Ách tắc pháp lý tại TP Hồ Chí Minh: 57 doanh nghiệp bất động sản kêu cứu
Hơn 60 dự án nhà ở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị "đứng hình" hàng chục năm qua vì những vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng nặng nề cho DN và người dân.
Tái diễn “xẻ đất” nông nghiệp để phân lô, bán nền ở Phú Quốc!
Dừng phân lô, bán nền để chặn chiêu trò “thổi” giá đất
TP Hồ Chí Minh kiến nghị gỡ vướng cho 64 dự án nhà ở thương mại
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh gỡ khó pháp lý cho 64 dự án nhà ở (gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) bị ách tắc hồ sơ 5 - 10 năm. Cụ thể, HoREA cho biết, có 57 DN là chủ đầu tư của 64 dự án phân bổ khắp khu Đông, Nam và Tây Sài Gòn bị "treo" pháp lý đã gửi đơn cầu cứu. Trong đó, có nhiều “đại gia” tên tuổi như: Novaland, Nam Long, Phú Long, Quốc Cường Gia Lai, Him Lam, Vạn Phúc…
Nỗi khổ mang tên sổ hồng
Điển hình là dự án Lexington (quận 2) của Tập đoàn Novaland dù đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) nhưng đến nay người mua nhà vẫn phải chờ. “Tập đoàn sẵn sàng đồng hành với cơ quan chức năng để khách hàng mua nhà sớm được cấp sổ hồng. Hy vọng khách hàng cũng như DN sẽ không còn chờ đợi lâu nữa” - Giám đốc Pháp lý Tập đoàn Novaland Đặng Thị Mỹ Phượng chia sẻ.
Được biết, hiện Tập đoàn Novaland còn đang cầu cứu chính quyền TP xem xét cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà tại dự án Golden Mansion (119 Phổ Quang, quận Phú Nhuận). Theo đó, chủ đầu tư đã bàn giao nhà từ cuối năm 2018 và tạm nộp tiền sử dụng đất của dự án với số tiền 232,5 tỷ đồng từ năm 2017 nhưng đến nay chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất chính thức. Vì vậy, người mua nhà cũng bị “treo” luôn quyền lợi là được cấp sổ hồng.
Hàng chục nghìn căn hộ ở TP Hồ Chí Minh chậm được nhận sổ hồng vì chưa thể đóng tiền sử dụng đất. Ảnh: Tiểu Thúy
Tương tự, Công ty Hưng Lộc Phát đang gặp vướng mắc ở dự án The Golden Star (72 Nguyễn Thị Thập, quận 7) tổng số 482 căn hộ. Năm 2017, TP Hồ Chí Minh đã có quyết định về phương án giá đất của dự án, đến tháng 5/2017 DN cũng thực hiện xong nghĩa vụ tài chính và đến tháng 10/2018 đã bàn giao nhà cho khách hàng sử dụng. Tuy nhiên sau đó phát sinh phần chênh lệch diện tích nhưng không biết có phát sinh nghĩa vụ tài chính hay không, vì vậy công tác cấp sổ hồng bị chậm.
Đồng cảnh ngộ, Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Him Lam cũng đề nghị được giao đất dự án Khu nhà ở Him Lam là dự án thành phần thuộc dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc để Công ty được thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng.
Là một trong những DN có số lượng nhà ở bị treo sổ hồng nhiều nhất, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng bày tỏ, để xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, DN phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất. Thậm chí, nếu nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất 5 - 7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất. “Tắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất đã khiến cho hàng nghìn khách hàng của Hưng Thịnh, là những người mua nhà vô can phải chịu thiệt thòi vì chưa được cấp sổ hồng” - ông Dũng giải bày.
Đáng chú ý, không chỉ nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội EhomeS và Ehome5S của Công ty Nam Long tại huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, với tổng số 3.000 căn hộ nhà ở xã hội bán, cho thuê mua cũng gặp vướng mắc pháp lý. Dù chủ đầu tư đã hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội 2% lãi suất trong 2 năm đầu tiên (chỉ phải trả 7%/năm thay vì 9%/năm) và đã bàn giao nhà cho người mua hơn 3 năm qua, song đến nay vẫn chưa được xác định giá bán nhà ở xã hội nên chủ đầu tư chưa thể làm được sổ hồng cho người mua nhà và cũng chưa quyết toán được công trình.
