Đằng sau cuộc khủng hoảng China Evergrande
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng cường bơm tiền mặt ngắn hạn vào hệ thống tài chính sau khi lo ngại về khủng hoảng nợ tại Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn nhất nước này - làm chao đảo các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên nỗ lực được cho chỉ nhằm xoa dịu tạm thời, khi gốc rễ vấn đề nằm ở hệ thống đã tồn tại hàng chục năm qua của Trung Quốc.
Từ khủng hoảng của Tập đoàn China Evergrande: Cảnh báo cho thị trường bất động sản Việt Nam
Từ “bom nợ” Evergrande, “báo động đỏ” cho trái phiếu doanh nghiệp bất động sản Việt Nam
Bong bóng nhà đất
Năm 2015, nền tảng Baidu - “Google của Trung Quốc” - đã thực hiện một nghiên cứu và lần đầu tiên xác định ít nhất 24 “thành phố ma” tồn tại ở cường quốc châu Á vào thời điểm đó. Đó là những tòa chung cư mới được xây dựng, thường nằm ở ngoại ô các thành phố lớn, có tỷ lệ cư trú rất thấp, thậm chí có nơi hoàn toàn không có người ở. Thời báo Tài chính dẫn lời Logan Wright - Giám đốc Công ty Tư vấn Rhodium Group, có trụ sở tại Hongkong mới đây cho biết, ước tính bất động sản chưa bán được ở Trung Quốc hiện có thể chứa hơn 90 triệu người, tương đương tổng dân số của Pháp, Đức, Italia, Anh và Canada cộng lại.
Giới phân tích kinh tế đã cảnh báo về “bong bóng nhà đất” của Trung Quốc trong ít nhất 1 thập kỷ qua. Đến tháng 8 năm nay, báo động một lần nữa vang lên sau khi một đoạn video được quay tại đô thị Tây Nam Côn Minh cho thấy cảnh 15 tòa nhà cao tầng bị chính quyền chủ động phá hủy bởi 85.000 khối nổ trong vòng chưa đầy 1 phút. Một bài báo địa phương gọi dự án này - từng rất được hứa hẹn nhưng đã bị bỏ dở từ năm 2013 sau khi chủ đầu tư hết tiền - là “vết sẹo chục năm của thành phố”. Và những nhà phát triển bất động sản như China Evergrande được cho là đã và đang gây ra loạt “vết sẹo” như vậy trên khắp Trung Quốc.
Tòa nhà Evergrande tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Tập đoàn Evergrande là DN tiêu biểu cho mô hình kinh doanh “vay để xây dựng” của Trung Quốc. Xây dựng trở thành một trong những yếu tố chính đằng sau sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của nước này, trong khi Chính phủ Bắc Kinh được theo dõi trong nhiều năm đã giảm lãi suất liên ngân hàng bất cứ khi nào tốc độ tăng giá nhà có dấu hiệu chậm lại. Được hỗ trợ bởi nợ, thị trường bất động sản cho dân số thành thị ngày một tăng ở Trung Quốc trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà phát triển. Các công ty vay mượn ồ ạt để xây thêm bất động sản và mọi thứ vẫn thuận lợi cho đến khi giá nhà ở bị đẩy lên quá cao, hoặc đơn giản hơn là cung vượt cầu.
Trong nỗ lực nhằm thiết lập lại hệ thống bất ổn này, Chính phủ Bắc Kinh đã lên kế hoạch cắt giảm rủi ro tài chính và giảm nợ từ nền kinh tế kể từ năm 2018. Tháng 8/2020, Trung Quốc công bố một chính sách mới được gọi là “3 đường đỏ”. Các đường màu đỏ là các giới hạn cứng đối với tỷ lệ nợ trên tài sản của DN, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn. Các công ty vượt quá 3 ranh giới đỏ có thể tăng nợ lên tới 15%/năm. Đây chính là thời khắc ấn định với China Evergrande.
