TP Hồ Chí Minh: Đất nền khu Đông hút khách bất chấp giá tăng phi mã
Giá đất nền tại các quận khu Đông những năm gần đây liên tục tăng, thậm chí là tăng gấp nhiều lần, đã gây không ít lo ngại về tình trạng "sốt ảo". Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, với tốc độ phát triển kinh tế, hạ tầng như hiện nay, cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn còn rất lớn.
TP Hồ Chí Minh: “Sóng ngầm” đất nền quận 9
2019 sẽ tiếp tục là năm khả quan của phân khúc đất nền ở TP Hồ Chí Minh?
Giá nhà đất tại TP Hồ Chí Minh lại nóng: Nhờ bóng “ông lớn”?
Đất nền quận 9 "nhảy" theo các siêu dự án
Giá đất quận 9 dường như không có giai đoạn chững lại từ 2018 tới nay, thậm chí đã thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn nhiều khu vực trên địa bàn TP. Khảo sát thị trường trên một số tuyến đường như Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Duy Trinh,… (phường Phước Long B, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9), giá đất đã có sự gia tăng đáng kể so với thời điểm cuối năm 2018.
Đường Hoàng Hữu Nam, giá đất đã lên tới 80-100 triệu đồng/m2, một số hẻm xe hơi thậm chí còn tăng gấp đôi so với 2018. Tại đường Nguyễn Duy Trinh, giá đất được chào bán từ 40 - 50 triệu/m2, dù nằm khá sâu so với mặt tiền đường. Theo một nhà kinh doanh BĐS tại phường Phước Long B, BĐS khu vực này thời gian qua tăng phi mã vì hạ tầng giao thông dần hoàn thiện, nhiều bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại lớn mọc lên. "Thậm chí giá đất nền ở một số tuyến đường quận 9 còn lên tới 100-150 triệu/m2, ngang với giá tại các quận trung tâm như Bình Thạnh, Phú Nhuận,…", người này nói.
Người dân quan tâm tới đất nền quận 9, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức và quận 12. Ảnh: TTO |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc hạ tầng, tiện ích phục vụ đời sống liên tục được cải thiện, nâng cấp, thì đất nền đơn lẻ và các dự án phân lô đang trở nên hút khách vì quận 9 hiện hữu những siêu dự án đô thị, sẽ tập trung số lượng cư dân lớn, đã và đang có nhiều tuyến đường, cầu mới được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, kết nối thuận lợi với trung tâm thành phố, miền Đông và miền Tây.
Tuy nhiên, cũng vì hút khách, quỹ đất tại quận 9 đang bắt đầu trở nên khan hiếm, nhất là khi TP “siết” các quy định về phân lô, tách thửa. “Các giao dịch hầu hết là ở những khu đất cũ, người dân mua đi bán lại sang tay chứ ít có dự án mới ra. Điều này khiến cho giá đất được đẩy lên cao…”, chủ một DN môi giới bất động sản nói.
Theo khảo sát mới đây của Báo Tuổi Trẻ, dữ liệu trực tuyến từ batdongsan.com.vn, trong tháng 4, quận 9, Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi và quận 12 là những địa bàn được quan tâm nhiều nhất về đất nền, thổ cư. Trong đó quận 9 vẫn là địa bàn thu hút sự quan tâm lớn nhất.
Bất động sản Thủ Đức, cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn còn lớn
Nằm bên cạnh quận 9, giá nhà đất tại các tuyến đường trung tâm quận Thủ Đức hiện từ 120 - 200 triệu/m2, tương đương với nhiều tuyến đường nội thành TP. Đất nền tại các hẻm nhỏ cũng được rao bán từ 50-80 triệu/m2, không có chiều hướng giảm. Thêm nữa, không chỉ nhà phố trung tâm, hàng loạt dự án đất nền, căn hộ tại ngoại ô Thủ Đức cũng tăng khá mạnh giá bán, từ khoảng 30, 40 triệu/m2 năm 2018, đã lên mức 50, 60 triệu/m2.
Theo các nhà kinh tế, xu hướng tăng giá nhà đất tại Thủ Đức bên cạnh việc ảnh hưởng từ cơn sốt đất nền khu Đông còn do tác động từ phát triển hạ tầng. Trong vài năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư khá nhiều đường xá, cầu cống trên địa bàn quận Thủ Đức, với nguồn vốn rất lớn, cụ thể là các tuyến đường huyết mạch như: Đại lộ Phạm Văn Đồng, quốc lộ 1A, Xa Lộ Hà Nội, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên và Hiệp Bình Phước - Ngã 6 Cộng Hòa (tuyến 3A), mở rộng quốc lộ 13 lên 60m,…
Phối cảnh quy hoạch1/2000 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh do Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn thiết kế - Ảnh: MTG |
Không thể không kể tới "túi đất" khu vực các làng đại học được quy hoạch "treo", khiến hàng trăm ha đất bị hoang hóa nhiều năm. Vì thấy quá lãng phí, từ giữa năm 2018, UBND TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch điều chỉnh quy hoạch.
Theo Thanh Niên, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh đến 2025, trong đó xác định các khu đại học tập trung, như khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (hơn 643 ha, quận Thủ Đức); khu Đại học tập trung Long Phước, quận 9 (hơn 172 ha), khu Đại học Long Thới, huyện Nhà Bè (151 ha), khu Đại học Hưng Long (huyện Bình Chánh).
Tuy nhiên, hiện đất đai tại nhiều khu vực bị bỏ hoang, gây lãng phí, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển đô thị của TP cũng đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Khắc phục tình trạng quy hoạch “treo”, phát huy hiệu quả sử dụng đất, Sở QH-KT đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở chủ trì, phối hợp các quận, huyện, các sở ngành liên quan rà soát, nghiên cứu tổ chức và điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, phù hợp với mô hình đô thị sáng tạo, trên cơ sở đảm bảo nhu cầu đào tạo sinh viên tại khu vực, hình thành các khu, cụm đô thị - đại học với sự tác động tương hỗ lẫn nhau,…
Và tới tháng 10/2018, UBND TP đã giao Sở QH-KT đề xuất phương án điều chỉnh tổng thể Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu giáo dục đào tạo đại học Long Phước, phường Long Phước, quận 9, chấp thuận điều chỉnh đồ án quy hoạch khu này (diện tích khoảng 8ha) từ chức năng quy hoạch đất hỗn hợp sang chức năng đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang. Những động thái kể trên của UBND TP Hồ Chí Minh đã khiến hàng ngàn người dân trong diện quy hoạch "treo" và người có nhu cầu đầu tư, mua đất và nhà ở phấn khởi.
Trước việc giá nhà đất khu Đông liên tục leo thang, theo các chuyên gia, chủ trương định hướng phát triển cửa ngõ phía Đông (bao gồm quận 9, quận 2 và Thủ Đức) thành "Khu đô thị sáng tạo" vào cuối 2017 chính là nguồn hứng khởi mạnh mẽ đối với BĐS quận 9 và quận Thủ Đức.