Điện lực Bình Chánh: Có dấu hiệu gian lận tiền điện của dân, “ép” doanh nghiệp nộp trước cả tỷ đồng tiền điện?
Người dân về quê hơn 2 tháng không sử dụng điện nhưng vẫn bị điện lực Bình Chánh thu 1,7 triệu đồng mỗi tháng. Hơn nữa, ông điện lực này còn ở “kèo trên” khi đề nghị doanh nghiệp nộp trước tiền đện 2 tháng là 1 tỷ đồng
TP Hồ Chí Minh: Công ty Điện lực Bình Chánh không trả tiền công cho đối tác!
Nguy hiểm những cột điện “mồ côi” bị “bỏ quên” ở trung tâm TP Hồ Chí Minh
EVN lãi gần 14.500 tỷ đồng năm 2020
Vừa qua, VPĐD báo Kinh tế và Đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều phản ánh về những bất thường của điện lực Bình Chánh, có dấu hiệu gian lận tiền điện của khách hàng, “ép” doanh nghiệp phải nộp trước tiền điện 2 tháng (tháng 12/2021 và tháng 1/2022).
Điện lực Bình Chánh gian lận tiền điện của dân, “ép” doanh nghiệp nộp trước cả tỷ đồng tiền điện
Gian lận tiền điện của dân
Phản ánh tới các cơ quan báo chí, khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, do vừa mới sinh con và nhà có mẹ già nên đến cuối tháng 7/2021, gia đình chị Nguyễn Thị Hương (trú tại KDC Hạnh Phúc, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã rời TP về quê ở Nghệ An để tránh dịch.
Đầu tháng 8/2021, điện lực Bình Chánh có thông báo qua tin nhắn điện thoại tiền điện tháng 7 (từ 3/7/3/8) với số tiền gần 1,7 triệu đồng. Đến ngày 11/8, gia đình chị đã đóng tiền điện qua tài khoản ngân hàng và có xác nhận đã thanh toán từ phía điện lực (qua điện tin nhắn điện thoại) và xác nhận đã thanh toán lẫn hóa đơn điện tử tiền điện được phía điện lực Bình Chánh gửi qua địa chỉ email của gia đình.
Đầu tháng 9, dù gia đình chị vẫn ở quê, không sử dụng điện, nhưng phía điện lực Bình Chánh vẫn gửi tin nhắn báo tiền điện gần 1,7 triệu đồng và yêu cầu đóng. Do thấy vô lý vì không sử dụng điện nhưng vẫn bị điện lực Bình Chánh gửi tiền điện khống nên gia đình chị Hương không đóng. Sau đó, gia đình chị nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhận viên điện lực Bình Chánh ở bộ phận công nợ gọi nhắc gia đình đóng tiền điện với số tiền như điện lực Bình Chánh đã gửi qua tin nhắn.
“Lúc này tôi đã giải thích và đề nghị điện lực Bình Chánh xem lại đồng hồ điện vì gia đình tôi vẫn ở quê, không sử dụng điện. Từ đó về sau không thấy điện lực Bình Chánh phản hồi gì cho gia đình tôi”, chị Hương cho biết.
Cũng theo chị Hương, đến cuối tháng 10, gia đình chị Hương mới trở lại TP Hồ Chí Minh. "Tuy nhiên đến giữa tháng 11/2021, gia đình tôi nhận được thông báo của điện lực Bình Chánh thông báo về công nợ gần 1,7 triệu đồng tiền điện, nếu không đóng sẽ bị cắt điện. Lúc này, tôi đã gọi điện lên tổng đài để phản ánh, yêu cầu điện lực Bình Chánh phải xuống ghi nhận chỉ số điện sử dụng thực tế, chứ không phải tự ấn định ra số tiền khống để yêu cầu gia đình đóng. Phía nhân viên chăm sóc khách hàng đã ghi nhận và hứa sẽ thực hiện", theo chị Hương.
Dù thực tế không nợ tiền điện...nhưng khách hàng vẫn bị cắt điện!
Thế nhưng, trớ trêu thay, vào trưa ngày 23/11, điện lực Bình Chánh đã xuống cắt điện của gia đình chị Hương kèm theo thông báo số tiền điện nợ gần 1,7 triệu đồng như nhiều lần trước đã thông báo.