Nợ của Tập đoàn Evergrande, hiện ước tính khoảng 300 tỷ USD, xảy ra đúng vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Khoản nợ được nắm giữ bởi nhiều tổ chức tài chính Trung Quốc, các nhà đầu tư bán lẻ, người mua nhà và các nhà cung cấp của nó trong các ngành xây dựng, vật liệu và thiết kế. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nắm giữ một số khoản nợ của nó. Trong vài tuần qua, công ty đã 2 lần cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể vỡ nợ nếu không thể huy động tiền nhanh chóng.
Hơn hết, Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn vật liệu xây dựng hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản - hiện chiếm 27% nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cuộc khủng hoảng của “ông lớn” China Evergrande không tránh khỏi việc gây ra một đợt bán tháo toàn cầu, và các thị trường đã chỉ hồi phục nhẹ trở lại sau khi tập đoàn này hôm 22/9 lên tiếng đảm bảo sẽ trả khoản thanh toán lãi suất 83,5 triệu USD đến hạn vào 1 ngày sau đó.
Bắc Kinh sẽ ra tay?
Trong một nỗ lực để trấn an các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm 120 tỷ Nhân dân tệ (18,6 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua các thỏa thuận mua lại đảo ngược, qua đó bơm ròng 90 tỷ Nhân dân tệ. Tuy nhiên, như Ding Shuang - chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered - nhận định, chỉ tăng cường thanh khoản sẽ là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng China Evergrande.
“Những gì thị trường hy vọng Chính phủ Bắc Kinh sẽ làm là đưa ra một kế hoạch có thể giúp công ty tái cấu trúc và tái cấp vốn một cách suôn sẻ” - ông Shuang nói với Bloomberg - “điểm mấu chốt của Trung Quốc là họ sẽ không cho phép sự cố Evergrande biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện hoặc để nó gây ra bất kỳ rủi ro nào mang tính hệ thống”.
CNN dẫn một báo cáo đầu tuần này của các nhà phân tích tại S&P Global Ratings đánh giá:
“Một gói cứu trợ của Chính phủ Trung Quốc sẽ làm suy yếu chiến dịch nhằm tăng cường kỷ luật tài chính trong lĩnh vực bất động sản của nước này”. Do đó, các nhà phân tích dự kiến trọng tâm của Bắc Kinh là định hướng Evergrande thông qua quy trình tái cơ cấu nợ hoặc phá sản có trật tự, đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cấp vốn nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư nhỏ và người mua nhà được bảo vệ càng nhiều càng tốt.
Các chuyên gia dự báo thêm, chỉ khi sự lây lan từ sự cố Evergrande khiến các nhà phát triển lớn khác thất bại theo thì Chính phủ Bắc Kinh mới trực tiếp vào cuộc. Nhưng họ tin rằng tác động đến hệ thống tài chính chỉ từ Evergrande là “có thể kiểm soát được”. Nhận định này được đa số giới phân tích đồng tình, hạ thấp luận điểm được truyền thông quốc tế gần đây “thổi phồng”, khi so sánh cuộc khủng hoảng của China Evergrande với sự sụp đổ của Lehman Brothers tại Mỹ năm 2008 - nhân tố đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2 năm sau đó.
Các nhà kinh tế của Macquarie Group cũng không nghĩ rằng Evergrande có khả năng xảy ra gói cứu trợ. “Chính phủ Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng các căn hộ bán trước được hoàn thành và giao cho người mua nhà”, các chuyên gia nói với CNN, mặc dù họ nói thêm rằng các cổ đông và người cho vay có thể “lỗ lớn”. Trước mắt, Bắc Kinh được cho sẽ ưu tiên để tránh bất kỳ sự leo thang nào từ các cuộc biểu tình gần đây của các nhà đầu tư và chủ sở hữu căn hộ - những người đã tụ tập bên ngoài trụ sở của Tập đoàn Evergrande ở Thâm Quyến để đòi lại tiền.
CNN dẫn lời Robert Carnell - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ING Economics - đánh giá, nhu cầu “giảm sát thương” đối với các nhà đầu tư nhỏ có thể sẽ là trọng tâm của bất kỳ đợt tái cơ cấu nào đối với Evergrande. Ông trích dẫn thông điệp gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “sự thịnh vượng chung” và nhu cầu phân phối lại của cải vì lợi ích “công bằng xã hội”.
|