Người dân “kêu trời không thấu” vì bị “treo” quyền tách thửa đất, xây nhà!

(Tieudung.vn) - Trong khi 3 bề 4 phía xung quanh đã được cấp phép xây dựng chính thức, thì 150m2 đất của bà bà Vũ Thị Thanh Hà (ngụ quận Thủ Đức) vẫn không được tách thửa. Thậm chí, chỉ được cấp phép xây dựng tạ

Người dân “kêu trời không thấu” vì bị “treo” quyền tách thửa đất, xây nhà!

Người dân “kêu trời không thấu” vì bị “treo” quyền tách thửa đất, xây nhà!
Trong khi 3 bề 4 phía xung quanh đã được cấp phép xây dựng chính thức, thì 150m2 đất của bà bà Vũ Thị Thanh Hà (ngụ quận Thủ Đức) vẫn không được tách thửa. Thậm chí, chỉ được cấp phép xây dựng tạm và buộc phải cam kết tháo dỡ.

Tách không được, bán cũng không xong

Sự việc trên được người dân bức xúc phản ánh tại tọa đàm “Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 13/10. Theo đó, những nội dung trong Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh (Quyết định 60) về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa (ban hành ngày 5/12/2017, có hiệu lực ngày 1/1/2018) là chưa phù hợp quy định pháp luật.

Cụ thể, dù đã có hiệu lực nhiều năm, song dường như Quyết định 60 vẫn đang dậm chân tại chỗ, trong khi nhu tách thửa của người dân TP là rất lớn. Ghi nhận từ các quận, huyện cho thấy số lượng hồ sơ được giải quyết tách thửa rất hạn chế do một số quy định của quyết định này đã làm khó người dân.

Người dân “kêu trời không thấu” vì bị “treo” quyền tách thửa đất, xây nhà!

Bà Vũ Thị Thanh Hà, ngụ quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) những khó khăn về việc tách thửa, xây nhà trên chính phần đất hợp pháp của gia đình mình.

Cụ thể, Luật Đất đai chia đất ở thành 2 loại là đất ở đô thị và đất ở nông thôn thì Quyết định 60 chia đất ở thành nhiều loại, gắn với quy hoạch để cấm công dân thực hiện quyền tách thửa của mình như đất ở thuộc quy hoạch dân cư hiện hữu, hiện hữu chỉnh trang, đất xây dựng mới thấp tầng, cao tầng…. Từ đó, hàng ngàn hộ dân tại TP bỗng dưng rơi vào quy hoạch treo, muốn tách thửa cho con, cháu, xây dựng nhà ở, hoặc mua bán... đều không được. 

Đại diện người dân chịu ảnh hưởng bởi Quyết định 60, bà Vũ Thị Thanh Hà, ngụ quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình bà có miếng đất ở phường Linh Đông, diện tích 150m2. Phía trước nhà đã có đường hiện hữu khoảng 5m nhưng vẫn không thể tách thửa để chia cho con do đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới. Không được tách thửa, bà Hà quyết định xây dựng nhà trên đất để cho thuê kiếm thêm thu nhập, song chỉ được cấp phép xây dựng tạm và buộc phải cam kết tháo dỡ.

"Đất hỗn hợp, đất trong khu dân cư xây dựng mới vẫn là đất ở. Vậy vì sao cấp phép xây dựng tạm, trong khi 3 bề 4 phía xung quanh, các gia đình khác lại được cấp phép xây dựng chính thức, còn nhà tôi thì không", bà Hà thắc mắc.

Để dẫn chứng, bà Hà kể thêm về một căn nhà khác của gia đình bà ở phường Tam Bình có diện tích 90m2 đang rơi vào tình trạng tương tự. Vị trí đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới nên chỉ được cấp phép xây dựng tạm dù đường phía trước nhà rộng lên đến 30m. Những nhà xung quanh thì xây dựng kiên cố từ trước đó.

"Giấy tờ đất được UBND cấp, đến lúc xin giấy phép xây dựng chỉ là giấy tạm. Chúng tôi kêu trời không thấu", bà Hà bức xúc.

Cũng lâm cảnh cười ra nước mắt vì vướng đất dân cư xây dựng mới, ông Nguyễn Hoàng Kha có mảnh đất tại phường Trường Thạnh, quận 9 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều năm nay nộp hồ sơ xin tách thửa nhưng bị vướng Quyết định 33 quy định diện tích đất tách thửa phải có nhà mới được giải quyết. Đến khi Quyết định 60 của UBND TP ra đời, ông Kha tiếp tục nộp hồ sơ và hy vọng được gỡ nút thắt cũ vì quy định "có nhà mới được tách" đã bỏ.

Người dân “kêu trời không thấu” vì bị “treo” quyền tách thửa đất, xây nhà!

Chủ tịch HoREA - ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Quyết định 60 của TP Hồ Chí Minh là rào cản làm mất quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, sau nhiều lần nộp hồ sơ, ông Kha vẫn bị vướng vì đất thuộc khu dân cư xây dựng mới, nằm trong diện không được tách thửa theo Quyết định 60.

"Chờ Quyết định 60 để gỡ vướng việc tách thửa đã 3 năm, từ kỳ vọng tôi vô vùng thất vọng", ông Kha nói.

Trường hợp bị treo quyền lợi do vướng quy định tách thửa như ông Kha, bà Hà không phải cá biệt tại TP. Theo dữ liệu của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP có gần 14.000 ha đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, chủ yếu tập trung trong 310 đồ án quy hoạch được lập, thẩm định và phê duyệt từ năm 2013 cũng đang treo vì Quyết định 60.

