Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 13: Đua nhau “xẻ thịt” Cụm công nghiệp Phước Tân
Hơn 40 nhà xưởng công nghiệp quy mô lớn, xây dựng trái phép tại khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp (CCN) Phước Tân đẩy chính quyền tỉnh Đồng Nai vào thế khó, bỏ không được mà giữ cũng không xong.
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 12: "Hô biến" 72ha đất công viên rừng thành Cụm công nghiệp
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 11: Dự án King Bay “tiền trảm hậu tấu”, khách hàng lãnh đủ!
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 10: “Bí ẩn” nguồn gốc đất tại dự án King Bay!
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, nhiều vi phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 1739/KL-TTCP ban hành ngày 30/09/2021.
Theo thông báo kết luận thanh tra, công tác quản lý, sử dụng đất đã được các cấp, ngành tỉnh Đồng Nai chú trọng, thu hút đầu tư đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai bộc lộ một số thiếu sót với số tiền vi phạm được xác định là 335,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đến ngày 31/12/2018 là gần 154 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trước khi TTCP ban hành kết luận nói trên, vào ngày 18/3/2020, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã sớm ban hành văn bản số 2804/KT-UBND để đưa ra các kết luận thanh tra về việc thanh tra làm rõ sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, các nhân liên quan đến khu vực đất đai tại phường Phước Tân, TP Biên Hoà, Đồng Nai.
Nhà xưởng, công ty được kết luận xây dựng trái phép mọc lên san sát tại CCN Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: ND)
Hơn 40 nhà xưởng “mọc lụi”
KLTT nêu rõ, tại CCN Phước Tân có nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực diễn ra thời gian dài nhưng các cơ quan liên quan chưa xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định pháp luật… gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trong quản lý nhà nước, kéo theo đó là những bức xúc trong dư luận suốt một thời gian dài.
Cũngtheo KLTT, khu vực rộng 72,08 ha thuộc đất trồng rừng, được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai quy hoạch làm CCN Phước Tân.
Cụ thể, bất chấp khu vực này không thuộc diện quy hoạch CCN (theo Quyết định 734 ngày 27/5/2015 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2025, phần phát triển Khu công nghiệp (KCN), CCN không có tên CCN Phước Tân) và khu đất trên được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt ngày 25/7/2015, có chức năng đất công viên rừng trồng, thế nhưng ngày 2/12/2015, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn ban hành văn bản, chấp thuận chủ trương thành lập CCN với diện tích hơn 72,08 ha.
Sau đó, ngày 21/12/2015, UBND TP Biên Hòa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận bổ sung quy hoạch CCN Phước Tân. Đến ngày 1/4/2016, Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ bất động sản Việt Bảo Minh (Công ty Việt Bảo Minh) có văn bản đăng ký làm chủ đầu tư CCN Phước Tân.
Đáng chú ý, dù thời điểm này, cơ quan chức năng chưa có quyết định thành lập CCN Phước Tân, nhưng tại khu vực này đã mọc lên hàng chục cơ sở sản xuất, nhà xưởng không hề có giấy phép xây dựng, hoạt động rầm rộ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, hạ tầng giao thông...
Tại thời điểm thanh tra, có hơn 50 doanh nghiệp vào xây dựng nhà xưởng sản xuất, trong đó có 7 trường hợp chuyển mục đích đất không phù hợp; 41 trường hợp tự ý chuyển mục đích đất từ nông nghiệp sang kinh doanh trái phát luật đã bị xử phạt hành chính nhưng chưa khắc phục hậu quả; 25 cá nhân chuyển đổi mục đích đất trái quy định; 5 doanh nghiệp thành lập nhưng chưa đăng ký hoạt động và đa số các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp, văn phòng, địa điểm kinh doanh sản xuất chưa thực hiện chủ trương đầu tư; 32 doanh nghiệp, đơn vị khai địa chỉ không đúng quy định.
Đồng thời, Thanh tra cũng phát hiện có 34 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, nhiều trường hợp chưa lập thủ tục về môi trường theo quy định và có 45 trường hợp xây dựng các công trình, nhà xưởng với quy mô lớn trên đất trái pháp luật. Tại CCN Phước Tân có 22 cơ sở đang sử dụng điện nhưng không ký hợp đồng mua bán với điện lực, 37 cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy và 1 doanh nghiệp hoạt động nhưng không nộp thuế môn bài.
Ngoài ra, còn có 7 trường hợp khác được UBND TP Biên Hòa ký quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng (9 thửa đất) từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ không phù hợp với quy hoạch, vi phạm điều 58 luật Đất đai năm 2013, điều 14 Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ.
Các công trình sai phạm tại CCN Phước Tân khó giải quyết triệt để vì quy mô quá lớn. (Ảnh: BPL)
Chính quyền Đồng Nai “tiến thoái lưỡng nan”?
Liên quan đến những sai phạm nói trên, KLTT của UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, các trường hợp người sử dụng đất vi phạm nêu trên là hộ gia đình, cá nhân đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, tự ý xây dựng nhà xưởng, nhà kho, các công trình xây dựng khác trên đất nông nghiệp để sản xuất kinh doanh hoặc cho thuê. Hành vi tự ý chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, KLTT cũng chỉ rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý nhà nước liên quan, như chưa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư, sử dụng điện, phóng cháy chữa cháy, kê khai nộp thuế; chưa kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai các biện pháp để chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Để xảy ra những sai phạm trên thuộc trách nhiệm của UBND phường Phước Tân, UBND TP Biên Hòa, như thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng kéo dài; chưa kịp thời kiểm tra, xử lý hoặc có kiểm tra, xử lý nhưng chưa quyết liệt trong việc ngăn chặn; xử lý chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa nghiêm, chưa dứt điểm đối với các hành vi vi phạm hành chính; chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra trong việc xử phạt vi phạm hành chính...
Từ những sai phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, sản xuất, kinh doanh trong khu vực quy hoạch CCN Phước Tân có văn bản cam kết giữ nguyên hiện trạng, chờ kết luận xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm, kiểm điểm xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến sai phạm tại CCN Phước Tân.
Song, ngay sau những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dư luận đặt ra 2 vấn đề để xử lý triệt để các sai phạm tại CCN Phước Tân gồm: Một là, xử phạt doanh nghiệp vi phạm, xử lý cơ quan, người có trách nhiệm để xảy ra sai phạm, nhưng vẫn để công trình hoạt động; Hai là, kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất khó chọn lựa giải pháp. Bởi, rõ ràng UBND tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không hướng giải quyết nào có thể vừa không làm thiệt hại tài sản của doanh nghiệp, vừa không ảnh hưởng việc làm của hàng ngàn lao động, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, đảm báo tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật và có sức răn đe… (còn nữa).
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.