Hợp đồng mua bán căn hộ Sài Gòn Pearl có nội dung trái ngược nhau về sở hữu tầng hầm?
Trong “hợp đồng hứa mua, hứa bán” chủ đầu tư dự án Sài Gòn Pearl xác định tầng hầm chung cư là diện tích sở hữu chung, nhưng trong hợp đồng mua bán căn hộ thì lại được “hô biến” thành sở hữu riêng, VietNamLand SSG toàn quyền sử dụng.
Chủ đầu tư Saigon Pearl tăng phí giữ xe, hàng trăm cư dân căng băng rôn phản đối
Ra "tối hậu thư" cho chủ dự án Saigon Pearl 10 năm xả thải “chui” ra sông Sài Gòn
Lập đoàn kiểm tra việc xả thải tại dự án khu dân cư Saigon Pearl
Như Tieudung.vn đã thông tin, thời gian gần đây, tại dự án Sài Gòn Pearl (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã liên tiếp xảy ra những mâu thuẫn giữ chủ đầu tư là Công ty TNHH VietNam Land SSG (VietNamLand SSG) và cư dân.
Mới đây nhất, chiều ngày 23/3/2021, hàng trăm cư dân trong khu vực 3 toà nhà Ruby, Topaz, Sapphire của dự án đã căng băng rôn trên nhiều xe ô tô rồi đậu kín trước khuôn viên tầng hầm để phản đối việc quản lý và tăng phí giữ xe ô tô tại đây.
Sau nhiều nổ lực đấu tranh của cư dân, VietNamLand SSG vẫn tiếp tục hù dọa không cho xe của cư dân vào tầng hẩm nếu không đóng mức phí theo quy định của chủ đầu tư đưa ra là 2.000.000/tháng
Đây được xem là “giọt nước tràn ly”, khi những tranh chấp liên quan đến tầng hầm giữ xe trong dự án này mãi không được giải quyết.
Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, ngày 20/8/2014, VietNamLand SSG đã có văn bản số 043/BGĐ/2014 gửi Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề nghị hướng dẫn về quyền sở hữu đối với tầng hầm và đóng góp kinh phí bảo trì 2% cho khu thương mại của VietNam Land SSG tại Khu dân cư phức hợp Sài Gòn Pearl.
Ngày 8/9/2014, Sở Xây dựng TP Hồ Chí minh đã có văn bản số 7653/SXD-QLN&CS phản hồi văn bản đề nghị của VietNamLand SSG. Theo đó, Sở Xây dựng cho rằng, dựa theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 70 Luật Nhà ở năm 2005, thì nơi để xe thuộc phần sở hữu chung trong nhà chung cư.
Tuy nhiên, đến ngày 06/10/2014, trong Công văn số 8640/SXD-QLN&CS, Sở Xây dựng đã có ý kiến bổ sung cho công văn 7653/SXD-QLN&CS. Tại công văn này, bên cạnh việc viện dẫn nhiểu điều khoản Luật, Sở Xây dựng cho rằng, việc xác định phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng tại nhà chung cư cần xem xét nội dung hợp đồng mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Dựa theo hợp đồng mua bán căn hộ (hợp đồng mẫu) do VietNamLand SSG cung cấp có thể hiện cụ thể phần diện tích sở hữu chung và sở hữu riêng tại Phụ lục 2 kèm theo hợp đồng mua bán căn hộ của công trình nêu trên. Trong đó có phần diện tích để xe tại tầng hầm là của chủ đầu tư và giá trị phần xây dựng nơi để xe chủ đầu tư chưa phân bổ vào giá bán căn hộ. Do vậy, việc VietNamLand SSG yêu cầu xác nhận lại tầng hầm của công trình nêu trên có phần diện tích thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư là có cơ sở.
Ngày 8/9/2014, Sở Xây dựng TP Hồ Chí minh đã có văn bản số 7653/SXD-QLN&CS phản hồi văn bản đề nghị của VietNamLand SSG về tầng hầm chung cư Sài Gòn Pearl
Từ đó, Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư và Ban quản trị chung cư trao đổi, thống nhất các phần diện tích sở hữu chung và sở hữu riêng của các chủ sở hữu nhà chung cư tại công trình này, trong đó có phần diện tích để xe ở tầng hầm. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận, thống nhất với nhau được về các phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng, có thể liên hệ Toà án nhân dân để giải quyết.
Dựa trên văn bản trả lời của Sở Xây dựng, VietNamLand SSG cho rằng, phần diện tích bãi xe tầng hầm là thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư. Chính vì vậy, VietNamLand SSG có toàn quyền quyết định, áp dụng mức giá cho thuê hoặc bán đứt đối với phần diện tích này.
Thế nhưng, ý kiến của VietNamLand SSG không được cư dân chung cư Sài Gòn Pearl đồng ý. Theo một số cư dân, chủ đầu tư đã có sự “nhập nhèm”, cố tình “gài bẫy” khách hàng khi thay đổi một số điều khoản trong “hợp đồng hứa mua, hứa bán” và “hợp đồng mua bán” căn hộ tại dự án.
