Vì sao nhà đầu tư địa ốc mạnh tay… đổ tiền xuống biển?
Chưa lúc nào, bất động sản ven biển được quan tâm nhiều như hiện nay, từ các doanh nghiệp lớn đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều hướng dòng tiền vào phân khúc này.
Vì sao đất nền ven biển hút vốn đầu tư?
Lợi ích lâu dài từ bất động sản nghỉ dưỡng
Mũi Né - Phan Thiết: "Khẩu vị" mới của nhà đầu tư bất động sản
Bất động sản ven biển đang trở thành "khẩu vị mới" của thị trường địa ốc (Hình minh hoạ). |
Không chỉ là một “khẩu vị mới”
Nếu như 10 năm trước, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển được thị trường biết đến như là một loại hình bất động sản xa xỉ, chỉ dành cho giới nhà giàu, thì hiện nay, bất động sản ven biển trở thành sản phẩm đầu tư của nhiều đối tượng nhà đầu tư.
Nhận diện được “khẩu vị” mới của thị trường, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn, trong đó có những doanh nghiệp lâu nay chỉ hoạt động chính trong phân khúc bất động sản nhà ở tại TP Hồ Chí Minh cũng bắt đầu chuyển hướng lấn sân sang động sản nghỉ dưỡng ven biển.
Nếu như trước đây, các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hay Ninh Thuận…, gần như bị lãng quên, thì gần đây, các thị trường này đã nổi sóng với hàng loạt dự án lớn.
Đơn cử như tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), liên danh Công ty Phát Đạt và Công ty Danh Khôi đang triển khai dự án Nhơn Hội New City tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Dự án bao gồm 3 phân khu với quy mô diện tích lên đến cả trăm héc-ta với vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Đây là dự án có nguồn gốc đất từ chủ trương của UBND tỉnh Bình Định kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực thực sự đến để đánh thức Nhơn Hội. Thông qua hình thức đấu giá quỹ đất, Công ty Bất động sản Phát Đạt là đơn vị trúng đấu giá các khu đất trên, sau đó “bắt tay” với DKR hợp tác phát triển và hiện nay dự án này đang là tâm điểm của thị trường Quy Nhơn.
Cũng tại Nhơn Hội, nguồn tin của phóng viên cho biết, mới đây, một “đại gia” địa ốc hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh đã chi hàng ngàn tỷ đồng để gom một khu đất có quy mô lên đến hơn 1.200 ha. Theo tiết lộ, doanh nghiệp này đang lên kế hoạch triển khai một đại đô thị tầm cỡ tại Nhơn Hội.
Tại khu vực phía Nam, mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã công bố ra thị trường dự án căn hộ du lịch Vũng Tàu Peal. Dự án có quy mô diện tích hơn 13.000 m2, tọa lạc ngay mặt tiền đường Thi Sách, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), được xây dựng thành 4 block, cao 33 tầng với tổng số 1.787 căn hộ. Đây là dự án thứ 3 của Hưng Thịnh đầu tư tại Vũng Tàu.
Đáng chú ý nhất trong câu chuyện đầu tư bất động sản ven biển là “ông lớn” Novaland. Đầu tiên phải kể đến Dự án NovaWorld Phan Thiet với quy mô 1.000 ha đang được giới phân tích đánh giá sẽ làm “thay da đổi thịt” thị trường bất động sản Bình Thuận.
NovaWorld Phan Thiet được phát triển theo mô hình tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí và thể thao biển, mang tầm vóc đô thị với nhiều hình thức lưu trú đa dạng như nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse mặt biển... Tại đây, chủ đầu tư đã dành 220 ha để xây dựng trung tâm thể thao phức hợp gồm cụm sân golf 36 lỗ, khu thi đấu thể thao, công viên...
Ngoài dự án này, Novaland cũng đã mua lại dự án của Tập đoàn Trung Thủy tại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để triển khai dự án mang tên Novaworld Hồ Tràm với quy mô vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng….
