Đất nền vẫn là kênh đầu tư “vua” trong năm 2020
Trong bối cảnh nhiều phân khúc bất động sản trầm lắng thì đất nền vẫn được xem là “điểm hẹn” lý tưởng của nhiều nhà đầu tư trong năm 2020. Theo dự đoán, dòng tiền có xu hướng chảy về những vùng đất mới giàu tiềm năng phát triển.
TP Hồ Chí Minh: Giá đất vùng ven tăng "phi mã" trên diện rộng
TP Hồ Chí Minh: “Lật tẩy” Địa ốc Alibaba, giao dịch đất nền sẽ chững lại?
Đặt cọc mua đất nền, làm thế nào để tránh rủi ro?
Tại Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP Hồ Chí Minh năm 2019 của Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Việt Nam), ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA nhận định đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu dù thị trường đang có xu hướng giảm nhiệt.
Đất nền tiếp tục được dự báo là phân khúc hút nhà đầu tư trong năm 2020. |
Theo ông Phạm Lâm, đất nền vẫn tiếp tục khan hiếm và do không có nhiều dự án mới mở bán, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu dù thị trường gần đây có xu hướng giảm nhiệt. Nguồn cung mới đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 9,...
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2019, dao động khoảng 25.000 căn, tập trung ở các dự án có quy mô lớn. Khu Đông và khu Nam tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới. Loại hình căn hộ hạng A và hạng B vẫn dẫn dắt thị trường, căn hộ hạng C khan hiếm, trong khi căn hộ hạng sang có thể tăng mạnh trong năm 2020 và mở rộng phạm vi ra các khu vực quận 4, quận 10. Sức cầu chung trong ngắn hạn sẽ chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc mới.
Đối với nhà phố/biệt thự, nguồn cung mới có thể sẽ tăng trong năm 2020, dao động ở mức 2.500 căn, tập trung ở một số dự án có quy mô lớn. Khu Đông và khu Nam tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung mới. Sức cầu duy trì mức ổn định như cuối năm 2019 nhưng khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn. Các dự án có mức giá dao động trong khoảng 10 tỷ đồng/căn luôn được thị trường ưu tiên lựa chọn.
Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới biệt thự biển và condotel có thể sẽ giảm so với năm 2019, các dự án đa phần tập trung ở thị trường Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức cầu chung tiếp tục xu hướng giảm từ cuối năm 2019, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để thay đổi đột biến.
Mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, trong đó loại hình nhà phố/shophouse được thị trường đón nhận khá tốt. Đồng thời, xu hướng ủy thác cho thuê theo hình thức chia sẻ lợi nhuận tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng.
Theo báo cáo của DKRA, trong năm 2019, thị trường chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung và sức cầu của hầu hết các phân khúc, ngoại trừ bất động sản nghỉ dưỡng (tuy nhiên, nguồn cung tập trung chủ yếu ở một số dự án quy mô lớn tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,...). Mặt bằng giá có nhiều biến động, đặc biệt giá sơ cấp từ chủ đầu tư tăng mạnh.
Theo dự báo của đơn vị này, bước sang năm 2020, tình hình thị trường sẽ có nhiều điểm tương đồng năm 2019. Nguồn cung mới không có sự đột biến và không quá dồi dào trong khi sức cầu vẫn cao, đặc biệt ở các phân khúc đất nền, căn hộ. Việc thiếu nghiêm túc khi tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng. Đây sẽ là những thách thức rất lớn cho thị trường bất động sản trong năm 2020.
Để tháo gỡ thách thức, theo DKRA cần có sự chung tay một cách quyết liệt của tất cả các bên, trong đó quan trọng nhất là vai trò điều phối và quản lý của Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan ban ngành. Cụ thể, thị trường bất động sản 2020 đòi hỏi những đột phá về cải thiện chính sách, pháp lý liên quan đến quy trình, thủ tục phê duyệt hồ sơ dự án,… kịp thời tạo điều kiện cho nguồn cung mới ra thị trường.
Đồng thời, với những sai phạm, cơ quan nhà nước cần giám sát chặt chẽ và xây dựng chế tài nghiêm minh hơn để xử lý, răn đe và ngăn chặn rủi ro. Đối với quy hoạch hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế, xã hội,… cần được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, để thị trường phát triển bền vững cần chương trình nhà ở Quốc gia dài hơi tiếp nối gói vay 30 ngàn tỷ và chính sách nhà ở xã hội đã được triển khai trước đó, nhằm hỗ trợ cho người mua nhà ở thật và hạn chế tình trạng đầu cơ khiến giá bất động sản tiếp tục lên cao.