Dự thảo tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế: Những quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy được chú trọng
(Xây dựng) – Hiện nay, Dự thảo tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế do Viện Kiến trúc Quốc gia biên soạn đã trình Bộ Xây dựng và đang được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Trong Dự thảo lần này có một số quy định mới liên quan tới thiết kế, xây dựng mới, cải tạo nhà riêng lẻ đảm bảo các nguyên tắc an toàn phòng chống cháy nổ.
Dự thảo tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế: Những quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy được chú trọng. |
Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế xã hội, tình hình xây dựng nhà ở tăng mạnh, đặc biệt là loại hình nhà ở riêng lẻ do dân tự xây. Việc này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nhà ở riêng lẻ nói riêng. Tuy nhiên sự phát triển này cũng kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới hạ tầng đô thị, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân/cá nhân và tổ chức liên quan khi gặp những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai công tác thiết kế, xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Từ những bất cập, vướng mắc trong thực tế cho thấy cần phải có yêu cầu thiết kế áp dụng chung cho nhà ở riêng lẻ về quy mô, công năng, tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế… để thống nhất trong quá trình thiết kế, thẩm định, cấp phép, xây dựng, vận hành, sử dụng đảm bảo các yêu cầu về công năng, an toàn sinh mạng, an toàn cháy… phù hợp với quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng đúng và đủ các quy định pháp luật.
Một trong những điểm được quan tâm trong Dự thảo tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ đó là những quy định mới liên quan tới an toàn chịu lực và an toàn cháy. Theo đó, dự thảo tiêu chuẩn quy định nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực và tuổi thọ thiết kế của công trình. Không xây dựng trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt lở, trượt đất…), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho khu vực xây dựng.
Đối với an toàn cháy, Dự thảo quy định yêu cầu thoát nạn như: “Nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở có tối thiểu 01 lối ra thoát nạn tại tầng 1, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có tối thiểu 02 lối ra thoát nạn. Chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9 m. Lối ra tại tầng 1 cần thoát trực tiếp ra ngoài, trường hợp thoát qua gian phòng khác, phải duy trì chiều rộng lối đi và có giải pháp ngăn cháy, ngăn tác động nguy hiểm có thể xuất hiện từ các vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (ôtô, xe máy...). Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng 1 cần sử dụng cửa bản lề, hạn chế sử dụng cửa cuốn, cửa trượt”. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn, cửa trượt, Dự thảo quy định phải sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh, có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Khuyến khích thiết kế lối ra phụ cho phép thoát người ra ngoài khi cửa cuốn không hoạt động.
Khi nhà ở riêng lẻ có 01 lối ra thoát nạn, cần bố trí thêm lối ra thứ 2 qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Trường hợp thoát qua ban công, lô gia phải đảm bảo thông thoáng, không che chắn tạo thành phòng, không nên lắp đặt lồng sát, lưới sắt cố định gây cản trở việc thoát nạn và cứu người khi xảy ra sự cố. Trường hợp bố trí lồng sắt, lưới sắt cần có ô cửa kích thước tối thiểu 0,8 m x 0,8 m.
Trường hợp không thể bố trí đường thoát nạn, lối ra thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng 1, thì cần có các khu vực lánh nạn tạm thời ở các tầng tại các vị trí ban công hoặc lô gia được ngăn cách với gian phòng phía trong bằng một mảng tường đặc có chiều rộng không nhỏ hơn 1,2m, sử dụng các cửa ra vào gian phòng cũng như cửa từ gian phòng ra ban công, lô gia là các cửa bằng vật liệu đặc không cháy hoặc khó cháy, nên sử dụng cửa ngăn cháy loại 2 hoặc loại 3 theo quy định hiện hành, không nên dùng cửa nhựa hoặc cửa nhôm, kính thường, không có khả năng chịu nhiệt.
