Dừng cấp phép xây cao ốc nội đô để kiểm soát kẹt xe?
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở này đang rà soát việc đầu tư cao ốc ở khu vực trung tâm. Theo đó, Sở QH-KT TP Hồ Chí Minh sẽ khoanh vùng những điểm ùn tắc giao thông và tạm ngưng cấp phép xây dựng cao ốc tại các khu vực này.
Kẹt xe, ô nhiễm môi trường: Bài toán chưa có lời giải ở KĐT Cát Lái
Sẽ thu hồi 127 ha đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
TP. Hồ Chí Minh: Giải bài toán “kẹt xe” khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Kẹt cứng trên cầu Kênh Tẻ - khu Nam Sài Gòn sau một sự cố giao thông. |
Chưa giãn dân, còn kẹt dài dài
“Thời gian qua các khu đô thị mới có quy mô lớn đồng bộ, văn minh, hiện đại nhưng về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được hình thành. Nếu có thì chủ yếu cũng chỉ phát triển các khu nhà ở mà chưa đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội nhằm giảm áp lực vào khu vực quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh” - Đó là nhận xét của ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tại buổi tọa đàm bàn về các giải pháp chống ùn tắc giao thông do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 15/3 vừa qua.
Theo ông Trí, gần đây tình trạng kẹt xe ở TP Hồ Chí Minh diễn ra bất chấp giờ giấc và ngành giao thông sẽ không đủ sức giải quyết. “Để giảm ùn tắc giao thông cho TP có quy mô dân số trên 10 triệu dân thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ở đây, tôi chỉ nói đến một giải pháp là triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng đã được duyệt nhằm phân bố lại dân cư nhằm giảm lượng người đổ dồn vào khu trung tâm hiện hữu đã quá tải hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội” - ông Trí nói.
Theo ông Trí, quyết định 24/2010 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 xác định TP Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển.
Với mô hình này, ngoài khu trung tâm tổng hợp chính của TP tại khu nội thành cũ trên địa bàn quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh (rộng khoảng 930 ha), mở rộng trung tâm tổng hợp chính mới sang Thủ Thiêm (quận 2, rộng khoảng 737 ha). Ngoài ra có các trung tâm cấp TP ở phía Đông (phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có diện tích khoảng 280 ha), phía Nam (khu A của đô thị mới phía Nam rộng 110 ha), phía Bắc (khu đô thị mới Tây - Bắc, rộng 500 ha) và phía Tây (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh rộng khoảng 200 ha).
“Quyết định được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng đến nay TP mới chỉ phát triển được khu A của Khu đô thị mới phía Nam. Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đang ở giai đoạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Các trung tâm cấp TP còn lại chưa triển khai thực hiện theo quy hoạch” - ông Trí nhận xét.
Khu vực một cao ốc trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, sắp đưa vào hoạt động, trong khi nơi đây là một điểm nóng kẹt xe. Ảnh: MP |
Ông Trí nhấn mạnh, chỉ khi triển khai thực hiện mô hình phát triển TP Hồ Chí Minh và đầu tư các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại theo quy hoạch đã được duyệt và phối hợp với các giải pháp của ngành giao thông kéo giãn dân thì mới giảm được nguy cơ ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh.
Ngưng cấp phép cao ốc ở nơi kẹt xe
Nhận xét về sự chậm trễ thực hiện quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, nói: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta chậm thực hiện chương trình phát triển đô thị và đi theo hàng ngang, thiếu sự đồng bộ. Làm cầu thì thiếu đường dẫn, làm khu đô thị thì thiếu hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội”.
Ông Toàn cho rằng, điều quan trọng nhất là TP Hồ Chí Minh đã không có chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch một cách có hệ thống, hiệu quả, trong khi việc tổ chức thực hiện này là rất quan trọng.
“Nhiều dự án bất động sản, khu đô thị mọc lên nhưng đây chỉ là bề nổi, do có độ vênh lớn về nguồn lực đầu tư các dự án bất động sản (từ xã hội) và nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật (chủ yếu từ ngân sách). Vì vậy, tôi cho rằng cần có chương trình thực hiện quy hoạch theo hướng phải xác định những nơi ưu tiên tập trung trước và không làm hàng ngang nữa” - ông Toàn kiến nghị.
Ông Toàn thông tin thêm, ở khu vực phía Đông của TP Hồ Chí Minh dù đất rộng nhưng hiện nay ùn ứ đã xuất hiện nên Sở QHKT sẽ rà soát lại quy hoạch, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và có sự điều chỉnh, nếu không ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.
“Chúng tôi cũng có nhiều cuộc họp về vấn đề nhà cao tầng trong nội thành và sắp tới sẽ có các đề xuất cụ thể. Bởi lẽ lâu nay, chỉ lo làm bên trên, phần bề nổi và không lo làm dưới đất” - ông Toàn cho biết.
Khu vực nội thành đang ngộp thở vì ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, bất chấp giờ giấc... |
Trao đổi thêm với báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, ông Toàn cho hay, Sở QH-KT đang rà soát việc đầu tư cao ốc ở khu vực trung tâm. "Chúng tôi sẽ khoanh vùng những điểm ùn tắc giao thông và tạm ngưng cấp phép tại đây”, ông Toàn nói.
Rà soát quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh Quyết định 24/2010 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 xác định TP Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển. Theo đó, ngoài khu nội thành cũ ở quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh (rộng khoảng 930 ha) thì mở rộng trung tâm tổng hợp chính mới sang Thủ Thiêm (quận 2, rộng khoảng 737 ha). Ở các hướng còn lại thì bố trí các trung tâm cấp TP.HCM có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật (đường sá, điện nước…) lẫn hạ tầng xã hội (hành chính, y tế, giáo dục) để giảm áp lực vào khu vực trung tâm nội thành. Các trung tâm cấp TP nằm ở phía Đông (phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rộng khoảng 280 ha), phía Nam (khu A của đô thị mới Nam rộng 110 ha), phía Bắc (khu đô thị mới Tây - Bắc, rộng 500 ha) và phía Tây (giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh rộng khoảng 200 ha). Ngoài ra, còn bổ sung thêm một trung tâm khu vực phụ ở phía Bắc (huyện Hóc Môn, rộng khoảng 50 ha), một ở phía Nam (tại huyện Nhà Bè, rộng khoảng 50 ha) nhằm đảm bảo bán kính phục vụ và tạo động lực phát triển cho các khu vực này. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, cho biết quyết định 24 đã được phê duyệt cách nay đã hơn 7 năm nên có nhiều biến động, thậm chí có sự dự báo không chính xác nên Sở QH-KT đang rà soát để báo cáo UBND TP kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh. Một trong những đột phá là Sở QHKT tham mưu cho TP Hồ Chí Minh chương trình phát triển đô thị nên chưa phát triển cái nào trước, cái nào sau nhằm đảm bảo sự đồng bộ. |