Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên: Có dấu hiệu đất công...hóa "đất ông"?
Với việc nhập nhằng chuyển giao đất có nguồn gốc Nhà nước sang cho bên thứ 3, dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên đang có hình bóng của một vụ án “Khu đô thị Tân Phú 43ha” thứ 2 tại Bình Dương.
Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên: Công ty Nam Á ký hợp đồng sai luật?
Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên: Khách hàng “nắm dao đằng lưỡi” ?
Bình Dương: Dự án của “mẹ”, tỉnh chấp thuận cho “con” làm chủ đầu tư?
Nhập nhằng nguồn gốc dự án
Như Tieudung.vn đã đề cập ở các bài viết trước, dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên toạ lạc tại đường ĐT756, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Dự án này hiện nay được giới thiệu do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên (Công ty TNHH Nam Tân Uyên) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 51ha, bao gồm 3.700 sản phẩm.
Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên toạ lạc tại đường ĐT756, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Theo đó trước đây, dự án này chính là dự án Khu dân cư thuộc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, với tổng diện tích gần 52ha. Trong đó, phần lớn là đất trồng cây lâu năm, bao gồm: toàn bộ thửa đất số 320 – 424 tờ bản đồ số 29 và thửa đất số 6 – 9 tờ bản đồ số 24 và một phần đất của Công ty Cao su Phước Hoà.
Trong thông tin trả lời cho báo chí vào năm 2019, bà Nguyễn Thị Lam Hồng, Phó giám đốc dự án cho biết, Khu nhà ở Nam Tân Uyên là một phần diện tích đất dành để xây dựng khu dân cư thuộc dự án tổng thể Khu công nghiệp Nam Tân Uyên được Thủ tướng phê duyệt chủ trương từ năm 2003 và đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 6929/QĐ-CT ngày 7/9/2004.
Thế nhưng, trong văn bản phản hồi Báo Kinh tế & Đô thị mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lại phủ nhận thông tin này khi cho biết, Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên không nằm trong tổng thể Khu công nghiệp Nam Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2004.
Vậy, nguồn gốc đất thực sự của dự án này là gì? Có thuộc về dự án tổng thể Khu công nghiệp Nam Tân Uyên hay không? Điều này, cần phải được các cơ quan chức năng làm rõ.
“Phù phép” đất công?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Nam Tân Uyên tiền thân là công ty con của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên), được thành lập thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 22/6/2018. Mã số doanh nghiệp là 3702677285. Vốn điều lệ của công ty ban đầu là 80 tỷ đồng với 100% vốn của Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên.
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên chính là đơn vị được giao quản lý Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (giai đoạn 1, hiện đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2). Đây là công ty có phần vốn Nhà nước, khi mà Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 2 cổ đông lớn, nắm lần lượt 32,85% và 20,42% vốn điều lệ.
Chỉ sau gần 2 tháng được thành lập, ngày 17/8/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã ra công văn số 3847/UBND-KTN, chấp thuận cho công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên. Và đến ngày 10/10/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2836/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Lúc này, Công ty TNHH Nam Tân Uyên đã thay thế Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư, trong khi về mặt pháp lý thì đây là 2 pháp nhân độc lập. Vậy cơ sở đâu để có sự “thay thế” này?
Chỉ sau hơn 1 tháng kể từ khi được chuyển đổi chủ đầu tư, ngày 26/9/2018, HĐQT Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên lại tiếp tục ban hành quyết định số 041/QĐ-HĐQT-NTC về việc tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên từ 80 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng (hình thức tăng vốn điều lệ: huy động vốn từ thành viên mới).
Cùng với đó, chấp thuận cho thành viên tham gia góp vốn 320 tỷ đồng là Công ty Cổ phần phát triển Đô thị Nam Á; chấp thuận chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH MTV sang Công ty TNHH hai thành viên trở lên, cơ cấu vốn điều lệ sau khi chuyển đổi sang công ty TNHH hai thành viên trở lên là Nam Tân Uyên 20%, Nam Á 80%.