Cấp bách sửa đổi hành lang pháp lý
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, những quy định “tréo ngoe” về đóng tiền sử dụng đất của TP Hồ Chí Minh, cùng vướng mắc thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, khiến hàng loạt dự án BĐS bế tắc. Trong đó, tiền sử dụng đất đang là vấn đề khiến không ít DN mang tiếng “bội tín” với khách hàng.
“Dự án BĐS từ lúc cấp phép đến lúc ra được sổ hồng cho cư dân là cả một quy trình thay đổi liên tục, thậm chí vị trí cán bộ phụ trách cũng thay đổi. Điều này dẫn đến pháp lý dự án BĐS bị kéo dài, thông thường gấp 2 - 3 so với quy định của công trình. Điều này không chỉ khiến DN và khách hàng điêu đứng, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thị trường BĐS” - ông Trần Khánh Quang nói và nhấn mạnh, tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài nếu các cơ quan chức năng không mạnh dạn đổi mới, cấp bách sửa đổi hành lang pháp lý. Trong đó, tính tiền sử dụng đất và đất công là hai vấn đề lớn nhất.
“Nếu như các dự án BĐS thực hiện ngoài TP Hồ Chí Minh, trung bình chỉ mất 3 - 4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất thì tại TP lại kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng. DN bất lực vì không thể tự tính toán chính xác số tiền sử dụng đất phải đóng là bao nhiêu” - ông Trần Khánh Quang dẫn chứng. Vì vậy, chuyên gia này đề xuất xây dựng quy trình ổn định chung dành cho pháp lý dự án BĐS. Đồng thời, quy trình tính tiền sử dụng đất cũng cần phải có khung cố định, minh bạch, thống nhất.
Đồng quan điểm, chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực cũng cho rằng, hệ quả của việc vướng tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà và của cả DN.
“Hành trình gian truân đóng tiền sử dụng đất, những hệ lụy mà người dân, chủ đầu tư phải gánh chịu đã xảy ra từ nhiều năm nay, song không được giải quyết triệt để. Hậu quả, TP Hồ Chí Minh khan hiếm dự án, các đại gia phải "chạy tán loạn" đi các tỉnh, đẩy thị trường BĐS vốn đã khó càng thêm khó” - ông Nguyễn Văn Đực phân tích.
Để ổn định thị trường BĐS trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Đực, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc pháp lý cho 64 dự án bị ách tắc. Từ đó, giúp tăng nguồn nhà ở phục vụ nhu cầu rất lớn của thị trường, giảm thế độc quyền tăng giá bán và tăng nguồn thu cho ngân sách từ việc các DN nộp tiền sử dụng đất.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đực nhấn mạnh, trong ngắn hạn, việc tiếp tục rà soát các mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật để kịp thời tháo gỡ cho việc phê duyệt dự án trước khi sửa Luật Nhà ở, Luật BĐS… là rất cần thiết. Mặt khác, cũng có thể phân quyền việc ký cấp sổ hồng cho các quận, huyện, thay vì chỉ tập trung vào Sở TN&MT. Vấn đề này được giải quyết nhanh không chỉ giảm bức xúc trong người dân, mà còn tăng thêm nguồn thu cho nền kinh tế. Về giải pháp lâu dài, để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, ông Nguyễn Văn Đực đề xuất cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
"Khâu thực thi pháp luật đang bộc lộ bất cập khi vài năm gần đây xuất hiện tình trạng một số cán bộ, công chức có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ vướng rủi ro trong thi hành công vụ nên có biểu hiện đùn đẩy, chuyển hồ sơ lòng vòng hoặc không nêu rõ chính kiến khi trình hồ sơ dự án BĐS, nhà ở thương mại. Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng nhiều dự án cùng lúc bị treo sổ hồng trong khoản thời gian dài, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây hoang mang cho người dân và làm mất an ninh trật tự của TP. Đây cũng là nỗi đau của người mua nhà vì có những lao động cả đời mới mua được chỗ an cư nhưng đến lúc mất vẫn chưa thấy được bằng chứng thành quả lẽ ra họ xứng đáng được nhận." - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu |