Lối ra nào cho giấc mơ nhà ở siêu nhỏ của người lao động?

(Tieudung.vn) Tại các khu vực ngoại thành TP Hồ Chí Minh, việc chủ đầu tư được cấp phép xây nhà cả trăm m2, sau đó phân ra làm nhiều "nhà" nhỏ để bán cho nhiều người là không hiếm. Việc mua những căn nhà nhỏ dướ

Lối ra nào cho giấc mơ nhà ở "siêu nhỏ" của người lao động?

Lối ra nào cho giấc mơ nhà ở "siêu nhỏ" của người lao động?
(Tieudung.vn) Tại các khu vực ngoại thành TP Hồ Chí Minh, việc chủ đầu tư được cấp phép xây nhà cả trăm m2, sau đó phân ra làm nhiều "nhà" nhỏ để bán cho nhiều người là không hiếm. Việc mua những căn nhà nhỏ dưới chuẩn này, khả năng tách GCN quyền sở hữu nhà ở của từng hộ dân là bằng không.

Đau đáu giấc mơ nhà ở

Tại các khu vực quận 12, quận 9, Thủ Đức..., hay các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... TP Hồ Chí Minh, trường hợp chủ đầu tư mua đất xây 1 căn nhà lớn, sau đó phân thành nhiều "nhà" nhỏ rồi bán cho người có nhu cầu sử dụng bằng hình thức lập vi bằng đang bùng phát.

Tất cả bắt nguồn từ nhu cầu người dân cần có cỗ để ở. Thực tế, tại khu vực ngoại thành TP Hồ Chí Minh, để mua được miếng đất từ 50 - 80m2) trở lên để đủ điều kiện tách thửa, cấp GCNQSD đất hoặc nhà, người dân phải bỏ ra số tiền ít nhất cũng trên 1 tỉ đồng, thậm chí là vài ba tỉ đồng. Số tiền này là quá sức với phần đông là công nhân, người lao động ở TP Hồ Chí Minh... Với nhà chung cư, hiện có giá rẻ nhất hoặc nhà ở cũng có giá gần cả 1 tỉ đồng nhưng người lao động cũng không dễ tiếp cận. Giấc mơ nhà ở của người lao động nghèo gần như là... không có thực.

Mô tả ảnh
Nhà ở đủ diện tích giá không dưới 1 tỉ đồng.

Trên trang fanpge Hội mua bán nhà đất TP Hồ Chí Minh, tìm đỏ mắt cũng không thấy nhà đất đủ điều kiện tách thửa có giá dưới 1 tỉ đồng, chủ yếu là nhà xây sẵn diện tích nhỏ (20-30m2 đất) khu vực ngoại thành, được rao bán với giá từ 400 - 800 triệu đồng (đã xây hoàn thiện, có sẵn các tiện ích cơ bản: nhà vệ sinh, khu vực bếp, có lầu và gác lửng...). Những loại nhà diện tích nhỏ này lại nhận được sự quan tâm, bởi nó phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu hiện hữu của đa số người người lao động.

Họ chấp nhận không thể mua nhà, sang tên theo hình thức thông thường, mà mua bán qua hình thức lập vi bằng.

Những rủi ro về pháp lý

Về pháp lý, nếu người dân mua bán nhà qua hình thức lập vi bằng đối với nhà xây sai phép, không phép, sẽ phải chịu rủi ro rất lớn: Bị cưỡng chế tháo dỡ, tranh chấp với bên bán kéo dài...

Đối với nhà xây có giấy phép, hiện cơ quan chức năng không cấp GCN quyền sở hữu riêng đối với phần nhà được phân ra có diện tích nhỏ dưới chuẩn qui định (nhà có diện tích tối thiểu ở khu vực ngoại thành TP Hồ Chí Minh từ 50 - 80m2). Vì vậy, các chủ đầu tư và người mua "lách luật" bằng hình thức lập vi bằng đối với phần nhà đất mà mình mua bán. 

