Chấn chỉnh sai phạm liên quan đến huy động trái phiếu bất động sản
Vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản (BĐS) trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường BĐS...
VsetGroup phát hành trái phiếu lãi suất "khủng": Có phải miếng bánh ngon cho nhà đầu tư?
VsetGroup phát hành trái phiếu lãi suất "khủng": Công an vào cuộc xử lý!
Mua trái phiếu DN: Nhà đầu tư cần làm gì để tự bảo vệ mình?
Tại báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2022, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc doanh nghiệp kinh doanh BĐS phát hành trái phiếu chưa tuân thủ quy định pháp luật thời gian gần đây đã dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc cho cả doanh nghiệp và thị trường.
Theo đó, tính đến hết quý I/2022, cả nước có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng. Nhóm BĐS hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.
Ảnh minh họa
“Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường, như: Lượng phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu; kỳ hạn phát hành ngắn (từ 3 - 5 năm) đặc biệt là đối với doanh nghiệp BĐS huy động để triển khai dự án (thời gian triển khai dự án thường dài hơn, trên 5 năm); tài sản đảm bảo gồm các BĐS, dự án trong khi công tác định giá tài sản đảm bảo không sát với giá thực tế (định giá cao hơn giá trị thực)” - đại diện Bộ Xây dựng nêu rõ.
Chỉ tính năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS lên tới 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chiếm khoảng 20,11% dư nợ toàn hệ thống, đây là một trong những ngành kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường sôi động ở các phân khúc mang tính đầu cơ, thị trường BĐS có thể tạo rủi ro chéo lớn hơn tới ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại trong năm 2022 nếu lạm phát gia tăng lớn hơn kỳ vọng, khiến chính sách tiền tệ phải đảo chiều.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị, khu dân cư của các địa phương như: Đầu tư xây dựng tự phát, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo cơ hội đầu cơ, đẩy giá BĐS lên cao nhằm trục lợi...
Ngoài ra, hoạt động của sàn giao dịch BĐS chưa đảm bảo việc quản lý tốt giao dịch, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực BĐS; hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt, có hiện tượng sàn giao dịch câu kết với nhau "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương theo dõi nắm bắt, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm nêu trên.