Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên: Khách hàng “nắm dao đằng lưỡi” ?
Dù chưa được giao đất cũng như cấp giấy phép xây dựng, Công ty Nam Á đã ký hợp đồng hợp tác và thu tiền của khách hàng tại dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên.
Bình Dương: Dự án của “mẹ”, tỉnh chấp thuận cho “con” làm chủ đầu tư?
TP Hồ Chí Minh: Nhiều sai phạm tại dự án Oriental Plaza
Địa ốc Alibaba bán dự án ma: Cần phải truy trách nhiệm chính quyền!
Đã bị xử phạt
Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên tọa lạc tại đường ĐT756, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có diện tích hơn 51ha, bao gồm 3.700 lô nền, thổ cư 100%.
Liên quan đến những lùm xùm tại dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên, được giới thiệu do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư, trả lời báo chí, đại diện UBND phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên cho biết, đến thời điểm hiện tại, UBND phường vẫn chưa nhận được văn bản của cơ quan cấp trên về việc cho phép Công ty TNHH Công nghiệp và Đô Thị Nam Tân Uyên thi công cơ sở hạ tầng đối với Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên.
Theo ông Huỳnh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Khánh Bình, năm 2019, UBND phường đã phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh tiến hành kiểm tra công trình xây dựng đối với hạng mục nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở Nam Tân Uyên.
Đến ngày 6/11/2019, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên với tổng mức phạt tiền là 80 triệu đồng.
Cũng theo ông Phúc, trong năm 2019, UBND phường Khánh Bình đã chỉ đạo ngành Công an thường xuyên kiểm tra việc rao bán trái phép đất dự án, đồng thời thu giữ nhiều bảng quảng cáo, rao vặt của một số cá nhân dọc theo tuyến đường ĐT-746. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục kiểm tra và báo cáo cơ quan cấp trên nếu phát hiện trường hợp rao bán đất dự án trái phép đối với dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên.
Với những phản hồi nói trên của UBND phường Khánh Bình, có thể nói, đến thời điểm hiện tại, dự án Nam Tân Uyên vẫn chưa có đủ các điều kiện pháp lý để chào bán dự án ra thị trường.
Thế nhưng, trên thực tế, từ cuối năm 2018, Công ty TNHH Công nghiệp và Đô Thị Nam Tân Uyên đã liên kết với nhiều đơn vị để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như chào bán dự án thông qua hình thức “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”.
Dù chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất, dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên vẫn công khai làm hạ tầng và rao bán rầm rộ.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua đất, PV Báo Kinh tế & Đô Thị đã được H, một nhân viên của Công ty Cổ phần Địa ốc Núi Hồng nhiệt tình tư vấn.
Theo H, hiện tại, giá bán của dự án đang ở mức 15,5 – 25 triệu đồng/m2 tuỳ vào từng vị trí hoặc diện tích.
Nếu khách muốn mua, thì sẽ đặt cọc trước 30 triệu đồng, 7 ngày sau sẽ thanh toán 40% giá trị hợp đồng và ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Số tiền còn lại, sẽ được chia thành 3 đợt thanh toán, tương ứng với 30%, 25% và 5% giá trị hợp đồng.
“Lợi thế của bên em, là chủ đầu tư đưa ra tiến độ thanh toán theo tiến độ xây dựng hạ tầng, chứ không phải theo thời gian như những dự án khác, nên anh chị không phải lo là đã đóng hết tiền mà dự án vẫn chưa xây dựng gì. Hiện tại, cả Bình Dương không tìm được dự án nào có mức giá tốt, mà vị trí lại đẹp, tiềm năng sinh lời cao như dự án này đâu, anh chị nên cân nhắc sớm để có được giá tốt”, H nói.
Nam Á “qua mặt” chủ đầu tư ký hợp đồng với khách hàng?
Cầm trong tay “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” dự án Nam Tân Uyên mà một khách hàng cung cấp, chúng tôi đã rất ngạc nhiên với những thông tin và điều khoản trong hợp đồng này.
Đầu tiên, đó là việc Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Á lại là đơn vị thay mặt chủ đầu tư để ký hợp đồng hợp tác với khách hàng.
Phải biết rằng, dù chiếm tới 80% vốn điều lệ của Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên, nhưng trên thực tế, Công ty Nam Á không phải chủ đầu tư của dự án này, việc đơn vị này đứng ra ký hợp đồng hợp tác với khách hàng, liệu có được chủ đầu tư cho phép và đúng luật hay không? (chúng tôi sẽ phân tích ở bài sau).
Chưa kể, với việc ký hợp đồng hợp tác với Công ty Nam Á, đồng nghĩa với việc giữa khách hàng và chủ đầu tư (Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên) chưa phát sinh bất kỳ giao dịch nào. Vậy, trong trường hợp Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên “phủ nhận” hợp đồng hợp tác này, khách hàng liệu có rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”?
Phương thức thanh toán mà Công ty Nam Á đưa ra trong “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với khách hàng.
Một điều khác cũng rất đáng quan tâm, đó là Công ty Nam Á ký với khách hàng là “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”, chứ không phải “Hợp đồng đặt cọc” như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác đang làm. Về bản chất, hợp đồng “hợp tác đầu tư” là “lời ăn, lỗ chịu”, trong trường hợp doanh nghiệp làm được điều mình cam kết, khách hàng sẽ nhận được sản phẩm, nhưng nếu không làm được, thì đó được coi là rủi ro trong kinh doanh, khách hàng sẽ “nắm dao đằng lưỡi”.
Quan trọng hơn cả, trong “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” này, công ty Nam Á chỉ đưa ra những khái niệm hết sức mơ hồ cho việc đóng tiền của khách hàng như: khi chủ đầu tư hoàn tất công tác lắp đặt hệ thống cống thoát nước (nước thải, nước mưa…), đổ đá làm đường; khi khách hàng hoàn thiện công tác thi công hạ tầng hoặc đủ điều kiện tiến hành xây dựng nhà; khi khách hàng hoàn thiện công tác thi công hạ tầng hoặc đủ điều kiện tiến hành xây dựng nhà… mà không có 1 mốc thời gian cụ thể nào.
Điều này có thể dẫn tới việc, Công ty Nam Á thu tiền của khách hàng, xong sau đó tạm ngưng triển khai dự án 1 năm, 2 năm, hoặc 10 năm… nhưng khách hàng chẳng thể nào đi đòi quyền lợi của mình, vì trách nhiệm khi các bên vi phạm hợp đồng sẽ rất khó bị kích hoạt do không có mốc thời gian để xác định thời gian vi phạm.
Trao đổi với PV, 1 luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, theo điểm B khoản 1 điều 41 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện để chủ đầu tư tiến hành mở bán theo hình thức phân lô, bán nền thì “Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt,; Đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; Đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm điện, cấp nước, thoát nước, thu hom rác thải…”.
Điều này có nghĩa, để tiến hành mở bán theo hình thức phân lô bán nền, thì chủ đầu tư phải hoàn tất các công trình hạ tầng đã được duyệt.
Với những vấn đề đã nêu ở trên, rõ ràng, khách hàng muốn bỏ tiền ra để mua sản phẩm tại dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên sẽ phải tìm hiểu kỹ thông tin để tránh việc “tiền mất tật mang”.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.