Về mặt luật, theo Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tân Tư vấn Pháp luật TP Hồ Chí Minh), giao dịch mua nhà, đất qua hình thức lập vi bằng là trái luật, việc mua bán này sẽ bị hạn chế quyền cũng như mang tới một số rủi ro đối với người mua, như: không được thế chấp vay vốn ngân hàng; chủ đầu tư có thể đem GCN bản chính đi cầm cố, thế chấp hoặc ký hợp đồng bán cho người khác, người mua theo vi bằng làm sao biết...!

Có một trường hợp mua nhà diện tích 3mx7m tại quận 12, TP Hồ Chí Minh theo hình thức đồng sở hữu, trong lô đất chung có 17 căn nhà, qua lập vi bằng. Thắc mắc của người dân là: "Nếu tôi và 16 căn cùng lô muốn làm sổ hồng đồng sở hữu thì thủ tục như thế nào?"; "Sau khi có sổ hồng đồng sở hữu, tôi muốn bán căn nhà trên thì thủ tục thế nào?"...

"Theo Quyết định số 60 thay thế Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới được Phó chủ tịch UBNT TP Trần Vĩnh Tuyến ký ban hành vào 5/12/2017 (có hiệu lực từ 1/1/2018), quy định về diện tích tối thiểu tách thửa (sau khi trừ lộ giới) được phân làm 03 khu vực: Khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú có diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 36 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3 m); Khu vực 2 gồm các quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và thị trấn các huyện có diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 50 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m); Khu vực 3 gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ có diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 80 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5 m)...

Mô tả ảnh
Mua nhà qua vi bằng tiềm ẩn rủi ro, nhưng người dân "bất chấp" ?!

Như vậy, tại quận 12, diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 50 m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m), nhà 20-30m2 sẽ không được tách thửa và cấp GCNQSDĐ riêng như mong muốn của người dân.

Quyết định 60/2017 cũng đồng nghĩa với việc, tất cả các nhà siêu nhỏ, đồng sở hữu khu vực ngoại thành TP Hồ Chí Minh sẽ sẽ không thể được tách thửa và cấp GCNQSDĐ và sở hữu nhà ở. Điều này sẽ sẽ khiến người mua nhà đồng sở hữu qua vi bằng nếu mua ngoài mục đích ở, sẽ khó khăn trong giao dịch mua bán, cầm cố, trao đổi... sau này", Luật sư Dũng giải thích.

Những vẫn đề trên cho thấy, hiện tượng nhà siêu nhỏ, đồng sở hữu, mua bán qua vi bằng... tại các quận, huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh là những hiện tượng thực tế xã hội, là nguy cơ "lách luật" về điều kiện tách thửa, dẫn tới việc hình thành nhà ổ chuột..., cần được các nhà làm luật, nhà quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch nghiên cứu và tìm giải pháp căn cơ.

Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin. 

Đặng Hoàng Bá

Vi bằng xác nhận mua bán nhà đất là trái luật

Vi bằng chứng thực việc giao tiền giao dịch mua bán nhà là hình thức lách luật để lấy phí và không có giá trị. Việc này không đúng ở chỗ, vi bằng không là bằng chứng việc mua bán nhà đất, vì không thuộc chức năng của thừa phát lại. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất đều phải có hợp đồng và qua công chứng, hoặc UBND xã, phường xác nhận mới có giá trị. Thừa phát lại biết việc làm này là không hợp pháp mà cũng chứng thực là không được, vì chứng thực đó chẳng có ý nghĩa gì và trái luật.

Nghị định 135 sửa đổi một số điều của Nghị định 61 về thừa phát lại quy định rõ: “Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi được làm chứng cứ trong xét xử và trong quan hệ pháp lý khác. Thừa phát lại không được lập vi bằng đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của công chứng, bao gồm các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất”. Mặt khác, vi bằng phải được đăng ký tại Sở Tư pháp thì mới hợp pháp. Người dân cần phân biệt kỹ ở chỗ này để tránh những rắc rối về pháp lý liên quan đến nhà đất rất khó xử lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu  (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM)