Vẫn khan hiếm nhà ở giá rẻ

(Tieudung.vn) - Trong quý III/2019, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội tiếp tục đi xuống, nguồn cung mới giảm sút, nhà đầu tư tăng giá bán khiến cho sản phẩm nhà ở giá rẻ ngày càng khan hiếm.

Vẫn khan hiếm nhà ở giá rẻ

Vẫn khan hiếm nhà ở giá rẻ
Trong quý III/2019, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội tiếp tục đi xuống, nguồn cung mới giảm sút, nhà đầu tư tăng giá bán khiến cho sản phẩm nhà ở giá rẻ ngày càng khan hiếm.

Thiếu nguồn cung

Số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý III/2019, lượng đủ điều kiện bán hàng do Sở Xây dựng Hà Nội cấp đạt trên 6.500 sản phẩm, trong đó sản phẩm nhà ở giá rẻ chỉ có khoảng 1.500 sản phẩm, lượng giao dịch thành công đạt xấp xỉ 80%.

Trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt trọng tâm đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp. Theo đó, đến năm 2020 nhu cầu của cần khoảng 12 triệu mét vuông nhà ở giá rẻ, tập trung chủ yếu ở hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Mô tả ảnh
Nhà ở giá rẻ ngày càng khan hiếm trên thị trường. Ảnh: Doãn Thành

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích nhà ở giá rẻ mới chỉ đạt hơn 4 triệu mét vuông. Điều này cho thấy dòng sản phẩm này trên thị trường đang thiếu rất nhiều so với nhu cầu ngày càng tăng cao tại các TP lớn.

Đặc biệt, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ cho phát triển nhà ở giá rẻ kết thúc, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường và chưa thể tạo thành lực đẩy để giúp cho nhà ở giá rẻ phát triển.

Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong khi nguồn cung mới trên thị trường ngày càng bị giảm sút, các DN lại đồng loạt tăng giá bán các sản phẩm, càng khiến cho sản phẩm nhà ở giá rẻ khan hiếm thêm.

“Theo quy ước hiện nay, sản phẩm giá rẻ có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2. Khi nguồn cung ít, buộc các DN phải tăng giá bán để bù lấp chi phí, khiến cho các sản phẩm giá rẻ được đẩy sang một phân khúc cao hơn” - ông Đính nói.

Cùng quan điểm, ông Vũ Đức Tuyên – Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, 70% dân số của Hà Nội hiện nay thuộc nhóm dân số “vàng” chưa có tích lũy tài chính, trong đó có khoảng 80% không thể mua nhà tại các nhà ở thương mại có giá bán thấp trên thị trường so với mặt bằng chung.

“Dự báo trong 3 tháng cuối năm và năm 2020, giá bán các sản phẩm BĐS trên thị trường sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung giảm sút. Trong khi các dự án mới chưa được triển khai, các dự án đang triển khai thì đồng loạt tăng giá, sẽ càng khiến cho thị trường khan hiếm các sản phẩm ” – ông Tuyên nhìn nhận.

Phát triển theo cơ chế thị trường

Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, việc Chính phủ tăng cường công tác quản lý đối với các dự án BĐS và thực hiện siết chặt tín dụng cho vay từ ngân hàng sẽ giúp cho thị trường trở nên minh bạch, bền vững và tránh tình trạng “bong bóng” BĐS làm ảnh hưởng tới sự phát triển, nhưng nếu kéo dài sẽ có tác động xấu đến thị trường.

“Chính phủ nên khuyến khích các DN phát triển theo cơ chế thị trường, theo quy luật của cung – cầu. Nếu như nhu cầu của thị trường có thật, cần nới rộng cơ chế để cho DN phát triển. Khi cung – cầu tương ứng nhau, DN sẽ tự điều tiết về giá bán. Ngược lại, khi cầu vượt quá cung, giá bán sẽ được đẩy lên cao, người thu nhập thấp càng khó có cơ hội mua được nhà” – ông Đính .

Theo đánh giá của các chuyên gia, có nghịch lý xảy ra là mặc dù DN được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển nhà ở giá rẻ nhưng khi bán sản phẩm lợi nhuận thì DN được quyền sử dụng riêng.

Ông Cấn Văn Lực – cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc thành lập quỹ nhà ở và quỹ tiết kiệm nhà ở cùng với quỹ tín thác đầu tư đã giúp mô hình nhà thu nhập thấp được triển khai thành công. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này áp dụng vào điều kiện thực tế để triển khai.

“Đối với thì cần chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước và các chính sách này cần phải có kế hoạch dài hạn từ 20 – 30 năm. Còn đối với loại hình nhà ở thương mại giá rẻ thì DN nên tuân thủ theo cơ chế cung – cầu của thị trường” – chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

"Hiện nay, các DN phát triển sản phẩm nhà ở giá rẻ ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Nhà nước. Vì vậy Chính phủ cần phải sớm xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển nhà ở giá rẻ và giá của sản phẩm là do thị trường quyết định, nghĩa là phải tuân theo nguyên tắc của kinh tế thị trường." - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) - Trần Quốc Việt