Đề xuất gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp bất động sản
Đứng trước thách thức lớn do đại dịch Covid-19 gây ra, HoREA đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn.
Đề xuất dừng tách thửa theo loại đất để ngăn phân lô bán đất nền trái phép
HoREA: Xây dựng căn hộ 25m2 không lo sẽ hình thành “ổ chuột trên cao”!
HoREA cảnh báo tồn kho bất động sản đang “leo thang”
Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp, Tập đoàn bất động sản (BĐS).
HoREA đề xuất bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng được gia hạn thuế.
Cụ thể, HoREA đã nêu ra một số khó khăn mà các doanh nghiệp BĐS gặp phải trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đồng thời, HoREA cũng đề xuất Chính phủ một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn.
Theo HoREA, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước. Tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp BĐS, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể doanh nghiệp bị mất thanh khoản.
“Thị trường BĐS đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”, nên các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này”, ông Châu nhấn mạnh.
Với những lí do trên, HoREA đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 03-06/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 03-06/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS. Và đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.
Ngoài ra, Hiệp hội khuyến nghị ban lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS không tổ chức các sự kiện đông người (như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ…), hạn chế các cuộc họp không cần thiết, sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến (online) để phòng tránh nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.
Đồng thời, điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, nhất là lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin…
Thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian…
Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các Tập đoàn và doanh nghiệp BĐS thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
Đối với các Tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS.