Địa ốc TP Hồ Chí Minh: Xu hướng ly tâm và cơ hội của vùng ven đô
Nếu như trước đây, yếu tố gần trung tâm là lựa chọn hàng đầu của đại đa số người có nhu cầu về nhà ở do thuận tiện việc đi lại, thì hiện nay, xu hướng về lựa chọn nhà ở đã có sự thay đổi lớn khi nhiều người “bỏ phố” về ngoại ô.
Ham giá rẻ bằng nửa, dân Sài Gòn ùn ùn kéo về Đồng Nai mua đất
TP Hồ Chí Minh: Giới kinh doanh địa ốc bỏ căn hộ, săn đất nền
Đất nền ven đô: Khu vực nào đang nóng nhất?
Nếu như trước đây, yếu tố gần trung tâm là lựa chọn hàng đầu, thì hiện nay, xu hướng về lựa chọn nhà ở đã có sự thay đổi lớn khi nhiều người bỏ phố về ngoại ô. |
Bỏ phố tìm về ven đô
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, mật độ dân số tại vùng lõi TP.HCM đã tăng hơn 25.000 người/km2, cao gấp 3,8 lần so với Hồng Kông và Singapore, cộng với lượng phương tiện giao thông lớn, đã làm môi trường sống tại khu vực trung tâm trở nên ồn ào, ngột ngạt, chất lượng không khí suy giảm.
Trước thực tế này, thời gian gần đây, nhiều người từ chỗ sinh sống và làm việc tại những khu vực trung tâm của TP.HCM, đã chuyển ra các khu vực ven đô để thay đổi môi trường sống. Thực tế này đã trở thành một xu hướng không chỉ của những người có thu nhập trung bình thấp, mà cả với giới nhà giàu.
Trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi, anh Hà, quản lý của một công ty cơ khí có trụ sở tại quận 3 cho biết, nhiều năm trước, gia đình anh từng sinh sống ở vùng ven của quận 9, nhưng vì làm việc ở trung tâm, nên anh đã bán nhà, mua một căn nhà trong một con hẻm ở quận 3 để sinh sống. Tuy nhiên, mới đây anh đã phải làm điều ngược lại, bán nhà trung tâm để ra vùng ven của quận Thủ Đức mua một căn nhà khá rộng, có sân vườn để sinh sống.
“Lúc trước, chỉ có hai vợ chồng, ban ngày đi làm, tối mới về nhà nên không cảm thấy chật chội. Tuy nhiên, sau khi có 2 đứa con, ngôi nhà chưa đầy 50 m2 ở trung tâm đã trở nên quá chật chội, ngột ngạt, không có không gian để thư giãn. Hơn nữa, do bị bủa vây bởi khói bụi, tiếng ồn, nên con cái thường hay bị các bệnh viêm họng, viêm mũi”, anh Nam lý giải nguyên nhân bán nhà ở trung tâm để ra vùng ven.
Còn theo anh Hoài Nam, quản lý cao cấp tại một công ty nước ngoài có trụ sở tại quận 1, cách đây 3 năm, anh từng đứng trước hai sự lựa chọn về việc chọn nhà ở.
“Lúc đó, tôi có khoảng 5 tỷ đồng, bạn bè tôi nhiều người khuyên tôi nên mua một căn nhà ở các quận trung tâm để sinh sống. Nhưng tôi đã quyết định ra vùng ven của quận 9 để mua một mảnh đất vườn rộng gần 700 m2, xây một căn nhà sàn để ở, diện tích còn lại trồng rau, nuôi gà, vịt. Lúc đó, nhiều người bảo tôi sai lầm, nhưng đến lúc này, họ mới thấy quyết định của tôi là đúng. Căn nhà trước đây tôi định mua ở quận Bình Thạnh, hiện giá cũng tăng lên khoảng 7 tỷ đồng, nhưng mảnh vườn tôi mua hiện có giá trên 10 tỷ đồng”, anh Nam nói và cho biết, ngoài yếu tố giá trị gia tăng của bất động sản, điều anh tâm đắc nhất là, hiện anh đang có một vườn rau sạch, môi trường sống khá trong lành.
Ngoài những trường hợp kể trên, câu chuyện bỏ phố tìm về ven đô đang trở nên khá phổ biến. Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land cho biết, vừa qua, Him Lam mở bán Dự án Him Lam Phú Đông trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc phía Đông Bắc TP.HCM. Qua khảo sát từ khách hàng mua dự án cho thấy, có khá nhiều khá hàng là những người làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất, hay các quận Bình Thạnh, Gò Vấp.