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, đến thời điểm hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác như Nam Group, Danh Khôi, DRH Holdings, An Gia....cũng đều đã có những dự án ven biển.
Đón đầu xu hướng mới
Theo ghi nhận, mặc dù nguồn cung bất động sản ven biển tăng mạnh, nhưng phần lớn các dự án đều có kết quả bán hàng khá tốt.Điển hình như, dự án Nhơn Hội New City, trong khoảng thời gian chưa đến 1 tháng công bố phân khu 4 ra thị trường, đã có hơn 1.300 sản phẩm được khách hàng đặt mua và hiện nay có đến hơn 4.000 khách hàng đăng ký giữ chỗ sản phẩm phân khu 2 của dự án này.
Hay như tại Dự án NovaWorld Phan Thiết, từ lúc công bố đến nay đã có đến gần 4.000 sản phẩm được khách hàng đặt mua…
Theo phân tích của giới chuyên môn, sức hút của bất động sản ven biển gần đây nhiều yếu tố, trong đó 2 yếu tố đặc biệt quan trọng chính là sự thay đổi “khẩu vị” của thị trường và chính sách phát triển hạ tầng kết nối.
Hạ tầng dự án Nhơn Hội New City đã cơ bản hoàn thiện |
Liên tục trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn chứng kiến kỷ lục mới về lượng khách du lịch quốc tế, trong đó những vùng đất nào có biển đẹp, hạ tầng kết nối tốt đều lọt vào tầm ngắm của du khách. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam kéo theo sức hút về nhu cầu đầu tư bất động sản ven biển.
Từ một thị trường với xuất phát điểm là một sản phẩm về phong cách sống dành cho giới siêu giàu - các đối tượng sẵn sàng xuống tiền nếu thích vị trí và thiết kế của dự án, đa số các sản phẩm bất động sàn ven biển hiện nay đã được cơ cấu thành những sản phẩm đầu tư đi kèm các cam kết lợi nhuận.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu thành thị đang gia tăng ở Việt Nam, sau khi đã an cư lạc nghiệp với căn nhà thứ nhất, sẽ đặc biệt dễ bị thu hút bởi các căn hộ du lịch vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư đảm bảo thu nhập cố định, vừa thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng của gia đình, vừa nhắm đến mục đích đầu tư, khai thác.
Một yếu tố khác kích cầu bất động sản ven biển là sự đột phá về hạ tầng hạ tầng kết nối. Hầu hết các địa phương đều có chính sách phát triển hạ tầng mạnh mẽ từ hạ tầng hàng không đến hạ tầng đường bộ.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, một trong những nguyên nhân chính để thị trường bất động sản Bình Thuận thời gian qua thu hút mạnh các nhà đầu tư là chính sách phát triển hạ tầng.
Theo ông Tân, hiện nay, 2 dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng mặt bằng gần 50%, trong năm nay, tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2020 sẽ khởi công dự án.
“Hiện tại, 2 tuyến cao tốc nối TP. Phan Thiết - Dầu Dây và TP.Phan Thiết - Cam Ranh (Khánh Hòa) đang mở thầu, 2 tuyến này là hiện thực chứ không phải thông tin dự kiến như trước nữa”, ông Tân nói và phân tích thêm, sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau khi hoàn thành đường cao tốc có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km. Toàn tuyến đi qua tỉnh Bình Thuận có 7 nút giao liên thông, 40 cầu vượt, 54 hầm chui bố trí tại các vị trí giao cắt với đường địa phương và đường gom với tổng chiều dài 185,1 km. Ngoài 2 tuyến cao tốc này, một loạt dự án hạ tầng đã và sắp triển khai cũng khiến cho thị trường bất động sản của Bình Thuận phát triển mạnh mẽ.
“Một khi các hạ tầng hoàn thiện không chỉ tháo gỡ vướng mắc về giao thông đối ngoại, mà còn tạo đòn bẩy cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội và câu chuyện du lịch bứt phá chỉ là sớm muộn không chỉ cho Bình Thuận, mà cả khu vực miền Trung”, ông Tân đánh giá.