Cụ thể, trong “hợp đồng hứa mua, hứa bán căn hộ” giữa VietNamLand SSG và khách hàng, được ký kết từ những năm 2007 có nêu rõ, khu vực tầng hầm, bao gồm: chỗ đậu xe; hệ thống hút khói xe, thông gió; camera quan sát các khu vực công cộng; phòng bảo vệ với hệ thống màn hình; bể dự trữ nước sinh hoạt… là thuộc công trình tiện ích chung, thuộc về sở hữu của tất cả cư dân.
Thế nhưng, đến năm 2009, khi ký “hợp đồng mua bán căn hộ”, phần diện tích “bãi đậu xe” lại trở thành thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư.
“Để tránh nhầm lẫn, (i) chủ sở hữu và/ hoặc người cư ngụ không được quyền can thiệp vào việc định đoạt hoặc chuyển giao bãi đậu xe đó mà chủ đầu tư có thể toàn quyền quyết định tùy từng lúc, và (ii) chủ đầu tư có quyền ấn định, trong phạm vi luật pháp cho phép, một khoản phí mà chủ sở hữu và/ hoặc người cư ngụ phải trả để sử dụng bãi đậu xe”, hợp đồng mua bán nêu rõ.
Hợp đồng "hứa mua hứa bán" ký năm 2017 giữa VietNamLand SSG và khách hàng quy định rõ tầng hầm chung cư Sài Gòn Pearl là phần công trình tiện ích chung (khung bôi đỏ)
Lý giải nguyên nhân vì sao trên 2 hợp đồng lại có những thông tin trái ngược nhau, chị T.H.V., một cư dân thuộc chung cư Sài Gòn Pearl cho biết, thời điểm ký hợp đồng mua bán, hầu hết cư dân Sài Gòn Pearl đều đã nhận nhà và đang chuẩn bị làm thủ tục để xin cấp sổ hồng. Lợi dụng tâm lý mong muốn nhanh chóng nhận được sổ hồng của cư dân, VietNamLand SSG bắt tất cả cư dân phải ký trước vào hợp đồng mua bán, và sau đó đem về ký và đóng dấu giáp lai. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư chuyển lại hợp đồng mua bán, thì cư dân phát hiện nhiều điều khoản trong hợp đồng đã bị VietNamLand SSG tự ý thay đổi mà không có sự đồng ý của cư dân.
“Điều này thể hiện rất rõ vì nhiều trang trong hợp đồng mua bán đều không có chữ ký nháy của khách hàng. Sau đó, chúng tôi nhiều lần đưa ra ý kiến phản đối, đòi hỏi phải thực hiện ký lại một hợp đồng mua bán khác, nhưng chủ đầu tư không đồng ý, cố tình đưa chúng tôi vào chuyện đã rồi. Với mục tiêu lớn nhất là cướp trắng tầng hầm của cư dân”, chị T.H.V. nói.
Cũng theo chị V., dường như, VietNamLand SSG đã có sự chuẩn bị rất kỹ về việc “hô biến” phần tầng hầm từ sở hữu chung sang sở hữu riêng của chủ đầu tư. Âm mưu này thể hiện ở việc, khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư đã yêu cầu khách hàng phải nộp lại hợp đồng hứa mua, hứa bán căn hộ với nội dung tầng hầm thuộc sử hữu chung đã được ký kết trước đó: “Thời điểm đó, nhân viên VietNamLand SSG tuyên bố, cư dân nào không nộp lại hợp đồng hứa mua, hứa bán thì không làm sổ hồng. Vì không làm theo ý của chủ đầu tư, tôi đã mất hơn 10 năm đấu tranh, VietNamLand SSG mới chịu làm thủ tục để tôi liên hệ UBND quận Bình Thạnh làm sổ hồng tháng 10/2020 vừa qua”, chị T.H.V. nói thêm.
Được biết, liên quan đến vấn đề tranh chấp tầng hầm tại dự án này, một số cư dân đang tiến hành thủ tục để khởi kiện VietNamLand SSG ra toà vì hành vi “lừa đảo”: “Cư dân đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư cho xem sổ hồng phần tầng hầm mà chủ đầu tư nhận là sở hữu riêng. Nhưng chủ đầu tư không cung cấp được. Điều này cũng dễ hiểu, vì tầng hầm là tài sản của cư dân chúng tôi, được chúng tôi bỏ tiền ra để mua và sử dụng một cách chính đáng, hợp pháp. Chúng tôi không thể vì sự tham lam của chủ đầu tư hay văn bản chưa rõ ràng của Sở Xây dựng mà thoả hiệp. Nếu chủ đầu tư không trả lại phần diện tích vốn thuộc về cư dân, thì hãy gặp nhau ở Toà”, chị L. một cư dân khác bức xúc.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.