TP Hồ Chí Minh: Điều chỉnh hệ số K để lập phương án bồi thường, tái định cư
Điểm nghẽn lớn nhất khi thực hiện các dự án có thu hồi đất tại TP Hồ Chí Minh là việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
TP Hồ Chí Minh: Tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên 0,4 lần
Nên đầu tư phân khúc bất động sản nào trong năm 2021 ở TP Hồ Chí Minh?
Đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh giao dịch ảm đạm
Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình Tờ trình số 2078/TTr-STNMT-KTĐ gửi UBND TP về việc, điều chỉnh hệ số giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi năm 2021.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, dự thảo Tờ trình số 2078/TTr-STNMT-KTĐ được xây dựng trên cơ sở căn cứ vào Quyết định số 2/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP về ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP giai đoạn 2020 – 2040 và đề xuất của UBND quận, huyện.
Trên cơ sở đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất của UBND quận, huyện và dữ liệu thống kê các dự án đã được UBND TP phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến các quận, huyện với sự tham dự của Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, đất phi nông nghiệp, đối với đất ở vị trí 1: đất có vị trí mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt giáp với đường được quy định trong bảng giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) tại quận Bình Thạnh là 4; quận 1, 3, 5, 6, 7 có hệ số K=4,5; quận 11 có hệ số K=5; quận 4, 8, Tân Bình, Phú Nhuận có hệ số K=5,5; quận 10 có hệ số K= 6; quận Bình Tân, huyện Bình Chánh có hệ số K=6,5; TP.Thủ Đức, quận Tân Phú có hệ số K=7,5; huyện Nhà Bè có hệ số K=8; quận Gò Vấp có hệ số K=8,5; huyện Cần Giờ có hệ số K=9; huyện Hóc Môn có hệ số K=11; quận 12 có hệ số K=12; huyện Củ Chi có hệ số K=13.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP vừa lập tờ trình về kế hoạch điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Đối với các vị trí còn lại: Vị trí 2 là các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 5m trở lên thị hệ số K=0,5 vị trí 1. Vị trí 3 là các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 3m đến dưới 5 m hệ số K= 0,8 vị trí 2. Vị trí 4 là các thửa đất, khu đất có những vị trí còn lại có hệ số K=0,8 vị trí 3.
Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất nghĩa trang, nghĩa địa, đất tôn giáo bằng 60% giá đất ở liền kề.
Đất nông nghiệp theo vị trí: Vị trí 1 là tiếp giáp lề đường (đường có tên trong bản gía đất ở) trong phạm vi 200 m; vị trí 2 là không tiếp giáp đường trong phạm vi 400m; vị trí 3 là các vị trí còn lại. Đất nông nghiệp theo khu vực: khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh có đất không đủ điều kiện công nhận đất ở; đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở thì hệ số K=35. Đất nông nghiệp ngoài khu dân cư (nông nghiệp thuần) K=30.
Khu vực 2: quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức thì đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở có K= 25; đất nông nghiệp thuần K=20. Khu vực 3: huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn thì đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở có K=20; đất nông nghiệp thuần có K=15. Khu vực 4 là huyện Cần Giờ thì đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở có K=15; đất nông nghiệp thuần có K=10.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, tuỳ điều kiện cụ thể của dự án, UBND TP Thủ Đức, UBND quận, huyện được phép rà soát, cân đối với các dự án có điều kiện hạ tầng kỹ thuật và kinh tế tương đồng đã được UBND TP phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm để điều chỉnh hệ số cho phù hợp với giá chuyển nhượng để lấy ý kiến người dân đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Thời gian qua, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là một trong những điểm nghẽn chính sách lâu nay khi triển khai các dự án có thu hồi đất tại TP Hồ Chí Minh. Theo quy trình, thời gian thu hồi đất mất 200 ngày nhưng trên thực tế kéo dài trung bình từ 4 năm, có dự án kéo dài hơn 10 năm chưa xong do giá đất áp dụng thời điểm bồi thường vênh rất lớn với giá thị trường giao dịch.
Chưa kể việc khi đã thống nhất giá bồi thường, hỗ trợ nhưng do thời gian kéo dài phải tính thêm trượt giá và lãi suất ngân hàng, dẫn tới phát sinh khiếu nại, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người có đất thu hồi, ngân sách nhà nước cũng như làm “nản lòng” không ít nhà đầu tư.