Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 7: Hơn 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất “không cánh mà bay”!
Có tất cả 3 dự án được UBND tỉnh Đồng Nai áp dụng sai quy định chính sách ưu đãi giảm 70 % tiền sử dụng đất với số tiền lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 6: Nhiều dự án chậm tiến độ…
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 5: Chỉ định thầu sai quy định!
Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai - Bài 4: Giao đất công “bừa bãi”?
Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai được “ưu ái”?
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, nhiều vi phạm trong quản lý đất đai tại Đồng Nai đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 1739/KL-TTCP ban hành ngày 30/09/2021.
Theo thông báo kết luận thanh tra, công tác quản lý, sử dụng đất đã được các cấp, ngành tỉnh Đồng Nai chú trọng, thu hút đầu tư đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai bộc lộ một số thiếu sót với số tiền vi phạm được xác định là 335,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đến ngày 31/12/2018 là gần 154 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với công tác thực hiện các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, TTCP phát hiện một số sai phạm nghiệm trọng.
Trụ sở Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), nơi được UBND tỉnh Đồng Nai giảm hơn 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất khi giao đất cho nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại 3 dự án. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo đó, TTCP kết luận UBND tỉnh Đồng Nai đã áp dụng chính sách ưu đãi giảm 70 % tiền sử dụng đất khi giao đất cho nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để giảm 70 % tiền thuê đất trả một lần cho Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai tại 3 dự án thuộc Khu liên hợp Công nông nghiệp Dofico, huyện Xuân Lộc với số tiền 215.441.220.568 đồng là không đúng quy định pháp luật nêu tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ và điểm b khoản 1 Điều 4 Chương II Quy định về mức ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 74/2014/QĐ UBND của UBND tỉnh Đồng Nai (quy định được miễn tiền thuê đất 15 năm).
Cụ thể, trong 3 dự án được miễn giảm không đúng quy định nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 6991/UBND ngày 6/7/2018 chấm dứt hoạt động của 2 dự án chưa triển khai thực hiện theo đề nghị của nhà đầu tư (Dự án công trình hạ tầng kỹ thuật Khu trồng trọt và chế biến thực phẩm vị trí 3C và Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu trồng trọt , chăn nuôi tập trung vị trí 3B). Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động của 2 dự án.
Riêng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chăn nuôi tập trung vị trí 3A đang xây dựng, chưa được nghiệm thu hoàn thành toàn bộ dự án. Do vậy, sau khi huỷ các quyết định giảm tiền thuê đất không đúng quy định đối với 3 dự án, số tiền đã thực hiện giảm 70 % tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chăn nuôi tập trung vị trí 3A cần phải xử lý và thu hồi về ngân sách Nhà nước là 57.018.568.400 đồng.
Với số tiền còn lại sẽ do các cơ quan có thẩm quyền của địa phương xử lý sau khi quyết định thu hồi đất hoặc thay đổi mục tiêu đầu tư (nếu có) theo đúng quy định đối với Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai.
Đến ngày 21/1/2020, Cục Thuế Đồng Nai đã có các thông báo thu tiền thuê đất bổ sung và Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã nộp số tiền trên vào Ngân sách Nhà nước.
"Ì ạch" phân bổ vốn đầu tư
Cũng tại Kết luận thanh tra nói trên, TTCP cũng đã chỉ ra những bất cập trong công tác thực hiện kế hoạch vốn và phân bổ vốn đầu tư trong thời kỳ thanh tra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo TTCP, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp tỉnh và cấp huyện không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã xác định. Cụ thể: năm 2013 cấp tỉnh đạt 99 %, cấp huyện đạt 90 %; năm 2014 cấp tỉnh đạt 91,6 %, cấp huyện đạt 90,4 %; năm 2015 cấp tỉnh đạt 93 %, cấp huyện đạt 90 %; năm 2016 cấp tỉnh đạt 95,53% , cấp huyện đạt 89,8 %; năm 2017 cấp tỉnh đạt 87,2 %, cấp huyện đạt 90,8%; năm 2018 cấp tỉnh đạt 84,2 %, cấp huyện đạt 79,18%.
Qua kiểm tra công tác phân bổ vốn đầu tư, TTCP nhận thấy một số dự án bố trí vốn quá thời hạn theo quy định của Chính phủ (nhóm C quá 3 năm; nhóm B quá 5 năm).
Dự án nạo vét suối Săn Máu được bố trí vốn 15 năm quá thời hạn theo quy định của Chính phủ. (Ảnh: Báo Đồng Nai).
Điển hình có 6 dự án bố trí vốn từ 10 đến 15 năm, như:
Dự án Nạo vét suối Săn Máu, tổng mức đầu tư 409,187 tỷ đồng được bố trí vốn 15 năm (từ năm 2002).
Dự án Hồ chứa nước Cầu Dầu, tổng mức đầu tư 297,872 tỷ đồng được bố trí vốn 13 năm (từ năm 2005).
Dự án Tuyến thoát nước dải cây xanh huyện Nhơn Trạch, tổng mức đầu tư 310,753 tỷ đồng được bố trí vốn 11 năm (từ năm 2007).
Dự án Nâng cấp hạ tầng khu hành chính huyện Long Thành, tổng mức đầu tư 314,7 tỷ đồng được bố trí vốn 14 năm (từ năm 2007 đến 2021).
Dự án xây dựng hạ tầng làng nghề gốm sứ Tân Hạnh, tổng mức đầu tư 239,7 tỷ đồng được bố trí vốn trong 16 năm (từ năm 2003 đến năm 2019).
Dự án Nâng cấp đường ĐT.763 đoạn từ Km0+000 đến Km29 + 500 (cuối tuyến), huyện Xuân Lộc & huyện Định Quán (dự án nhóm B), nhưng UBND tỉnh Đồng Nai bố trí, phân bổ vốn từ năm 2012 đến năm 2023…
Ngoài ra, còn có một số dự án nhóm C do UBND cấp huyện quản lý, nhưng cũng bố trí vốn quá 3 năm, như: Công trình Trường Mầm non Tân Hiệp, huyện Long Thành bố trí vốn trong 6 năm; Công trình Trường Tiểu học 18 Ngũ Phúc, huyện Trảng Bom bố trí vốn trong 4 năm; Dự án Xây dựng hoàn chỉnh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt và Dự án Cải tạo hoàn chỉnh trường Tiểu học Tân Phong A, TP Biên Hoà bố trí vốn trong 4 năm; Dự án đường Võ Dõng 3-Soklu, huyện Thống Nhấ bố trí vốn trong 5 năm; Dự án Hạ tầng Khu TĐC xã Bảo Vinh- giai đoạn 2, TP Long Khánh bố trí vốn trong 9 năm…
Từ việc phân bổ vốn kéo dài nêu trên đã dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Đơn cử, dự án xây dựng hạ tầng làng nghề gốm sứ Tân Hạnh điều chỉnh tổng mức đầu tư 4 lần, tăng 3 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt (từ 78,6 tỷ đồng lên 239,7 tỷ đồng). Hay như dự án Nâng cấp hạ tầng khu hành chính huyện Long Thành điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần, tăng hơn 2 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt (từ 177 tỷ đồng lên 314,7 tỷ đồng)…
Có thể thấy, việc phân bố vốn đầu tư không hiệu quả, kéo dài không chỉ gây lãng phí nguồn vốn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các dự án, quá trình tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai...(còn nữa).
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.