Vật vã vì room tín dụng lo bỏ lỡ cơ hội phục hồi doanh nghiệp trong nước

Theo chuyên gia trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế sau đại dịch doanh nghiệp rất khát vốn Do đó cần đáp ứng vốn cho doanh nghiệp thời điểm này để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi nền kinh tế

Vật vã vì "room" tín dụng, lo bỏ lỡ cơ hội phục hồi doanh nghiệp trong nước

11:30 | 05/08/2022

Theo chuyên gia, trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, doanh nghiệp rất khát vốn. Do đó, cần đáp ứng vốn cho doanh nghiệp thời điểm này để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi nền kinh tế.

Vật vã vì "room" tín dụng, câu chuyện không chỉ đối với bất động sản

Nguyễn Hưng (28 tuổi, Hà Nội) chạy đôn đáo cả tháng nay để vay tiền sửa sang nhà cửa nhưng không được. Hưng nói, một số ngân hàng từ chối thẳng vì hết "room" (giới hạn cho vay), một số khác đồng ý nhận hồ sơ nhưng phải chờ, lãi suất cao và không nhận thế chấp chiếc ô tô cậu đang đi.

Lâu nay đọc thông tin trên báo chí truyền thông, Hưng vẫn đinh ninh việc hạn chế cho vay chỉ với các trường hợp đầu cơ bất động sản, việc sửa chữa nhà hay vay mua nhà xã hội vẫn được ưu tiên hơn. "Không nghĩ việc vay sửa nhà cũng khó đến vậy", Hưng buồn rầu nói.

Nhiều trường hợp khác cũng phản ánh đã làm xong hồ sơ vay vốn mấy tháng nay nhưng đến nay ngân hàng thông báo chưa thể giải ngân vì hết hạn mức.

vat va vi room tin dung lo bo lo co hoi phuc hoi doanh nghiep trong nuoc
Room tín dụng "nóng" lên nhiều thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng dùng hết hạn mức, doanh nghiệp và người đi vay "nháo nhào" vì thiếu vốn (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, phía ngân hàng nhiều lần khẳng định không siết vốn tín dụng hay ngăn cản vốn tín dụng vào bất động sản, nhưng trên thực tế các thành viên của Hiệp hội bất động sản hầu hết lại "than" không tiếp cận được vốn vay trong giai đoạn vừa qua. Không chỉ doanh nghiệp, các khách hàng mua nhà ở tiếp cận vốn cũng cực kỳ khó khăn.

Ông Đính cho rằng, ngay với những khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thật, sửa chữa nhà cũng khó khăn trong việc tiếp cận vốn như vậy thì đó là "sự bất cập", ảnh hưởng đến sự bền vững của thị trường.

Ông Đính nhắc lại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định "không siết chặt tín dụng bất động sản một cách bất hợp lý", cần khơi thông nguồn vốn.

"Đó là động viên rất lớn từ Thủ tướng đối với thị trường, làm ấm lòng doanh nghiệp", ông Đính nhấn mạnh. Ông hy vọng trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm các nút thắt thị trường sẽ được tháo gỡ, ngân hàng đẩy mạnh phát triển tín dụng cho những dự án tốt, phù hợp, đẩy mạnh phát triển đô thị, nhà ở cho cộng đồng và tháo gỡ cho khách hàng…

Chuyên gia SSI Research cũng đã chỉ ra một số rủi ro có thể có đối với thị trường bất động sản, bao gồm việc tín dụng ngân hàng trở nên khó khăn hơn với cả chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà. Không chỉ vì lãi suất tăng, theo chuyên gia, việc hạn mức tín dụng ít có khả năng được nới lỏng cũng là rủi ro đối với ngành này.

Song không chỉ riêng với lĩnh vực bất động sản, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn với dòng vốn tín. Chờ vay mới, chờ giải ngân đối với hợp đồng cũ... đang là "cơn đau đầu" của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Một số nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận, bản thân ngân hàng cũng "mòn mỏi" chờ cấp thêm "room" vì năm nay "căng thẳng", lo lạm phát. Nhiều khách hàng rất cần giải ngân nhưng phải xếp "lốt" chờ, khi có khách trả nợ thì dư nợ cho vay giảm, sẽ "nới" được thêm.

Ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc vận chuyển Á Châu cho biết, việc vay vốn hiện nay khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản xuất do cạn room. "Trong lúc kinh tế vào giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp cần vốn thì lại không tiếp cận được", ông Thành nêu thực tế.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước vẫn phải mở room và cứu doanh nghiệp. "Nếu không rất khó cho các doanh nghiệp, họ thực sự cần vốn, nhất là sau đại dịch bắt đầu đi vào ổn định, phục hồi sản xuất", ông Thành chia sẻ với Dân trí.

Lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp cũng lên tiếng phản ánh, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khi hạn mức hạn hẹp. Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp càng về các quý cuối năm càng lớn. Đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu gia tăng từng ngày, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lại càng "nóng" hơn bao giờ hết.

Siết tăng trưởng tín dụng, không "trị" đúng bệnh

Thực tế, room tín dụng "nóng" lên nhiều thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng dùng hết hạn mức, doanh nghiệp và người đi vay "nháo nhào" vì thiếu vốn. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, họ đã dùng gần hết room tín dụng 7% được cấp từ đầu năm, tức là bản thân có muốn cho vay cũng khó.

Theo tìm hiểu, sau khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, sau nửa năm Ngân hàng Nhà nước sẽ họp, xem xét và có điều chỉnh chỉ tiêu này theo tình hình kinh tế. Vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều kiến nghị được nới room tín dụng để cung cấp vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái nào. Điều này khiến nhiều khách hàng phải "bùi ngùi" chờ đợi hoặc nhận được lời từ chối thẳng thừng.