“Việc ngang nhiên cắt điện nhà dân của điện lực Bình Chánh không chỉ là hành vi quá tắc trách, coi thường khách hàng mà còn thể hiện sự gian lận, nâng khống tiền điện, ăn cắp tiền điện của dân. Từ trước đến nay, gia đình tôi chưa nợ điện lực 1 xu nào. Chúng tôi về quê hơn 2 tháng trời, không sử dụng điện, nhưng phía điện lực Bình Chánh lại ngang nhiên nâng khống số tiền gần 1,7 triệu để bắt chúng tôi đóng là điều không thể chấp nhận được. Sao chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu đối chiếu, xem kỹ, ghi đúng số điện sử dụng trên đồng hồ điện để cụ thể hết bao nhiêu thì chúng tôi đóng, nhưng điện lực Bình Chánh vẫn không chịu, mà ấn định ra số tiền khống bắt chúng tôi đóng? Việc tự ý cắt điện nhà tôi của điện Lực Bình Chánh đã gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, làm hư hỏng, phải vứt bỏ hàng chục kg thực phẩm trong tủ lạnh...”, chị Hương bức xúc.
Quá bức xúc với hành vi thiếu tính nhân văn, xem thường khách hàng, thể hiện sự gian dối của điện lực Bình Chánh, phía gia đình chị Hương đã nhờ phía Ban Quản lý tòa nhà mở tủ điện để xem cụ thể đồng hồ điện thì tá hỏa khi biết số điện thực tế với số điện mà điện lực đưa ra chênh lệch hàng trăm kw.
Lúc này, gia đình chị vẫn tiếp tục gọi điện lên tổng đài để phản ánh, nhưng gọi rất nhiều lần vẫn không ai nhắc máy.
Cũng theo chị Hương, ngày 25/11, gia đình chị đã phải lặn lội hàng chục km đến điện lực Bình Chánh để phản ánh, nhưng không được bảo vệ cho vào. Lý do được đưa ra là điện lực Bình Chánh không làm việc trực tiếp, mà ghi lại nội dung để bảo vệ chuyển vào để điện lực xử lý.
“Thế nhưng thật tắc trách, đến nay sau nhiều ngày, phía điện lực Bình Chánh vẫn im lặng, không một phản hồi nào, mà như muốn thách thức dư luận, xem thường khách hàng lẫn coi thường pháp luật trước hành vi nâng khống, gian lận của mình”, chị Hương cho biết.
Mặc dù rất khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn bị đề nghị nộp trước cả tỷ đồng tiền điện
"Ép" doanh nghiệp nộp trước tiền điện
Trước đó, ngày 19/11/2021, điện lực Bình Chánh có công văn số 5612/PCBC-QLTG “v/v ứng trước tiền điện” gửi CN Công ty CP sản xuất…đề nghị doanh nghiệp này nộp trước 02 tháng tiền điện.
“Hàng năm vào tháng 11 và 12, chúng tôi được giao nhiệm vụ tăng tỷ lệ thu tiền điện, để góp phần thực hiện tôt nghĩa vụ nộp thuế cho Chính phủ. Do đó, thông quan văn bản này, Công ty điện lực Bình Chánh kính đề nghị quý đơn vị cân đối, hỗ trợ ứng trước tiền điện của các tháng 12/2021 và tháng 01/2022, cụ thể như sau: Ứng trước tiền điện tháng 12/2021 là 500 triệu đồng, thời hạn nộp ngày 27/11/2021; Ứng trước tiền điện tháng 01/2022 là 500 triệu đồng, thời hạn nộp ngày 27/12/2021”, trích văn bản.
Trao đổi với báo chí, đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn (cũng nhận được công văn tương tự) cho biết, dịch Covid-19 kéo dài gần 02 năm, doanh nghiệp thực sự khó khăn. Giờ doanh nghiệp vừa mới hoạt động trở lại được ít ngày, dịp cuối năm phải chi rất nhiều trong khi nguồn thu lại chưa có…mà ngành điện lực lại đề nghị chúng tôi ứng trước tiền điện trong 2 tháng, khiến chúng tôi đõ khó lại càng thêm khó!
Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Trong Thông báo 272/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng nhận định: Trong gần 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước... Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt. Thời gian qua, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện… Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới… Nguồn Chinhphu.vn |