Giới đầu tư địa ốc lại đổ bộ vào thị trường Đồng Nai
Với lợi thế giá đất còn “mềm”, hạ tầng phát triển mạnh và đặc biệt là sự khởi động xây dựng Dự án Sân bay quốc tế Long Thành..., thị trường bất động sản Đồng Nai gần đây chứng kiến một cuộc đổ bộ của giới đầu tư địa ốc. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng lớn, rủi ro cũng đang rình rập khi một số doanh nghiệp môi giới cơ hội lợi dụng thông tin để cài bẫy khách hàng.
DonaCo.op: Trao sổ đỏ cho gần 500 khách hàng dự án Long Hưng
Đồng Nai: Đất nền dự án vẫn hấp dẫn sau chấn chỉnh phân lô
Nhìn lại cơn sốt đất nền vùng ven Sài Gòn: Nhu cầu thật trong cơn sốt ảo
“Nóng bỏng” vì Sân bay Long Thành
Sức nóng của thị trường bất động sản Đồng Nai thật sự dâng cao kể từ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết sẽ dành 23.000 tỷ đồng ngân sách chi cho công việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Đồng Nai hiện không chỉ thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà còn trở lại tầm ngắm của giới đầu tư, kinh doanh bất động sản. Nhiều đại gia địa ốc bắt đầu lên kế hoạch thâm nhập vào thị trường này, những dự án trước đây từng bị đắp chiếu cũng đã bắt đầu rục rịch khởi động trở lại.
Dạo một vòng quanh những khu vực giáp ranh với TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành những ngày qua, đâu đâu bắt gặp hình ảnh hàng loạt văn phòng môi giới tự phát giới thiệu về đất nền giá rẻ mọc lên.
Tại khu vực huyện Long Thành, những khu vực có bán kính cách dự án Sân bay Long Thành từ 5 - 7 km, hàng loạt bảng hiệu chào bán đất được mọc lên. Một môi giới tên Tân cho biết, trong khoảng thời gian 2 tháng trở lại đây, nhu cầu mua đất tại khi vực này đã gia tăng khá mạnh, giá đất đã tăng cao hơn nhiều so với trước đó.
“Mỗi ngày có đến hàng chục khách hàng từ TP.HCM đến tìm hiểu mua đất khu vực này. Trong đó, có hai nhóm đối tượng chính là những người đầu tư săn tìm mua đất trong khu dân cư có diện tích lớn để đầu tư và những người có nhu cầu nhà ở thật tìm mua những lô đất có diện tích chừng 60 - 70 m2 với giá 300 - 500 triệu đồng/nền”, môi giới này cho biết.
Một tâm điểm nữa của thị trường bất động sản Đồng Nai hiện nay là khu vực Biên Hòa. Đây là khu vực có lợi thế kết nối sẵn hạ tầng, giáp ranh với quận 9 của TP.HCM.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Techcomreal cho biết, ở khu vực này, ngoài những người mua đất diện tích nhỏ lẻ với nhu cầu để ở, còn có khá nhiều khách hàng là những “đại gia” ở TP.HCM muốn tìm những khu đất có diện tích lớn, đặc biệt là đất ven sông Đồng Nai để làm những khu trang trại theo mô hình trổng trọt, nghĩ dưỡng.
“Hiện có khá nhiều đơn đặt hàng của các khách hàng tìm mua đất dạng này, nhưng nhu cầu bán đất của người dân không nhiều. Hơn nữa, giá hiện nay cũng đã tăng lên khá cao so với từ đầu năm”, ông Lộc nói và cho rằng, khu vực này nhận được sự quan tâm của khách hàng là do xu hướng ly tâm và xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ngoài phân khúc đất trong khu dân cư, nhiều dự án đất nền có pháp lý rõ ràng, hạ tầng tốt tại Đồng Nai được công bố gần đây cũng thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng. Tâm điểm nhất trong phân khúc này là Dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (TP. Biên Hòa). Theo ghi nhận từ Công ty Donaland, đơn vị phân phối chính thức dự án này, tính từ cuối năm 2016 đến nay, đã có hơn 1.000 sản phẩm của dự án được giao dịch thành công trên thị trường.