Liên quan đến vấn đề nay, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng xác nhận, trên địa bàn TP đang có hàng nghìn hộ gia đình bị tước quyền tách thửa, xây nhà, bán tài sản trong khi đây là nhu cầu thiết yếu và chính đáng.

Nguyên nhân được ông Lê Hoàng Châu đưa ra là do vướng những quy định chưa phù hợp thực tiễn như: không cho tách thửa "đất ở xây dựng mới", "đất sử dụng hỗn hợp"…

“Cụm từ "đất ở hỗn hợp và đất xây dựng mới" trong Quyết định 60 không có căn cứ pháp luật nên cần được bỏ. Hàng nghìn người bị khốn khổ vì quy định này. Việc áp dụng quy định không phù hợp nếu một nền nhà có 80-100m2 mà chỉ cho phép xây dựng 50% thì sao nói là đảm bảo quyền lợi của người dân”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Theo ông Châu, 15 năm qua, TP đã có 3 quyết định về tách thửa đất bao gồm Quyết định 19 (Quyết định 19/2009/QĐ-UBND quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa), sau đó sửa thành Quyết định 33 (Quyết định 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa) và mới đây nhất là Quyết định 60. Mặc dù đã góp phần chặn đứng nạn đầu nậu núp bóng chủ đất để phân lô bán nền trái phép. Song, hiệu ứng phụ của Quyết định 60 đã kéo theo không ít khó khăn cho người dân, làm ách tắc hoạt động tách thửa đất trên địa bàn TP, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các cá nhân, hộ gia đình.

Cởi “nút thắt” nào?

Người dân “kêu trời không thấu” vì bị “treo” quyền tách thửa đất, xây nhà!

Hai khái niệm đất hỗn hợp, dân cư xây dựng mới, do TP Hồ Chí Minh "sáng tạo" ra, được yêu cầu phải bỏ đi, nhằm đảo bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Giải đáp những ý kiến trái chiều liên quan đến Quyết định 60, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng quản lý thực hiện quy hoạch Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho biết, điều kiện để tách thửa theo Quyết định 60 thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Quy hoạch Kiến trúc TP không hạn chế mà chỉ nêu ý kiến là không cho tách thửa với trường hợp không thuộc đất quy hoạch nhà ở mà không có khái niệm đất hỗn hợp hay đất xây dựng mới.

Đồng thời, ông Huỳnh Trịnh Phong khẳng định, việc quy hoạch đã lập từ rất lâu theo Luật Xây dựng, đến năm 2013 phủ kín toàn bộ đất đô thị tại TP và thuật ngữ đất hỗn hợp, xây dựng mới đã sử dụng đến nay. Sở Quy hoạch Kiến trúc có kế hoạch tổng rà soát nhưng cần phải có con số cụ thể, trường hợp và vị trí cụ thể để chi tiết. Các quận, huyện cũng cần có báo cáo khảo sát tình hình cụ thể tại địa phương và đề xuất hướng giải quyết, từ đó các sở ngành trình TP điều chỉnh.

"Từ đầu năm Sở đã có văn bản đề nghị các quận huyện rà soát quy hoạch và đến đầu tháng 10 tiếp tục có văn bản đốc thúc các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch. Từ đó sẽ nhìn ra các nhóm còn bất cập, tiến hành điều chỉnh", ông Huỳnh Trịnh Phong nói.

Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP, cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc tách thửa cho biết đang nỗ lực tìm hướng giải quyết vướng mắc cho người dân. Cụ thể, ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP xác nhận, sở này đang dự thảo sửa đổi Quyết định 60, trong tháng 10/2020 sẽ gửi lại các quận huyện để lấy ý kiến, sau đó trình UBND TP ký ban hành.

“Định hướng sửa Quyết định 60 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân muốn tách thửa, đồng thời đáp ứng được sự quản lý của nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị. Qua đó, có thể giải quyết được những vướng mắc, ách tắc nhiều năm qua”, ông Dư Huy Quang hứa.

Người dân “kêu trời không thấu” vì bị “treo” quyền tách thửa đất, xây nhà!

Ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP cam kết hoàn thành dự thảo trình UBND TP về việc  sửa Quyết định 60 trong tháng 10/2020.

Trước đó, để giải quyết vấn đề này, đầu tháng 9/2020, Văn phòng UBND TP cũng đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trong cuộc họp với các sở, ngành…chỉ đạo liên quan đến đất ở hỗn hợp và đất xây dựng mới.

Cụ thể, về những vướng mắc liên quan đến tách thửa trong đất ở hỗn hợp và đất xây dựng mới, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương hướng dẫn UBND quận, huyện rà soát, đánh giá tính khả thi, bất hợp lý của những khu vực đã duyệt quy hoạch đất ở hỗn hợp và đất xây dựng mới trong các đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000. Cùng đó là phân loại, xây dựng tiêu chí điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 để có hướng xử lý cụ thể.

Đối với những khu vực quy hoạch không khả thi thì phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đối với những khu vực quy hoạch đất hỗn hợp còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị nhưng chưa có , ông Hoan giao cơ quan chức năng đề xuất lập quy hoạch chi tiết 1/500. Qua đó, cụ thể hóa quy hoạch 1/2000 để xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất, công khai lấy ý kiến nhân dân. Cùng với đó, hướng dẫn người dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực.

Đối với khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới còn tính khả thi thì khẩn trương đề xuất kêu gọi đầu tư theo quy định. Sở, ngành, địa phương cần phải quản lý trật tự xây dựng thật chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ.

Liệu rằng với tinh thần chỉ đạo này, tới đây những vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất hỗn hợp hay đất xây dựng mới sẽ được tháo gỡ, trả lại quyền và lợi ích lợi ích hợp pháp về nhà, đất cho người dân?...