TP Hồ Chí Minh: Lo ngại “loạn” giá đất sau thông tin chuyển 5 huyện ngoại thành lên quận
Kế hoạch chuyển 5 huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh lên quận, được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng giá trị đất đai, hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ, đời sống văn hóa tăng lên…Tuy nhiên, kéo theo đó là những lo ngại về việc giá nhà đất sẽ “leo thang”.
TP Hồ Chí Minh duyệt quy hoạch 5 phân khu chức năng thuộc Khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Đề xuất cấp giấy phép xây dựng chính thức cho đất quy hoạch dân cư mới và đất hỗn hợp
Từ ngày 1/1/2021: Những trường hợp nào được miễn giấy phép xây dựng?
Mới đây, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển đổi một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 – 2030.
Cụ thể, theo đề án này, giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TP Hồ Chí Minh). Giai đoạn 2025-2030 sẽ chuyển hai huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TP Hồ Chí Minh).
Đề án chuyển 5 huyện thành quận hoặc TP thuộc TP Hồ Chí Minh mới chỉ là công tác chuẩn bị, tuy nhiên lập tức thông tin này tác động đến giá nhà đất
Để hiện thực hóa đề án chuyển huyện thành quận, Sở Nội vụ cho rằng cần ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới...
Bên cạnh đó, cần tạo ra các cơ chế, chính sách để Bên cạnh đó, cần tạo ra các cơ chế, chính sách để huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp các địa phương khác và vốn đầu tư nước ngoài phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại…
Tuy nhiên, ngày 18/3, tại buổi duyệt kế hoạch năm của Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong lo ngại khi “lên đời” 5 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi, đời sống người dân chưa thấy chuyển biến rõ nét nhưng đã tạo ra xáo động trong thị trường bất động sản.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP cho rằng, các thông tin về đề án 5 huyện lên quận cần thận trọng bởi đưa tin không khéo sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và đời sống người dân. Sở Nội vụ khi lập đề án phải căn cứ tiêu chí, quy hoạch của các quận.
Ông Phong bày tỏ lo ngại khi chuyển huyện thành quận, chuyển quận thành thành phố, đời sống người dân chưa thấy chuyển biến rõ nét nhưng đã tạo ra xáo động trong thị trường bất động sản. Ví dụ như ở TP Thủ Đức, có những mảnh đất trước kia chỉ 40 - 50 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên hơn 100 triệu đồng/m2 dù mới chỉ thay đổi tên gọi.
Do đó, người đứng đầu chính quyền TP khẳng định, khi phê duyệt đề án sẽ xác định lộ trình hẳn hoi, tránh tình trạng lợi dụng thông tin này đẩy giá đất lên là rất khó khăn cho thị trường bất động sản.
Giá đất tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) tăng ngay sau thông tin sắp lên quận
Liên quan đến đề án này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), nhận xét việc chuyển đổi từ huyện lên quận mang lại lợi ích cho nhà nước, người dân và cả doanh nghiệp. Nhưng để tránh tình trạng lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên cao, ông Châu cho rằng phía chính quyền cần chủ động việc công bố thông tin để định hướng dư luận.
“Trong thời đại hiện nay, việc cung cấp thông tin kịp thời là cần thiết, không thể chậm cung cấp thông tin để nhưng kẻ xấu lợi dụng. Nếu đề án chuyển đổi một số huyện thành quận được phê duyệt, thì lộ trình chuyển đổi, kế hoạch thực hiện như thế nào cần công bố cho người dân được biết, để cho người dân không bị sập bẫy thông tin của giới cò đất, đầu nậu”, ông Châu lưu ý.
Ngoài ra, ông Châu cũng đề cập đến vai trò của chính quyền cấp cơ sở để tránh tình trạng vẽ dự án, phân lô, bán nền, làm giá đất. Nếu chính quyền cấp cơ sở quyết tâm thực hiện mạnh mẽ tình hình sẽ được kiểm soát ổn thỏa.
Chủ tịch HoREA khuyến cáo người dân đầu tư bất động sản ở khu vực đang có đề xuất từ huyện lên quận hiện nay nên dựa trên cơ sở có giấy tờ hợp lệ, hợp pháp. Nếu không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ mà đầu tư thì rủi ro rất lớn.
“Người dân nên liên lạc với phòng quản lý đô thị, phòng tài nguyên môi trường các huyện để hiểu rõ về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, phát triển nhà ở, kế hoạch sử dụng đất hàng năm như thế nào để có căn cứ pháp luật trước khi ra quyết định đầu tư”, ông Châu đưa ra lời khuyên.
Chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, một môi giới bất động sản lâu năm tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, bên cạnh số ít những nhà đầu tư có tầm nhìn, phần đông nhà đầu tư trong nước có thói quen chạy theo thông tin quy hoạch, đầu cơ lướt sóng, đẩy giá như những con thiêu thân. Và trong số đó, người được thì ít, kẻ thua thì nhiều.
Cũng theo môi giới này, trong thời điểm kinh tế đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid- 19, các nhà đầu tư cần cẩn trọng, khôn ngoan hơn, lựa chọn các kênh đầu tư uy tín, xác minh thông tin, đầu tư lâu dài thay vì chỉ mải mê "lướt sóng”.