TP Hồ Chí Minh: Nguồn cung nhà ở bình dân năm 2020 chiếm 1%, năm 2021 sẽ là bao nhiêu?
Dù nhu cầu nhà ở phân khúc bình dân rất cao nhưng thị trường vẫn vắng bóng loại căn hộ này. Sở Xây dựng khẳng định sẽ có điều chỉnh lớn để đảm bảo phát triển phân khúc bất động sản bình dân trong năm 2021.
Những nguyên tắc “vàng” để tránh rủi ro khi mua nhà cuối năm?
Nên gửi tiết kiệm hay mua nhà cho thuê trong thời điểm này?
Người bình dân mất cơ hội mua nhà vì ''sốt giá''
Số liệu từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2020, có tổng cộng 31 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 16.895 căn nhà (trong đó có 15.275 căn hộ, 1.617 căn nhà thấp tầng và 3 căn biệt thự), tổng giá trị cần huy động vốn là 66.674 tỷ động. Trong đó, 7.114 căn phân khúc cao cấp (chiếm 42,1%), 9.618 căn phân khúc trung cấp (chiếm 56,9%) và 163 căn phân khúc bình dân (chiếm tỷ lệ 1%).
Như vậy, so với nguồn cung nhà ở năm 2019, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường năm 2020 giảm 34% so với năm ngoái, tổng số căn nhà giảm 30,4%, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm tới 98,7%.
Trong khi đó, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) lại cho rằng, trên thực tế thì phân khúc nhà ở cao cấp chiếm đến tỷ lệ khoảng 70%, chiếm thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020; phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên dưới 25% tổng số nhà ở. Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh và HoREA đều kỵ vọng trong năm 2021, nguồn cung nhà ở bình dân sẽ đủ để áp ứng nhu cầu ở thực của người dân
"Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự lệch pha sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đánh giá.
Lý giải về sự chênh lệch giữa số liệu thống kê của Sở Xây dựng so với thực tế, Hiệp hội cho biết, khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp, nhưng đến khi huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì chủ đầu tư bán nhà với mức giá cao hơn, thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp.
Cũng theo HoREA, giá nhà vẫn tăng nóng trong năm 2020 do thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường và do các chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận, nên đã đẩy giá làm cho giá nhà luôn có xu thế tăng, nhất là trong lúc sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh và tỷ lệ hấp thụ của thị trường rất cao, bình quân lên đến 70-80% qua các đợt mở bán các dự án nhà ở trong năm 2020.
Dự báo về thị trường bất động sản năm 2021, HoREA cho rằng trên cơ sở kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Dự báo năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định và chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng "đóng băng", hoặc "bong bóng" bất động sản do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.
Phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền (bao gồm nhà ở thương mại có giá trung bình, nhà ở thương mại có giá thấp, nhà ở xã hội) sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản, là cơ hội để người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư tạo lập được nhà ở.
Cùng chung ý kiến, Sở Xây dựng TP cũng nhận định rằng, thị trường bất động sản TP cơ cấu sản phẩm đang mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bản an sinh xã hội vì theo nhu cầu thực tế.
Theo Sở Xây dựng TP, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiềm tỷ lệ nhỏ. Vì vậy, trong năm 2021 TP sẽ có điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung – cầu này.