Nhà có sân thượng thì sân thượng phải bố trí thông thoáng, không được bít kín, đảm bảo yêu cầu thoát người khi có sự cố, cần bố trí lối lên sân thượng từ tầng dưới qua các thang cố định. Cửa ra sân thượng có chiều rộng tối thiểu 0,8 m, chiều cao tối thiểu 1,9m, bố trí khóa cửa thì phải dễ dàng thao tác mở cửa từ bên trong.
Dự thảo quy định, không được xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng hoặc đã lắp kính cần thiết kế, lắp đặt các lỗ cửa thoát khói trong nhà thông qua mái nhà hoặc thoát khói trực tiếp ra không gian bên ngoài tại các tầng.
Trong các tầng hầm và tầng nửa hầm, không cho phép bố trí các gian phòng có sử dụng hoặc lưu giữ các chất khí và chất lỏng cháy cũng như các vật liệu dễ bắt cháy, cần có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của nhà. Các trường hợp đặc biệt cần được cấp phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các thiết bị báo cháy cần lựa chọn, bố trí bình chữa cháy theo TCVN 3890, bảo đảm tối thiểu 01 bình chữa cháy tại mỗi tầng, ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra; trong mọi trường hợp phải đảm bảo khoảng cách di chuyển lớn nhất từ điểm xa nhất cần bảo vệ đến bình chữa cháy không quá 20m.
Dự thảo cũng quy định, phải trang bị phương tiện hoặc có giải pháp báo cháy tự động cho nhà ở riêng lẻ trong các trường hợp: Nhà ở từ 7 tầng trở lên; tầng hầm/tầng nửa hầm có diện tích từ 200m2 được sử dụng làm kho chứa đồ, vật phẩm/hàng hóa phục vụ nhu cầu kinh doanh hoặc sử dụng làm chỗ để xe. Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định về trang bị hệ thống báo cháy tự động theo quy định tại TCVN 3890. Khuyến khích trang bị các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, phương tiện bảo hộ chống khói và dụng cụ phá dỡ thô sơ, lắp đặt các phương tiện báo cháy độc lập (đầu báo khói độc lập) ở các khu vực có công năng khác nhau của nhà.
Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc các mục đích dân dụng khác ngoài các yêu cầu nêu trên cần phải đảm bảo các yêu cầu như: khi phần diện tích sử dụng cho các mục đích sản xuất, kinh doanh, mục đích dân dụng khác chiếm tỷ lệ từ 70% trở lên trên diện tích sử dụng của toàn nhà cần bố trí lối vào từ trên cao phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định hiện hành.
Các khu vực hoặc phần diện tích của nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, mục đích dân dụng khác phải tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn cháy tương ứng với từng mục đích sử dụng. Trong nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh, phải có biện pháp ngăn cách khu vực sản xuất kinh doanh với không gian khác của nhà bằng tường và sàn không cháy, với giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 45. Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy tuân theo quy định tại TCVN 3890. Khuyến khích lắp đặt các thiết bị chữa cháy tự động quy mô nhỏ, bình chữa cháy tự động kích hoạt cho những khu vực dùng cho mục đích dân dụng khác, đặc biệt là các khu vực, gian phòng làm kho, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phù hợp giữa năng lực chữa cháy với quy mô cần bảo vệ.
Theo chuyên gia Hoàng Anh Giang – Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST): Trong Dự thảo thì về tổng thể, nội dung về an toàn phòng cháy chữa cháy cần được tổ chức và cấu trúc theo các khía cạnh đảm bảo an toàn cháy gồm: Thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, thiết bị báo cháy, chữa cháy. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu hoàn thiện trước khi trình Bộ Xây dựng để xem xét ban hành theo quy định.
Theo lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay dự thảo đã thu thập được trên gần 200 ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là ý kiến của UBND các tỉnh thành, của lực lượng phòng cháy chữa cháy ở các địa phương, của Cục Phòng cháy chữa cháy - Bộ Công an. Sau khi tiếp thu, hoàn thiện Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố. Hy vọng khi tiêu chuẩn: Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế được áp dụng sẽ giảm thiểu những nguy cơ cháy, nổ tại các khu vực cư dân đô thị và nông thôn trên toàn quốc.
Đặng Ngân
Theo