Hay như tại Dự án The Viva City do Công ty cổ phần LDG (LDG Group) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích là 117 ha, theo thống kê của chủ đầu tư, tính đến thời điểm hiện nay, đã bán thành công ra thị trường trường gần 3.000 nền đất.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngoài Donaland và LDG Group, hiện cũng có khá nhiều doanh nghiệp cũng âm thầm lên kế hoạch chuẩn bị triển khai các dự án tại Đồng Nai, như Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước với kế hoạch sẽ triển khai một dự án tại Nhơn Trạch, Công ty Eximrs triển khai dự án tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (Trảng Bom)…
Tiềm năng nhưng cẩn trọng
Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh giá đất nền ở TP.HCM đã có mức giá khá cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng do cầu vượt cung, nhiều người có nhu cầu về nhà ở đã dịch chuyển về các địa phương lân cận, nhất là Đồng Nai để mua đất an cư.
Lý do bởi Đồng Nai hiện đang có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là cú huých về phát triển hạ tầng và giá đất còn tương đối “mềm” hơn so với những khu vực khác.
Ngoài dự án Sân bay Long Thành, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm tại Đồng Nai và kết nối vùng cũng liên tục được Chính phủ triển khai. Theo đó, tỉnh Đồng Nai có 5 cao tốc đi qua gồm TP.HCM - Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt và Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn có 2 tuyến đường vành đai 3 và 4 của TP.HCM cũng trải dài qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, cầu Phước Khánh nối từ khu vực Cần Giờ (TP.HCM) với Nhơn Trạch, hay dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2 (TP. Biên Hòa) kết nối Quốc lộ 51 tại ngã ba Bến Gỗ với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây….
Theo phân tích của gới kinh doanh địa ốc, so sánh sự tương quan về lợi thế giữa các địa phương giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, thì thị trường Đồng Nai quả thật đang có lợi thế phát triển nhất.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, một doanh nghiệp từng có thời gian dài gắn bó với thị trường bất động sản Bình Dương cho biết, sau thời gian dài nghiên cứu thị trường, hiện Công ty đang có kế hoạch sẽ chuyển hướng hoạt động về thị trường Đồng Nai.
Theo ông Tuấn, qua khảo sát thị trường cho thấy, việc thời gian qua, thị trường địa ốc phía Nam xuất hiện làn sóng người có nhu cầu về nhà ở đổ xô về về các khu vực giáp ranh với TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An để mua đất. Đây là xu hướng hướng đã được dự báo từ trước trong xu thế giãn dân từ trung tâm TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong các địa phương lân cận TP.HCM, dường như Đồng Nai đang chiếm ưu thế lớn nhất. Các tỉnh như Bình Dương, Long An hiện đang bước vào giai đoạn bão hòa, trong khi Đồng Nai lại đang bước vào giai đoạn phát triển mới.
“Điều khiến nhà đầu tư quan tâm nhiếu nhất đến thị trường Đồng Nai hiện nay là câu chuyện khởi động Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành. Khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, nhiều khả năng TP. Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch có thể sẽ sáp nhập để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Tuấn phán đoán và cho biết, việc triển khai Sân bay Quốc tế Long Thành là yếu tố quan trọng, giúp dư địa phát triển của thị trường bất động sản Đồng Nai sôi động và kéo dài trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dù thị trường Đồng Nai đang có nhiều tiềm năng phát triển, song theo khuyến cáo của các chuyên gia, nhà đầu tư cũng hết sức cẩn trọng, bởi hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp môi giới đang lợi dụng sức hút của thị trường, lợi dụng sự cả tin của nhà đầu tư để trục lợi.
Đơn cử, gần đây có Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát, là doanh nghiệp gắn với nhiều tai tiếng, là nỗi ám ảnh của hàng trăm khách hàng về hành vi bán hàng bị tố cáo lừa đảo. Mới đây, nhiều khách hàng đã tố cáo doanh nghiệp này và được biết, hiện cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án này. Ngoài Kim Phát, những cái tên doanh nghiệp môi giới đang mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường Đồng Nai như một hình thức kinh doanh đa cấp cần cảnh giác như Công ty vạn An Phát, Công ty Alibaba….
Trước những cơ hội và rủi ro của thị trường bất động sản Đồng Nai do tình trạng đầu cơ, thổi giá và rủi ro về pháp lý, nhằm đánh giá, phân tích diễn biến của thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua và sắp tới, đưa ra dự báo về triển vọng cũng như những rủi ro của thị trường này, ngày 14/9/2017 tới đây, tại Khách sạn Eastin Grand (số 253 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Báo Đầu tư phối hợp với Công ty Bất động sản Eximrs sẽ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Thị trường bất động sản Đồng Nai: Nhận diện cơ hội và rủi ro”.
Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai, Hiệp hội Bất động sản và các cơ quan quản lý tỉnh Đồng Nai, các chuyên gia, luật sư am hiểu về thị trường này và đại diện gần 100 doanh nghiệp bất động sản. Tọa đàm sẽ được thông tin, truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.