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở, để làm tăng nguồn cung dự án nhà ở, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội; để giải quyết các vướng mắc của các dự án thực hiện theo Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT); để giải quyết điểm nóng condotel và tạo điều kiện “phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
“Các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình. ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.