Trao đổi với Dân trí, đại diện phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết "room" tín dụng là do các tổ chức tín dụng tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Còn việc từ chối cho vay đối với khách hàng, theo đại diện NHNN, không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...

Đại diện NHNN lý giải với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.

"Việc xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường bất động sản cần được cân nhắc và tiếp cận theo nhiều nguồn vốn khác nhau, và không đẩy rủi ro tới hệ thống ngân hàng. Suy cho cùng, hệ thống ngân hàng rủi ro chính là rủi ro đối với khả năng chi trả cho người gửi tiền bởi vốn cho thị trường bất động sản thường dài hạn trong khi vốn huy động của hệ thống ngân hàng 80% là ngắn hạn", NHNN nêu quan điểm.

Tuy nhiên, một chuyên gia về kinh tế băn khoăn, việc khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng không chỉ với bất động sản mà còn nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Thêm nữa, câu hỏi đặt ra vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay, chỉ nhỉnh hơn một chút so với con số năm ngoái. Trong khi năm ngoái cả nước khó khăn vì đại dịch, còn năm nay thì bước vào giai đoạn hoàn toàn mới.

Trao đổi với Dân trí, GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, lạm phát đang là thách thức lớn với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, việc giới hạn cung tiền thời điểm này để "chữa" lạm phát là chưa phù hợp.

Ông Cường phân tích, lạm phát ở một số nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu… đang rất cao. Việt Nam là nước có nền kinh tế với độ mở lớn, do vậy khó tránh được việc nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, theo ông, muốn kiểm soát hiệu quả lạm phát, phải xem xét sự khác nhau giữa nguy cơ lạm phát trong nước và lạm phát thế giới.

Cụ thể, theo vị chuyên gia, ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay chỉ số tiêu dùng tăng nhưng khá thấp, với mức 2,45%. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu hỗ trợ thông qua giãn hoãn thuế, giãn các khoản vay và không hỗ trợ tiền mặt một cách ồ ạt đã giảm nguy cơ lạm phát. Chưa kể lương thực, thực phẩm - cấu thành lớn trong rổ hàng hóa - Việt Nam đang tự cung tự cấp và bình ổn giá tốt.

Theo ông Cường, có thể thấy Việt Nam không xảy ra tình trạng dư tiền mặt, dư cung tiền, lạm phát chủ yếu do nhập khẩu, đặc biệt là giá xăng dầu tăng quá cao. Trước tình cảnh đó, ông Cường cho rằng, giải pháp kiểm soát lạm phát ở Việt Nam sẽ khác so với các nước.

"Vấn đề ở Việt Nam không phải là chăm chăm vào cung tiền, giải pháp kiểm soát ở Việt Nam nên hướng vào giảm chi phí đầu vào, giảm giá xăng dầu, đồng thời kiểm soát nguồn cung ổn định giá trong nước, từ lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đến giá dịch vụ mà Nhà nước có thể kiểm soát được như điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục…. làm giảm tác động chi phí đẩy", ông Cường kiến nghị.

Đối với giá xăng dầu, ông Cường cho rằng cần sớm điều chỉnh chính sách thuế để giảm giá mặt hàng này, giảm tác động "đẩy" tới mặt hàng khác. Việc kéo giảm chi phí đầu vào, theo ông Cường, đó mới là giải pháp trọng tâm kiểm soát lạm phát lúc này ở Việt Nam, chứ không phải trọng tâm là giảm cung tiền tệ. "Trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, doanh nghiệp rất khát vốn. Cần đáp ứng vốn cho doanh nghiệp thời điểm này để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi nền kinh tế trong nước", ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng cho rằng, tín dụng là kênh quan trọng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thời điểm này. Nếu hạn chế tín dụng giai đoạn này thì vô hình trung làm giảm lực phục hồi của doanh nghiệp, trong khi lúc này chiến lược của chúng ta là hỗ trợ họ hậu Covid-19.

"Chúng ta hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạn chế chiến lược kích cầu thì sẽ gây khó cho nền kinh tế", ông Cường nói và cho rằng, không thể để tăng trưởng tín dụng một cách quá nóng và ồ ạt, vẫn phải kiểm soát có hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên mới đây cũng cho rằng, chỉ số lạm phát chỉ là một phần trong câu chuyện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nếu chỉ tập trung vào nó, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố khác.

Theo chuyên gia, các chỉ số chung đang tốt, nhưng phần nội địa kinh tế Việt Nam đang có nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng sức khỏe yếu của doanh nghiệp. Thách thức của nửa cuối năm không chỉ là lạm phát.

Theo thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm nay có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (56.014 doanh nghiệp, chiếm 59,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay).

Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm nay là 56.014 doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm nay có thời gian hoạt động ngắn (0-5 năm) với 27.516 doanh nghiệp (chiếm 49,1%), tập trung chủ yếu ở quy mô vốn 0-10 tỷ đồng với 50.260 doanh nghiệp (chiếm 89,7%, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 28.206 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể giảm ở 9/17 lĩnh vực và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn 0-10 tỷ đồng với 24.890 doanh nghiệp (chiếm 88,2%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021).

Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, khó khăn nhất hiện nay với họ chính là thiếu vốn. Vay ngân hàng không dễ dàng, trong khi chi phí đầu vào sản xuất đã tăng cao 30-50% "đè" gánh nặng lên doanh nghiệp giai đoạn phục hồi.

Theo Nguyễn Khánh và Văn Hưng/Dantri.com.vn