“Quả thật, xu hướng lựa chọn nhà ở đang có sự thay đổi lớn, nếu như trước đây, nhiều người chấp nhận sống trong những ngôi nhà chật chội, nhưng ở gần trung tâm hơn ở vùng ven, thì hiện nay, nhiều người chấp nhận đi xa hơn một chút để tìm kiếm một nơi ở rộng rãi, không khí trong lành”, ông Phúc nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, không phải cứ ra vùng ven đều tốt, điều này chỉ diễn ra với những dự án, khu vực có hạ tầng kết nối tốt, được đầu tư bài bản, đảm bảo đầy đủ các dịch vụ tiện ích.
Không chỉ với các quận, huyện vùng ven của TP.HCM, mà xu hướng này còn lan sang các địa phương lân cận của TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, đặc biệt là với các dự án gần sông.
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximrs, doanh nghiệp phân phối độc quyền Dự án Khu đô thị Long Hưng tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), qua khảo sát gần 600 khách hàng mua đất nền tại Dự án Long Hưng gần đây cho thấy, có đến hơn 60% khách hàng đang làm việc tại TP.HCM. Trong đó, có nhiều người mua với mục đích đầu tư, nhưng cũng có khá nhiều khách hàng cho biết mua để xây dựng nhà ở.
“Khoảng cách đi lại từ Dự án Long Hưng đến TP.HCM không quá xa, hơn nữa, hiện nay, hàng loạt công trình hạ tầng gắn kết giữa TP.HCM với Biên Hòa đã và đang được đầu tư khá mạnh, nên tương lai đi lại rất thuận lợi. Một yếu tố quan trọng nửa là, Dự án Long Hưng nằm ven sông Sài Gòn, nên được nhiều người lựa chọn”, bà Tú chia sẻ.
Mỗi tuần có hàng trăm lượt khách hàng tại TP Hồ Chí Minh xuống thực địa, mua đất tại dự án Long Hưng, Biên Hoà, Đồng Nai. |
Bất động sản ven đô, xu hướng của 2017
Là một siêu đô thị, đến thời điểm hiện nay, dân số cơ học tại TP. HCM đã tăng lên mức 13 triệu dân. Theo phân tích của giới chuyên môn, khi TP.HCM ngày càng trở nên quá tải, quỹ đất trung tâm ngày càng khan hiếm, thì việc giãn dân ra vùng ven và các địa phương lân cận là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ kết nối từ trung tâm TP.HCM với nhiều khu vực đã kích thích hàng loạt doanh nghiệp đổ vốn vào các dự án khu vực vùng ven.
Theo khảo sát cho thấy, những nơi nào có hạ tầng kết nối tốt đều kích thích mạnh sự phát triển của bất động sản vùng ven. Đơn cử, kể từ sau khi tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án bất động sản của các nhà đầu từ trong và ngoài nước dọc theo tuyến đường cao tốc thuộc quận 2, quận 9 đã được đầu tư xây dựng đồng loạt. Không dừng lại ở đó, tuyến đường cao tốc còn làm cho hàng loạt dự án bất động sản tại Đồng Nai trở nên đắc địa hơn khi việc di chuyển từ TP.HCM về Đồng Nai quá thuận lợi.
Tương tự, trước đây Thủ Đức được xem là quận vùng ven của TP.HCM ít được giới kinh doanh địa ốc chú ý, nhưng kể từ sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được đầu tư xây dựng, nối sân bay Tân Sơn Nhất với Thủ Đức, trở thành cửa ngõ quan trọng kết nối các huyện Dĩ An, Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương và Biên Hòa của Đồng Nai, đã khiến cho hàng loạt dự án bất động sản mọc lên, giá đất tại những khu vực này tăng lên chóng mặt.
Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, cũng giống như các nước phát triển, một khi hạ tầng phát triển mạnh, nhu cầu an cư của người dân trong tương lai, thay vì ở những ngôi nhà chật chội, họ sẽ chấp nhận đi xa hơn một chút để ở một ngôi nhà vườn, một căn biệt thự rộng rãi, thoáng mát sẽ trở thành xu hướng tất yếu.
“Thực tế, bất động sản vùng ven thời gian qua đã có sự phát triển nhất định, nhưng về cơ bản, thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM mới chỉ trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Khi hạ tầng kết nối được phát triển mạnh, nhu cầu nhà ở ven đô sẽ càng tăng mạnh hơn. Có thể trong năm 2017 và nhiều năm tới, bất động sản ven đô sẽ có sự phát triển mạnh hơn”, ông Thìn phân tích.
Tương tự, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chiến lược phát triển của TP.HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính như các khu vực giáp ranh TP.HCM như Dĩ An, Lái Thiêu (Bình Dương), hay TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)... Đây là xu hướng giãn dân mang tính tất yếu và cần thiết, là mục tiêu trọng tâm của các khu đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân của TP.HCM.