Kiến nghị thu hồi đất 2 bên đường khi làm đường giao thông để bán đấu giá

(Tieudung.vn) - Đó là đề xuất của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh về phương án bố trí tái định cư cho người dân trước khi thu hồi đất và kiến nghị thu hồi đất 2 bên đường khi làm đường giao thông để tổ chức bán đấu giá

Kiến nghị thu hồi đất 2 bên đường khi làm đường giao thông để bán đấu giá

Kiến nghị thu hồi đất 2 bên đường khi làm đường giao thông để bán đấu giá
Đó là đề xuất của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh về phương án bố trí tái định cư cho người dân trước khi thu hồi đất và kiến nghị thu hồi đất 2 bên đường khi làm đường giao thông để tổ chức bán đấu giá tạo nguồn thu lớn để tái đầu tư hệ thống giao thông

Sáng 12/7, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - và bảo đảm quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TP Hồ Chí Minh.

Chủ trì tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng nhiều lãnh đạo Sở, ngành.

Kiến nghị thu hồi đất 2 bên đường khi làm đường giao thông để bán đấu giá

Đất nông nghiệp liền kề các đường bộ, khi đem đấu giá sẽ thu về cho ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng

Liên quan đến công tác giải tỏa thu hồi đất, đền bù tại các dự án xây dựng Đường vành đai, ông Nguyễn Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh, thông tin về tiến độ và phương thức bồi thường tại 1 số tuyến đường.

Cụ thể, đối với Đường vành đai 2 là con đường mang tính chất liên vùng, kết nối các tuyến giao thông chính đi về các tỉnh. Đến nay đã hoàn chỉnh 50,2km, còn khoảng 14km vẫn chưa thể khép kín. Đoạn đường 14km này được chia thành 4 đoạn: Đoạn thứ nhất dài 4km (sẽ hoàn thành năm 2023), 3 đoạn còn lại gần 12km có giá trị tổng đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng, trong đó hơn 18.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư (TĐC), khoảng 10.000 tỷ đồng làm đường. Lý do chưa thể hoàn thành vì còn một số vướng mắc nên chưa xong. Do đó Sở TN&MT TP cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT hỗ trợ trong trường hợp điều chỉnh vốn đầu tư trung hạn để Đường vành đai 2 hoàn thành vào năm 2025.

Đối với Đường vành đai 3 được Quốc hội thông qua dư án đầu tư vào ngày 16/6. Dự án này được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và các lãnh đạo bộ, ngành liên quan.

Đường vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 76,34km, trong đó đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài khoảng 47,51km (qua TP Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh). Qua địa bàn tỉnh Long An khoảng 6,81km (qua huyện Bến Lức), qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11,26km (huyện Nhơn Trạch) và qua tỉnh Bình Dương khoảng 10,76km (các TP Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An).

Tại TP Hồ Chí Minh, dự án Đường vành đai 3, số hộ cần TĐC khoảng 741 hộ. Trong đó TP Thủ Đức khoảng 228 trường hợp bố trí TĐC, hiện nay TP Thủ Đức còn 1.541 nền đất tại dự án khu TĐC Long Bình - Long Thạnh Mỹ (phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ) và 228 tại dự án phục vụ TĐC Khu cao (phường Tăng Nhơn Phú A).

Ở huyện Củ Chi có khoảng 36 trường hợp bố trí TĐC, các trường hợp đủ điều kiện bố trí TĐC được UBND huyện vận động nhận 5% giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất để tự lo nơi ở mới. Tại huyện Bình Chánh có khoảng 452 trường hợp bố trí TĐC tại chỗ, dự kiến bố trí 316 nền và 136 căn hộ tại Khu TĐC 30ha, xã Vĩnh Lộc B (còn 192 nền); Khu dân cư cụm công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai (còn 187 nền) và Khu TĐC 30ha, xã Vĩnh Lộc B (còn 506 căn hộ). Ở huyện Hóc Môn có khoảng 25 trường hợp bố trí TĐC, tuy nhiên huyện này không có khu TĐC tập trung, do đó dự kiến sẽ bố trí tại các địa điểm TĐC trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT, dự kiến công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho dự án Đường vành đai 3 phải thực hiện xong chậm nhất là quý III/2023. Do đó ngày 29/3/2022, Sở TN&MT đã tổ chức cuộc họp với UBND TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và đại diện Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố về công tác chuẩn bị và triển khai dự án xây dựng Đường vành đai 3.

Kiến nghị thu hồi đất 2 bên đường khi làm đường giao thông để bán đấu giá

Sơ đồ tuyến Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

Trong việc thu hồi đất, bồi thường để thực hiện dự án, theo ông Nguyễn Trung Trực, Sở TN&MT có cách làm mới đó là thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, Sở đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm: Bố trí TĐC trước cho người dân rồi mới tiến hành thu hồi đất. này không những rút ngắn thời gian khoảng 6 tháng mà còn tạo được sự đồng thuận sâu rộng từ phía người dân vì rất hợp lý.

Liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đường giao thông, cũng theo ông Trực hiện nay hỗ trợ vốn để hồi thu đất, TĐC…, đối với những khu đất liền kề đường giao thông là hết sức khó khăn, vì không thể tìm nguồn vốn. Chỉ riêng Đường vành đai 3, diện tích đất ruộng liền kề con đường là khoảng 2.300ha. Nếu triển khai thu hồi rồi tổ chức bán đấu giá khoảng 2.000ha cũng sẽ thu về cho ngân sách Nhà nước hơn 100.000 tỷ đồng.

“Do đó khi triển khai thu hồi đất, bồi thường TĐC theo hướng: Đất ở sẽ đổi bằng đất ở tương đương; Đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi với tỷ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở. Nếu làm được theo phương thức này, người dân sẽ rất vui khi thấy họ có lợi, không bị thiệt thòi. Còn Nhà nước đỡ tốn tiền ngân sách. Khi bán đấu giá thì 100.000ha đất ruộng liền kề các con Đường vành đai sẽ tạo ra một nguồn vốn cực kỳ lớn để tái đầu tư hệ thống giao thông. Trong tháng 7/2022, Sở TN&MT sẽ trình UBND TP Hồ Chí Minh về đề án này, nếu được thông qua sẽ giảm bớt nguồn lực về vốn”, ông Nguyễn Trung Trực, đề xuất.

Đối với đề xuất của Sở TN&MT về tổ chức bán đấu giá đất liền kề các Đường vành đai, các tuyến giao thông và phương án bố trí TĐC cho người dân trước khi thu hồi đất được ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá tại hội nghị là cách làm mới và khá hay.