Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 12: "Hô biến" 72ha đất công viên rừng thành Cụm công nghiệp
Trong khi UBND TP Biên Hòa xác định vị trí khu đất không phù hợp với mục tiêu đầu tư nên không có cơ sở để thành lập Cụm công nghiệp (CCN) Phước Tân, thì UBND tỉnh Đồng Nai lại chấp thuận chủ trương thành lập CCN này với diện tích hơn 72 ha.
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 11: Dự án King Bay “tiền trảm hậu tấu”, khách hàng lãnh đủ!
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 10: “Bí ẩn” nguồn gốc đất tại dự án King Bay!
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 9: Đại dự án Sơn Tiên, gần 20 năm “tai tiếng”!
Điều này, đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của chính quyền Đồng Nai trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại địa phương này.
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, nhiều vi phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 1739/KL-TTCP ban hành ngày 30/09/2021.
Theo thông báo kết luận thanh tra, công tác quản lý, sử dụng đất đã được các cấp, ngành tỉnh Đồng Nai chú trọng, thu hút đầu tư đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai bộc lộ một số thiếu sót với số tiền vi phạm được xác định là 335,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đến ngày 31/12/2018 là gần 154 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trước khi TTCP ban hành kết luận nói trên, trước đó vào ngày 18/3/2020, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã sớm ban hành văn bản số 2804/KT-UBND để đưa ra các kết luận thanh tra về việc thanh tra làm rõ sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, các nhân liên quan đến khu vực đất đai tại phường Phước Tân, TP Biên Hoà, Đồng Nai.
Nhà xưởng được xây dựng "chui" mọc lên san sát nhau tại tại CCN Phước Tân. (Ảnh: MXH)
CCN “chui” ngay giữa TP Biên Hoà
Theo đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại phường Phước Tân, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, được chia làm giai đoạn, gồm:
Giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 (UBND huyện Long Thành lập).
Ngày 18/10/2006, UBND huyện Long Thành đã ban hành Quyết định số 4133/QĐ-UBND về việc xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, lập kế hoạch sử dụng đất chi tiết kỳ cuối giai đoạn 2006-2010 phường Phước Tân.
Trong đó, khu vực 72,08 ha đất quy hoạch loại đất rừng sản xuất. Đến ngày 13/10/2009, UBND huyện Long Thành đã ban hành Quyết định số 4514/QĐ-UBND về việc xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất chi tiết 2006-2010 phường Phước Tân, huyện Long Thành.
Qua rà soát, đối chiếu trong khu quy hoạch 72,08 ha đất phường Phước Tân có 31,4ha đất quy hoạch đất cơ sở sản xuất, kinh doanh và 40,6ha đất quy hoạch đất rừng sản xuất.
Giai đoạn từ năm 2010 đến nay (chuyển giao phường Phước Tân về UBND TP Biên Hòa)
Ngày 23/01/2013, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 304/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) phường Phước Tân, TP Biên Hòa.
Kết luận Thanh tra số 2804/KL-UBND do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành có đề cập nhiều nội dung liên quan đến CCN Phước Tân.
Trong đó khu quy hoạch 72,08 ha đất phường Phước Tân có chức năng quy hoạch: 6,7 ha đất quốc phòng; 31,25 ha đất thương mại dịch vụ; 33,55 ha đất cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đến ngày 27/12/2017, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4738/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 TP Biên Hòa; trong đó diện tích 72,08 ha đất phường Phước Tân được quy hoạch là đất CCN.
Được biết, trước đó, ngày 2/12/2015, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc ký, chấp thuận chủ trương thành lập CCN Phước Tân với diện tích hơn 72 ha.
Tuy nhiên, kỳ lạ là vì vị trí khu đất UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho làm CCN Phước Tân lại chính là đất có chức năng công viên rừng trồng theo quy hoạch chung TP Biên Hòa đã được chính UBND tỉnh này phê duyệt trước đó chỉ hơn 4 tháng, vào ngày 25/7/2015.
Tiếp tục tréo ngoe, khi đến tháng 10/2016, UBND TP Biên Hòa có công văn gửi Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ bất động sản Việt Bảo Minh (Công ty Việt Bảo Minh, đóng tại Khu phố Tân Cang, phường Phước Tân, TP Biên Hòa) chủ đầu tư dự án CCN Phước Tân. Theo đó, UBND TP Biên Hòa khẳng định vị trí khu đất mà công ty này xin lập CCN nằm trong khu vực có chức năng quy hoạch định hướng là đất trồng cây xanh, công viên rừng trồng. Bên cạnh đó, căn cứ theo các quy định của Chính phủ về thành lập cụm công nghiệp, UBND TP Biên Hòa xác định vị trí khu đất trên không phù hợp với mục tiêu đầu tư nên không có cơ sở để thành lập CCN Phước Tân như yêu cầu của Công ty Việt Bảo Minh.