Và đến ngày 9/10/2018, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương chấp thuận cho công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH MTV sang Công ty TNHH hai thành viên trở lên, cơ cấu vốn điều lệ sau khi chuyển đổi sang công ty TNHH hai thành viên trở lên là Nam Tân Uyên 20%, Nam Á 80%.
Đồng thời, Công ty TNHH Nam Tân Uyên, từ công ty con, trở thành công ty liên kết đối với Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên. Việc làm này, đã khiến hơn 51ha đất mà Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên chuyển giao cho Công ty TNHH Nam Tân Uyên, bỗng chốc bị “rơi” vào tay công ty Nam Á, khi đơn vị này chiếm tới 80% vốn điều lệ công ty và có quyền quyết định số phận khu đất này.
Việc tăng vốn điều lệ, để giảm bớt quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên, phải chăng là một chiêu “phù phép” đất công, biến tài sản của Nhà nước thành của tư nhân để trục lợi?
Chưa được giao đất, xong bên trong dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên một số ngôi nhà đã mọc lên.
Đất công hoá… “đất ông”?
Để làm rõ thêm thông tin về vụ việc, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Nam Tân Uyên.
Tại buổi làm việc này, đại diện công ty cho rằng, việc chuyển giao dự án từ Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên sang cho Công ty TNHH Nam Tân Uyên là hoàn toàn đúng luật.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị phía công ty cung cấp những hồ sơ cụ thể để chứng minh, đại diện công ty chỉ đưa ra 2 văn bản, và vì lý do bảo mật, nên yêu cầu PV chỉ được phép đọc tại chỗ, không được phép chụp ảnh hay photocopy 2 văn bản nói trên(?).
Căn cứ một trong 2 văn bản mà công ty cung cấp, đại diện công ty cho biết, trong tổng số hơn 51ha đất dự án, có 410.005,3m2 là thuộc về Công ty cao su Phước Hoà; 142.559,3m2 là đất đền bù của một số hộ dân và 1.646m2 là đất thuộc trạm y tế xã Khánh Bình.
Như vậy, rõ ràng, khu đất nói trên, bao gồm cả đất của doanh nghiệp có vốn Nhà nước (công ty Phước Hoà) và đất công (trạm y tế Xã Khánh Bình). Trong đó, phần đất của công ty Phước Hoà chiếm số lượng khá lớn, lên đến hơn 41ha.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây, là phần đất nói trên, được công ty cao su Phước Hoà góp vào dự án theo hình thức nào?
Nếu phần đất nói trên, được tính vào 32,85% vốn điều lệ mà Công ty Cao su Phước Hoà góp vào Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên, thì khi Công ty TNHH Nam Tân Uyên trở thành công ty liên kết, và Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên chỉ còn sở hữu 20% vốn tại công ty này, đã thể hiện rõ việc “phù phép” đất công của doanh nghiệp.
Còn trong trường hợp, Công ty Cao su Phước Hoà không mang khu đất này để tính vào 32,85% vốn điều lệ nói trên, thì phần đất nói trên, làm thế nào để “rơi” vào tay Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên? Và việc Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên, chuyển giao khu đất này sang cho Công ty TNHH Nam Tân Uyên, đã được sự đồng ý của Đại hội đồng Cổ đông Công ty Cao su Phước Hoà? Điều này, chúng tôi sẽ làm rõ ở những bài sau.
Một điều đáng lưu ý, theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến trước khi được chuyển giao cho Công ty TNHH Nam Tân Uyên, khu đất này, vẫn chưa được Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên đóng tiền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc, khu đất này, trên thực tế vẫn chưa được công nhận là thuộc quyền quản lý và sử dụng của Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên. Vậy, căn cứ vào đâu, Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên lại có thể đem khu đất này để chuyển giao cho Công ty TNHH Nam Tân Uyên? Và UBND tỉnh Bình Dương, căn cứ vào đâu, để đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên, từ Công ty Cổ phần Nam Tân Uyên sang cho Công ty TNHH Nam Tân Uyên?
Phải chăng, ở đây, đang có một “nhóm lợi ích”, cố tình làm trái các quy định của pháp luật để trục lợi?
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.