Bất động sản TP.HCM: "Kẻ ngoại đạo" đổ bộ vào thị trường địa ốc
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM có hàng ngàn doanh nghiệp “ngoại đạo” tham gia thị trường bất động sản.
Nửa đầu năm 2017 diễn ra nhiều vụ “sang tay đổi chủ” bất động sản
Đồng Nai siết phân lô đất nền: Vốn chảy vào dự án chuẩn quy hoạch
Đồng Nai: Đất nền dự án vẫn hấp dẫn sau chấn chỉnh phân lô
Khu đất dự kiến phát triển dự án chung cư của Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Ảnh: G.H |
Nông nghiệp, vận tải, điện tử... tham gia làm địa ốc
Thị trường địa ốc trong thời gian qua bắt đầu trở lại quỹ đạo phát triển. Nhiều báo cáo từ các công ty tư vấn thị trường cho thấy, không ít doanh nghiệp xưa nay chưa hề hoạt động trong lĩnh vực này đã bắt đầu lên kế hoạch phát triển mảng địa ốc.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (SeaProdex Saigon) cho biết, từ năm tài chính này, Công ty tạm dừng kinh doanh lĩnh vực cốt lõi để chuyển dòng vốn đầu tư mạnh vào địa ốc. Phân khúc mà doanh nghiệp này đổ bộ là cho thuê mặt bằng, kho bãi, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính…
“Đầu tiên, SeaProdex Saigon sẽ phát triển dự án tại số 6 - Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình. Ngoài ra, Công ty mua nhà và diện tích đất tương ứng của tầng trệt, lửng, lầu 5, 6, 8 tại Dự án số 49 - Pasteur và số 87 - Hàm Nghi (quận 1) để phát triển dự án cho thuê”, ông Vũ Đức Tâm, Tổng giám đốc SeaProdex Saigon cho biết.
Trong khi đó, thông tin Công ty TNHH Bình Tiên (Biti's) sẽ đầu tư phát triển dự án căn hộ để tận dụng quỹ đất lớn của mình ở khu Tây TP.HCM đang làm nóng thị trường địa ốc TP.HCM trong những ngày qua, bởi từ trước tới nay, doanh nghiệp này chỉ sản xuất giày dép.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương cũng cho biết sẽ lấn sân sang phát triển kinh doanh địa ốc. Thông tin này được lãnh đạo Công ty đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua. Cụ thể, quỹ đất khoảng 10 ha thuộc sở hữu của Công ty ở Khu công nghiệp Tân Tạo dự kiến xây nhà kho sẽ được tận dụng làm dự án bất động sản. Ngoài ra, Thủy sản Hùng Vương còn lên kế hoạch rót vốn đầu tư dự án trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp tại quỹ đất ở quận 6 để gia tăng giá trị tài sản.
Trường hợp khác, Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có tiếng ở TP.HCM cũng đã thông báo việc lên kế hoạch đầu tư vào địa ốc. Trong năm 2017, đơn vị này thành lập Công ty cổ phần CII Land để đầu tư 2 dự án cao cấp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm...
Lợi thế của người “ngoại đạo”
Việc các doanh nghiệp “ngoại đạo” đặt chân vào thị trường bất động sản xuất phát từ lợi thế riêng của họ. “Lợi thế chính của các công ty này là quỹ đất mà họ sở hữu. Đặc biệt, nhiều công ty nhà nước có quỹ đất lớn và vị trí đẹp, bởi khi thành lập, các doanh nghiệp này xin thuê quỹ đất 50 năm của Thành phố nhằm mục đích làm nhà xưởng, nhưng sau đó, họ không dùng tới và chuyển mục đích sử dụng sang phát triển dự án bất động sản”, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Long An cho biết.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, lĩnh vực bất động sản luôn được đánh giá là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt, trải qua cơn khủng hoảng kinh tế gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã cạn kiệt nguồn vốn cũng như quỹ đất để tiếp tục phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp… vẫn phát triển rất tốt, có nguồn vốn dồi dào và nắm trong tay quỹ đất, nên nay là thời điểm thích hợp để họ đầu tư dự án.
“Họ đã quan sát kỹ thị trường, chuẩn bị nguồn vốn đủ mạnh và dựa vào quỹ đất tốt tích lũy hàng chục năm qua để bước vào thị trường", ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch HoREA nói.
Chia sẻ kế hoạch tham gia thị trường địa ốc, đại diện một công ty thủy sản cho biết: “Không phải năm nào thị trường bất động sản cũng tăng trưởng tốt. Do đó, Công ty đang muốn đi trước một bước, tranh thủ lúc thị trường đang tăng trưởng tốt, dồn nguồn lực đầu tư vào địa ốc để có được nguồn thu lâu dài, ổn định để phát triển thị trường”.