Trước đó, ngày 28/6/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định Thanh tra 2030/QĐ-UBND nêu rõ nội dung nhiệm vụ của Đoàn thanh tra là phải “làm rõ việc mua bán, chuyển nhượng đất tại CCN Phước Tân.
Đến đây, có thể thấy, UBND tỉnh Đồng Nai đã xử lý “ưu ái” một cách khó hiểu, khi vội vàng chấp thuận chủ trương, kiến nghị thay đổi, bổ sung quy hoạch trái với quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch chung TP Biên Hòa được chính UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt để kiến nghị lấy đất có chức năng công viên rừng trồng làm CCN Phước Tân, bất chấp việc làm này gây hậu quả nghiêm trọng cho quá trình phát triển của địa phương.
Xây nhà máy "chui" trên đất cây xanh
Vị trí CCN Phước Tân (tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân) nằm giáp ranh giữa phường Long Bình, Khu du lịch Vườn Xoài (xã Phước Tân) và Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) với tổng diện tích hơn 72 ha, trong đó 90% diện tích là của chủ đầu tư - Công ty Việt Bảo Minh), khoảng 10% còn lại là đất của người dân.
Theo ghi nhận, sau hơn 10 năm hình thành trên đất quy hoạch công viên rừng trồng, đến nay nhiều cá nhân ồ ạt vào đây lập doanh nghiệp, xây dựng trái phép nhà xưởng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong lúc chính quyền tỉnh Đồng Nai loay hoay, lúng túng không biết xử lý ra sao trước những “việc đã rồi”, thì các doanh nghiệp rót vốn đầu tư tiền tỷ lo lắng trước nguy cơ bị cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng và công trình xây dựng bất cứ lúc nào.
Việc gì đến sẽ phải đến, sau quá trình xây trái phép nở rộ với quy mô lớn. Ngày 27 và 28/10/2020, UBND phường Phước Tân phối hợp lực lượng chức năng TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tiến hành thực hiện cưỡng chế, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với một trường hợp xây dựng nhà xưởng trái phép tại khu vực quy hoạch CCN Phước Tân.
Cưỡng chế công trình nhà xưởng tại khu vực quy hoạch CCN Phước Tân, ghi nhận ngày 17/6/2020. (Ảnh: Nhân Dân)
Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế nhà xưởng rộng khoảng 200 m2 của ông Võ Văn Tuấn, tại khu vực quy hoạch CCN Phước Tân. Đây là nhà xưởng được xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, với kết cấu khung sắt, mái lợp tôn kiên cố. Đến sáng 28/10/2020, việc cưỡng chế nhà xưởng đã được lực lượng chức năng hoàn thành và trả lại hiện trạng ban đầu.
Điều đáng nói, trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang tập trung tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các 48 trường hợp xây dựng nhà xưởng trái phép tại khu vực rộng 72 ha, quy hoạch CCN Phước Tân, thì ông Tuấn cố tình xây dựng mới nhà xưởng trên.
Thời điểm đó, UBND phường Phước Tân cam kết, đối với những trường hợp cố tình xây dựng trái phép tại khu vực quy hoạch CCN Phước Tân, chính quyền địa phương sẽ kiên quyết cưỡng chế theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP Biên Hòa, nhằm không làm phức tạp thêm tình hình tại điểm nóng xây dựng trái phép này.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Đồng Nai cưỡng chế, ngày 17/6/2020, lực lượng chức năng cũng đã huy động máy múc, máy cẩu tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng nhà xưởng trái phép của ông Lê Văn Hoàn, thuộc thửa đất 14, tờ số 3, phường Phước Tân. Đây cũng là công trình xây dựng nhà xưởng trái phép nằm trong diện tích hơn 72 ha quy hoạch CCN Phước Tân.
Tuy nhiên, thực tế, từ năm 2015 khi CCN này được tỉnh Đồng Nai đưa vào quy hoạch, nhưng chưa được cấp phép đầu tư, thì Công ty Việt Bảo Minh đã phân lô bán cho doanh nghiệp, dẫn đến việc hàng loạt công trình gồm nhà xưởng, nhà máy công khai xây dựng trái phép.
Đến tháng 1/2019, một số doanh nghiệp tại CCN này đã kiến nghị Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho tồn tại công trình. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là họ đã bỏ vốn lớn để đầu tư nhà xưởng, tuyển dụng nhiều công nhân, nếu tháo dỡ sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến người lao động.
Vậy, đến nay, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã đưa ra được hướng giải quyết nào để dứt điểm sai phạm tại CCN Phước Tân là câu hỏi lớn từ phía dư luận?… (còn nữa).
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.