Thị trường M&A có dấu hiệu chững lại
Kế hoạch thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn kỳ vọng M&A sẽ sôi động trong năm 2017. Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm, thị trường M&A dường như bị chững lại khi chỉ ghi nhận con số khá khiêm tốn: 1,1 tỷ USD.
M&A bất động sản: Lối thoát cho những 'dự án chết'
Những cái bắt tay làm hồi sinh dự án trùm mền
Sôi động M&A từ dự án bất động sản đắp chiếu
Trước môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt không thay đổi cách thức hoạt động sẽ khó tránh khỏi bị các doanh nghiệp lớn thâu tóm. |
M&A cần cú hích
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), tại Việt Nam thị trường M&A trong năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục sôi động, sau khi đạt hơn 5,8 tỷ USD trong năm 2016, mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015. Tuy nhiên, hoạt động này từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. Tính đến hết quý 1/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới đạt 1,1 tỷ USD.
Nhìn lại các thương vụ M&A giai đoạn 2015-2016, chỉ riêng quy mô 2 thương vụ từ Thái Lan là Central Group mua lại chuỗi siêu thị BigC và Tập đoàn TTC mua lại hệ thống Metro đã chiếm tới 24,8% giá trị M&A năm 2015 và nửa đầu năm 2016 với tổng giá trị lên tới 1,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn rất nhiều thương vụ khác như Singha trở thành đối tác chiến lược với Masan thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần Masan Consumer và 33% cổ phần Masan Brewery trị giá 1,1 tỷ USD. Hay các doanh nghiệp Nhật Bản ghi dấu ấn với 2 thương vụ JX Nippon Oil & Energy mua lại 10% Petrolimex và Koizumi mua lại 23% CTCP QH Plus…
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến M&A chững lại là tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp từ phía Nhà nước còn chậm khiến nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào gặp khó khăn.
Theo kế hoạch, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp sẽ thực hiện trong năm 2017, thực tế đã đi hết nửa quãng thời gian trong năm, nhưng việc thoái vốn vẫn đang trong lộ trình xây dựng.
Theo Ban chỉ đạo và đổi mới phát triển doanh nghiệp, sự chậm trễ cổ phần hóa trên đến từ lý do như các doanh nghiệp phải cổ phần hóa còn lại đều là doanh nghiệp lớn, có nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính phức tạp, có doanh nghiệp quy mô vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng khi cổ phần hóa phải thực hiện kiểm toán nên cần thời gian làm chặt chẽ hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho biết, báo cáo thoái vốn quý 1/2017 đang có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân chậm trễ có phần do chờ phê duyệt kế hoạch.
Theo MAF, thị trường M&A đang cần một cú hích mới, một sự thúc đẩy mới từ vốn nước ngoài để tiêu thụ hết lượng cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước đang chào bán, các thương vụ chuyển nhượng trong nước, đồng thời thúc đẩy vượt ngưỡng 6 tỷ USD.
Doanh nghiệp nội lép vế
Các chuyên gia nhận định rằng M&A sẽ tạo ra giá trị tăng thêm nhờ mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc cơ hội phát triển mới từ đó cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn lại các thương vụ M&A từ trước đến nay, hầu hết đều do các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các doanh nghiệp của Việt Nam, trong khi đó bóng dáng của các doanh nghiệp nội khá ít ỏi.
Với việc các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm tới 77% tổng giá trị M&A tại thị trường Việt Nam cho thấy, thực tế các doanh nghiệp Việt đang lép vế trên thị trường M&A hiện nay.
Ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, cho biết tỷ lệ tham gia M&A của khối ngoại lớn hơn do các công ty Việt Nam chưa mạnh về tài chính. Một số doanh nghiệp dù biết đây là chiến lược tốt nhưng chưa đủ tài chính để mua lại các doanh nghiệp khác.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt trước thị trường M&A, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Bảo Việt, cho biết các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường hoạt động cần thu hút rất nhiều vốn, qua đó trở thành điểm yếu trước các doanh nghiệp ngoại. Đồng thời, trước môi trường cạnh tranh và thay đổi nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp Việt nếu không thay đổi cách thức hoạt động sẽ khó tránh khỏi bị các doanh nghiệp lớn đè bẹp.
Ánh Hoa