Đánh thuế nhà thứ 2 sẽ tác động xấu đến thị trường bất động sản
Đánh thuế nhà thứ 2 sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản - đó là ý kiến của nhiều chuyên gia về việc đánh thuế nhà thứ 2 theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Nghiên cứu về đề xuất đánh thuế nhà căn thứ 2 trở lên
Thủ tướng yêu cầu làm rõ đề xuất đánh thuế nhà thứ hai
Đề xuất tăng thuế VAT và đánh thuế căn nhà thứ hai: Coi chừng tác động “domino”
Theo các chuyên gia, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 có thể triệt tiêu thị trường nhà ở cho thuê (Hình minh họa) |
Triệt tiêu thị trường nhà cho thuê
Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất nghiên cứu, xây dựng luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí, trong đó có quy định thu thuế đối với căn nhà thứ 2. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thị trường bất động sản chỉ vừa hồi phục sau một thời gian dài "đóng băng", việc áp dụng quy định đánh thuế nhà thứ 2 sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, sắc thuế này sẽ hạn chế hoạt động đầu tư trên đất và kìm hãm sự phát triển thị trường bất động sản (BĐS). Cụ thể, nếu sắc thuế này được áp dụng sẽ gây tác động tiêu cực đến phân khúc BĐS nhà ở thương mại. Ngoài ra, nguồn cung nhà ở cho thuê cũng sẽ bị hạn chế do thuế cao nên không khuyến khích đầu tư. "Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn, nợ công cao, bội chi lớn, nguồn thu hẹp... việc mở rộng nguồn thu mới là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Đánh thuế vào nhà ở nói chung chưa phải là giải pháp đúng hiện nay", ông Võ nói.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Eximrs cũng cho rằng, thị trường BĐS chỉ mới hồi phục sau một quãng thời gian khá dài “đóng băng” và chưa có dấu hiệu tăng trưởng nóng hay đầu cơ trên diện rộng. Chính vì vậy, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 là chưa thực sự cần thiết.
"Thị trường BĐS rất nhạy cảm, nên cần rất thận trọng trước khi đưa ra một chính sách, đặc biệt là chính sách thuế. Việc ban hành chính sách không đúng thời điểm có thể sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng, thị trường và các nhà đầu tư", bà Tú nói.
Lãnh đạo công ty BĐS cho rằng, nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ triệt tiêu thị trường nhà cho thuê, vì người mua nhà thứ 2 đa số để cho thuê. Trong khi đó, phần lớn người dân hiện nay đang có thu nhập rất thấp, chưa thể mua được nhà mà phải đi thuê. Nếu hạn chế nguồn cung, giá nhà sẽ tăng và người ở nhà thuê sẽ phải chịu phần tăng giá.
Nhanh chóng ban hành sắc thuế sử dụng đất
Trao đổi với phóng viên Tieudung24h.vn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, nếu Bộ Tài chính vẫn thực hiện lộ trình ban hành luật này trước năm 2020 như dự kiến thì nên đồng thời ban hành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay, để đảm bảo tính đồng bộ và sự thống nhất.
“Tiền sử dụng đất không phải một sắc thuế, cũng không phải là phí nhưng thực sự là một khoản thu lớn trong ngân sách của địa phương, là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà, không minh bạch, và tạo cơ chế xin - cho. Tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với biệt thự. Do vậy, nếu ban hành luật Thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý”, ông Châu nói.
Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Châu, nhà nước cần nhanh chóng hoàn thành việc cấp "sổ đỏ" cho các BĐS nhà, đất; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà, đất quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được cập nhật theo thời gian thực. Đặc biệt cần phải hoàn thành thật nhanh, thật chuẩn xác việc cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở.
Ông Châu đề nghị, không nên thu thuế căn nhà thứ 2 đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn; nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng; các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2.