Tách thửa đất ở TP.HCM: Dân luôn đi trước chính quyền!
Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định (QĐ) 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014, quy định “về diện tích tối thiểu được tách thửa” tại TP.HCM, nhiều khu dân cư liên tục mọc lên ở các quận, huyện ngoại thành giúp cho hàng vạn người có thu nhập thấp có nhà, có nơi an cư lạc nghiệp.
Bỏ việc, kéo nhau làm... cò đất
TP Hồ Chí Minh lại ngưng tách thửa: Người dân chịu thiệt
Dân chưa có nhà, quy hoạch đã bị "băm nát"
Quang cảnh buổi tọa đàm “ngăn chặn tách thửa biến tướng” do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức sáng 14/6. |
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện quyết định nêu trên, vẫn còn không ít lỗ hổng, giới “đầu nậu” đất vì lợi nhuận đã lách luật, tách thửa đất nhỏ hơn để xây dựng những khu dân cư kém chất lượng bán cho dân nghèo, gây ra hệ lụy phá vỡ quy hoạch đô thị, làm xuất hiện những khu “ổ chuột” mới trong lòng thành phố. Vì vậy từ cuối năm 2016, UBND TP.HCM đã giao Sở TN-MT soạn thảo văn bản nhằm thay thế QĐ 33 nêu trên và mới đây sở này có tờ trình và dự thảo gửi UBND TP.HCM xem xét. Do dự thảo có nhiều điểm mới so với QĐ 33, dẫn đến có nhiều ý kiến khác nhau về việc tách thửa đất.
Kiểm soát chặt hạ tầng sẽ không có khu “ổ chuột”
Tại buổi tọa đàm “Ngăn chặn tách thửa biến tướng” do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức vào sáng 14/6, nhằm góp ý kiến cho TP trước khi ban hành QĐ mới thay QĐ 33, đã có rất nhiều ý kiến từ những nhà quản lý, quy hoạch từ TP tới quận, huyện.
Ông Thái Vĩnh Nghĩa, Trưởng phòng TN-MT huyện Hóc Môn, cho biết: “Từ khi QĐ 33 ra đời, huyện Hóc Môn đã tiếp nhận và giải quyết rất nhiều hồ sơ tách thửa đất cho dân. Cần khẳng định rằng QĐ 33 đã giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân về vấn đề nhà ở. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện QĐ này, xuất hiện không ít lỗ hổng dẫn đến giới “đầu nậu” lách luật, tách thửa đất nhỏ hơn để cho ra đời những khu dân cư mà hạ tầng kỹ thuật không hoàn chỉnh. Vì vậy để tránh biến tướng trong tách thửa, cần kiểm soát chặt chẽ kết nối hạ tầng giao thông, kiểm soát tốt diện tích tối thiểu khi tách thửa”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Gia Thái bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nói: “Khi thực hiện QĐ 33 có đem lại một số lợi ích, đáp ứng được nhu cầu của người dân về diện tích. Nếu so với các dự án thì đây là thuận lợi vì giá lô đất rẻ, thủ tục làm nhanh. Tuy nhiên cũng có không ít chủ đầu tư chỉ vì lợi nhuận khi thực hiện QĐ 33 đã cố tình xây dựng những khu dân cư có hạ tầng kém, thậm chí đường đi không có vỉa hè. Vì vậy nếu ban hành QĐ mới về tách thửa đất, cần có quy chuẩn chung để nhà đầu tư dựa vào đó thực hiện, như: đường trong khu dân cư phải rộng, dài như thế nào? Có cần cây xanh hay không… vì trong thực tế khi thực hiện QĐ của TP thì mỗi quận, huyện có cách hiểu khác nhau”.
Xây đúng thiết kế mới cho tách thửa
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh diện tích đất từ 2.000 m2 trở lên phải lập dự án khi xây dựng. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Bình Chánh, thì yêu cầu lập dự án sẽ không khả thi vì dân luôn đi trước thực tế. Bà Thảo đưa ra ví dụ một người dân có 5.000 m2 đất, để lách quy định, họ chỉ xin tách thửa có 1.999 m2 thì chính quyền cũng bó tay. Vì vậy biện pháp hay nhất là siết lại hạ tầng.
Còn ông Trương Công Nam, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng, cho biết: “QĐ 33 giải quyết được rất nhiều vấn đề, giảm hẳn tình trạng xây nhà trái phép, sai phép, triệt tiêu được loại nhà “3 chung” (chung sổ đất, chung số nhà, chung 1 giấy phép xây dựng). Tuy nhiên, QĐ 33 vẫn còn mặt chưa được là nhiều khu tách thửa, hạ tầng giao thông trong các khu này chưa được kết nối với khu vực dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhếch nhác…, khi dân cư tăng mà gần đó không có bệnh viện, trường học sẽ phá vỡ ngay quy hoạch”.
“Vì vậy khi duyệt tổng thể mặt bằng, phương án nào đó thì cơ quan duyệt phải duyệt đúng quy chuẩn, đúng dự án vì có những khu dân cư… không có vỉa hè không có cây xanh. Phải tổ chức nghiệm thu thiết kế toàn diện, nghiệm thu một cách nghiêm túc, khi thấy chủ đầu tư đầu tư hạ tầng đúng thiết kế thì mới cho tách thửa. Lúc đó sẽ không có những khu “ổ chuột” trong tương lai khiến nhà nước phải bỏ ngân sách ra để giải quyết hậu quả”, ông Nam kiến nghị.