Đồng Nai tạo quỹ đất nhằm thu hút đầu tư nước ngoài
Mặc dù là tỉnh nhiều có lợi thế về hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, phát triển khu công nghiệp có từ rất sớm, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai gần đây đang bị chậm lại.
(Ảnh minh họa: TTXVN phát) |
Tại các cuộc họp gần đây của tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã rất sốt ruột vì tình hình thu hút đầu tư trong và nước ngoài đạt thấp; chỉ số năng lực cạnh tranh tụt giảm, chỉ số cải cách hành chính tụt hạng.
Mặc dù là tỉnh nhiều có lợi thế về hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, phát triển khu công nghiệp có từ rất sớm, có nhiều khu công nghiệp với lịch sử thu hút đầu tư hơn 3 thập niên, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai gần đây đang bị chậm lại.
Trong 7 tháng, tổng vốn thu hút đầu tư cấp mới và tăng vốn hơn 524 triệu USD, bằng 49% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, Đồng Nai cấp mới 19 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 274 triệu USD. So với cùng kỳ bằng 42% về số dự án và bằng 75% về vốn đăng ký cấp mới.
Đáng chú ý có 3 dự án có vốn đầu tư tương đối lớn là dự án nhà máy sản xuất Nylon-VN2 (vốn đầu tư 124,7 triệu USD, tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch V); dự án Nhà xưởng cho thuê Công ty hữu hạn Cơ khí động lực Toàn Cầu (vốn đầu tư 45 triệu USD, tại khu công nghiệp Hố Nai); dự án Nhà máy công nghệ giày dép Framas (Vốn đầu tư 15,5 triệu USD tại khu công nghiệp Nhơn Trạch II-Nhơn Phú).
Các dự án mới chủ yếu thuộc các quốc gia châu Á, phần lớn vẫn là các dự án của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc. Đa phần là các dự án sản xuất công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, dẫn đầu vẫn là các dự án đầu tư từ Hàn Quốc, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, HongKong (Trung Quốc). Trong tổng số dự án cấp mới có 31/53 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ với vốn đầu tư đăng ký là 278,68 triệu USD.
Đối với với ngành nghề đầu tư của các dự án cấp mới, Đồng Nai vẫn tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghiệp phụ trợ với 14 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, với vốn đầu tư đăng ký hơn 216 triệu USD, chiếm hơn 78% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thu hút đầu tư của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1.545 dự án với tổng vốn đăng ký 32,62 tỷ USD; trong đó, dẫn đầu về số lượng và số vốn đầu tư là các dự án của Hàn Quốc, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Mặc dù số lượng dự án năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư bình quân cho dự án 7 tháng năm 2022 đều cao hơn cùng kỳ năm 2021 do thu hút được 3 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 211 triệu USD.
Là tỉnh có diện tích đất tự nhiên rộng, phát triển công nghiệp trước so với các địa phương trong cả nước, thế nhưng nghịch lý là trong thời gian gần đây thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai chậm lại là do thiếu đất cho công nghiệp.
Khi hoàn thành, cầu Vàm Cái Sứt bắc qua sông Đồng Nai sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các khu đô thị ở Đồng Nai, đặc biệt là thành phố mới Nhơn Trạch với Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Công Phong/TTXVN) |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện nay quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh không còn nhiều, nhất là những khu công nghiệp ở những địa bàn trọng điểm như huyện Long Thành, thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch.
Một số khu công nghiệp còn nhiều quỹ đất để đầu tư như khu công nghiệp Hố Nai-giai đoạn 2 (diện tích cho thuê 33,72%), khu công nghiệp Sông Mây-Giai đoạn 2 (diện tích cho thuê đạt 4,33%), khu công nghiệp Thạnh Phú-Vĩnh Cửu (diện tích cho thuê đạt 58,99%).
Tuy nhiên, các khu công nghiệp này cách xa các trung tâm cảng, logistic, xa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, chưa hoàn tất thủ tục đất đai, hệ thống giao thông chưa thuận tiện nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa quan tâm tìm hiểu, đầu tư, nhất là các tập đoàn công nghệ cao.
Riêng khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành được thành lập để kêu gọi các dự án theo đúng tiêu chí công nghệ cao, tuy nhiên cũng chỉ mới đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn và thiếu đất cho công nghiệp, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đồng Nai về định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, để đón nhận nguồn vốn trong nước cũng như nước ngoài chất lượng đầu tư vào tỉnh Đồng Nai, thu hút được các dự án “công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu …” cần tiếp tục theo đúng tinh thần của kế hoạch số 361-KH/TU ngày 28/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về việc thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Cụ thể về trước mắt cũng như lâu dài là Đồng Nai tập trung làm tốt các giải pháp tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, chọn nhà đầu tư tốt nhất, kiểm soát dự án, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ sạch; nghiên cứu việc áp dụng nội dung Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị "về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030" vào vấn đề đầu tư cho các dự án, kể cả việc đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.
Trong thời gian tới, để thu hút được các dự án theo đúng định hướng của tỉnh là công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động, lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics, Đồng Nai phải có sẵn quỹ đất công nghiệp lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, công khai minh bạch quy hoạch tỉnh, nhất là huyện Long Thành (khu vực xung quanh sân bay quốc tế Long Thành), huyện Nhơn Trạch, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
Hiện tỉnh Đồng Nai đang tập trung lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch 1/2.000, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung 6.500ha đất khu công nghiệp, đây là tiền đề để tỉnh kêu gọi đầu tư theo đúng chủ trương của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ; hướng dẫn, công bố hợp chuẩn, hợp quy, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm./.
Theo Nguyễn Văn Việt (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/dong-nai-tao-quy-dat-nham-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai/810479.vnp