M&A bất động sản: Lối thoát cho những 'dự án chết'
Hoạt động mua bán, sáp nhập dự án (M&A) diễn ra âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) có lợi thế về tài chính không ngừng mở rộng quy mô, gia tăng quỹ đất.
Những cái bắt tay làm hồi sinh dự án trùm mền
M&A Bất động sản: Sóng ngầm và những cái bắt tay...!
Sôi động M&A từ dự án bất động sản đắp chiếu
Biệt thự mẫu Cam Ranh Mystery Villas, một trong những thương vụ M&A thành công của Hưng Thịnh Corp tại Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) |
Những thương vụ lớn
Thị trường địa ốc phía Nam 6 tháng qua đã chứng kiến hàng chục thương vụ M&A dự án lớn với việc một số các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh đã "bạo chi" nhằm thâu tóm những dự án thuộc diện "đất vàng" để phát triển dự án.
Trước tiên phải kể đến Công ty CP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp). Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, DN này đã thành công trong việc mua lại hơn 8.000m2 quỹ đất của Công ty Sơn Bạch Tuyết. Dự án sở hữu vị trí đắc địa khi nằm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất trong khoảng 10-15 phút chạy xe. Mới đây nhất, DN này đã mua lại quỹ đất của Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phát Đạt tại Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) và ngay lập tức đẩy mạnh phát triển dự án với tên gọi Cam Ranh Mystery Villas. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Một "đại gia" khác trong giới kinh doanh địa ốc TP Hồ Chí Minh là Tập đoàn Novaland cũng đã "nhanh tay" trong việc thâu tóm lô "đất vàng" rộng gần 4.000m2 với mặt tiền khoảng 70m tại số 178 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Mặc dù giá chuyển nhượng của thương vụ này không được tiết lộ, nhưng theo nhận định của giới chuyên môn, chắc chắn Novaland sẽ phải chi một khoản không hề nhỏ. Được biết, trong thời gian tới, Novaland dsẽ xây dựng tại đây một tổ hợp văn phòng và chung cư cao cấp.
Một DN đang có tham vọng mở rộng quy mô thông qua việc thu gom quỹ đất là Công ty CP Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) gần đây cũng liên tục công bố thông tin mua lại hàng loạt các dự án. Mới đây nhất, DRH đã chi hàng trăm tỷ đồng mua 2 dự án là Terracotta Hill và Metro Valley. Được biết, DRH đầu tư thông qua việc mua lại 99% cổ phần của Công ty Đông Sài Gòn. Ngoài những cái tên kể trên, một loạt các "ông lớn" khác như Đất Xanh, An Gia Investment, Phát Đạt, Quốc Cường Gia Lai, Thủ Đức House… cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động M&A nhằm mở rộng quy mô, gia tăng quỹ đất nhằm tạo "thế đứng" vững chắc trong tương lai.
Theo nhận định của giới chuyên môn, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng gần 13 triệu dân, nhu cầu nhà ở rất lớn. Chính vì vậy, DN nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất, sẽ càng có nhiều cơ hội để phát triển. Do vậy, hoạt động M&A dù diễn ra âm thầm nhưng cũng không kém phần khốc liệt, nó như những con sóng ngầm không bao giờ ngừng nghỉ...
Khách hàng tìm hiểu dự án Cam Ranh Mystery Villas của Hưng Thịnh Corp |
Lối thoát cho những "dự án chết"
Dễ dàng nhận thấy, đằng sau các thương vụ M&A là bóng dáng của các "đại gia bạo tiền", “bạo chi”, thậm chí là "cá lớn nuốt cá bé". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là lối thoát cho các dự án “chết”, đồng thời, nhờ dòng vốn và những DN mới sẽ tạo đột phá cho thị trường, giảm tồn kho bất động sản, nợ xấu ngân hàng...
“Mua bán dự án diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động mua bán dự án hiện nay có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những DN không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp, sang các DN chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng”, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh nhận định đồng thời cho cho biết, tính đến hiện tại, Hưng Thịnh đã và đang phát triển khoảng 30 dự án bất động sản, trong đó phần lớn dự án xuất phát từ các thương vụ M&A.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng cho rằn, nếu không có những DN thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị đẹp, dự án hiện đại được mọc lên một cách bài bản. Theo ông Châu, chính sự chuyển giao dự án từ những DN yếu năng lực sang DN chuyên nghiệp thời gian qua đã làm tăng tính thanh khoản thị trường, làm giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin của người tiêu dùng. "Hoạt động M&A dự án tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua diễn ra khá mạnh và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, bởi hiện nay vẫn còn đến hàng trăm dự án đang dang dở, chờ được giải cứu", ông Châu nói.
Còn theo ông Lương Sĩ Khoa, Phó chủ tịch HĐQT An Gia Investment, M&A là con đường ngắn nhất để các DN gia tăng tích lũy quỹ đất sạch, mở rộng quy mô, phát triển dự án. Tuy nhiên, để đi đến thành công trong hoạt động M&A, ngoài việc "bạo tiền", DN phải thực sự là nhà đầu chuyên nghiệp, chứ không phải cứ mua xong là xong. "Hoạt động M&A giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng... Tuy nhiên, DN phải biết tận dụng cơ hội để giới thiệu sản phẩm ngay”, ông Khoa chia sẻ.