Môi trường kinh doanh bất động sản vẫn "tù mù", kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”
Thứ 5, 26/12/2019, 18:50 PM
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết như vậy. Cũng theo ông Châu, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”.
Xử lý công trình sai phạm tại dự án Picity High Park: Đầu voi đuôi chuột?
Hòa Bình khởi công dự án Trung tâm Thương mại COBI CIF, giá trị hơn 460 tỷ đồng
Sức hút “khó cưỡng” của đô thị cao cấp ngay trung tâm Hậu Giang
Kinh doanh chưa minh bạch
Số liệu Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố mới đây, thì chỉ số môi trường kinh doanh của nước ta năm 2019, từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát. Trong khu vực Asean, nước ta chỉ đứng mức giữa và đang bị bỏ lại khá xa so với Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).
Trước đó, vào giữa tháng 10/2019, Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam được xếp hạng với vị trí 77/140 nền kinh tế được khảo sát, giảm 03 bậc so với năm 2017.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã có nhiều cải cách, năm 2018 tăng điểm so với năm 2017, nhưng vẫn bị tụt hạng, là do nhiều nước khác có tốc độ cải cách mạnh mẽ và tiến nhanh hơn nước ta.
Cần đẩy mạnh cải cách hành chính để thị trường BĐS được phát triển minh bạch (Ảnh: Doãn Thành) |
Trong khi đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody’s Investors Service) công bố giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nhưng điều chỉnh triển vọng xuống tiêu cực, bắt nguồn từ nhận định vẫn tiềm ẩn rủi ro (tuy không đáng kể) của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ. Trên cơ sở đánh giá này, Moody’s đã hạ bậc triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, đã có một số dấu hiệu đáng quan ngại về sự chững lại của tiến trình cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Các dự án BĐS, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh bị vướng mắc hơn nhiều so với các địa phương khác. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng.
“Hiện nay, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”, hoặc kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu” – ông Châu cho hay.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Theo đánh giá, những ảnh hưởng về thứ bậc môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Quốc gia bắt nguồn từ một số nguyên nhân, như: Hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; Phương thức xây dựng các Luật phổ biến theo kiểu "Luật khung; Luật ống", dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của Bộ, ngành đề xuất Luật; Khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số Văn bản dưới luật; Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập; Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục
Chuyên gia Kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho biết, nói tới môi trường kinh doanh, người ta hay nói về thủ tục cấp phép, thuế, tín dụng nhưng chúng ta chưa nói về quy hoạch, trong khi quy hoach là cơ hội, rủi ro với DN.
“Đang có hiện tượng xung đột trong quy hoạch, một mặt phải bảo cạnh tranh bình đẳng, tiếp đó là môi trường kinh doanh bình đẳng. Giờ câu chuyện chi phí ngầm, xin – cho. Điểm cuối cùng là câu chuyện minh bạch, công khai quy hoạch. Dường như thông tin quy hoạch đang là công cụ thu lợi nhuận vô biên” – TS Vũ Đình Ánh nhìn nhận
Trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm lĩnh vực BĐS, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, minh bạch là yêu cầu hàng đầu, có tính quyết định nhất. Có minh bạch thì mới có công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.
Để giải quyết được vấn đề này, Chủ tịch HoREA cho rằng, Chính phủ cần phải xem xét hoàn thành việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị trong năm 2020.
Đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Đồng thời, cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
“Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chấ, để ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, BĐS, do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ” – ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.
Doãn Thành