Băn khoăn về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh trong cơn bão giá

(Tieudung.vn) - Khi giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt thì giá bữa ăn bán trú ở các nhà trường tương đối ổn định. Câu hỏi đặt ra là: Trong cơn bão giá, chất và lượng bữa ăn bán trú liệu có đảm bảo hàm lượng dinh

Băn khoăn về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh trong cơn bão giá

Băn khoăn về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh trong cơn bão giá
Khi giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt thì giá bữa ăn bán trú ở các nhà trường tương đối ổn định. Câu hỏi đặt ra là: Trong cơn bão giá, chất và lượng bữa ăn bán trú liệu có đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu phát triển của học sinh?

Chỉ dám tăng 2.000 đồng/bữa

Dù giá cả tăng cao nhưng với trường công lập, tăng giá tiền ăn là việc không đơn giản, phải trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng đồng và cân đối hợp lý trước khi gửi phụ huynh xin ý kiến để tránh gây phản ứng trái chiều.

Băn khoăn về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh trong cơn bão giá

Chất lượng bữa ăn bán trú là vấn đề được phụ huynh đặc biệt quan tâm

“Ngay từ đầu năm học, trường con tôi đã thông báo tăng tiền ăn từ 28.000 đồng/bữa lên 30.000 đồng/bữa. Dù số tiền phải đóng cao hơn so trước là 2.000 đồng/bữa nhưng các phụ huynh cho rằng trường đông học sinh nên số tiền tăng như vậy là hợp lý. Tất cả phụ huynh đều đồng ý với phương án tăng giá ăn do nhà trường đưa ra”- chị Hà Như Thủy, trú tại quận Hà Đông cho biết.

Do không có khu vực riêng nên trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm thực hiện hợp đồng với công ty chuyên cung cấp suất ăn để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh. Lường trước những khó khăn và ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid- 19 nên dù được áp dụng chính sách hỗ trợ giảm thuế suất GTGT của nhà nước từ 10% xuống 8% nhưng từ cuối năm học trước, phía công ty đã trao đổi, kiến nghị và đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường về việc tăng giá bữa ăn từ 28.000 đồng/suất lên 30.000 đồng/suất. Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, vấn đề này đã được đưa ra xin ý kiến và được 100% phụ huynh ủng hộ, thống nhất.

“Dù bữa ăn tăng giá không nhiều nhưng với mức ăn như hiện tại, các bữa ăn của học sinh của nhà trường được đảm bảo cả chất và lượng”- Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát Vũ Thị Lan Anh . Theo vị hiệu trưởng này, song song với việc duy trì ổn định chất lượng bữa ăn, vấn đề vệ sinh ATTP được nhà trường và các cấp địa phương đặc biệt quan tâm. Nhà trường luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình, các cơ quan chức năng địa phương cũng nhiều lần xuống trường trực tiếp kiểm tra từng khâu, qua đó có kết luận mọi công tác thực hiện bữa ăn bán trú của nhà trường đều đảm bảo đúng quy định.

35.000 đồng/bữa là giá bữa ăn bán trú của THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang áp dụng. Theo hiệu trưởng nhà trường, trường cũng hợp đồng kí kết với một công ty thực phẩm cung cấp suất ăn. “Với giá như vậy, không thấy phía công ty có ý kiến gì nên hiện nhà trường vẫn giữ ổn định giá suất ăn của học sinh, đồng thời các khâu giám sát thực phẩm, chất lượng, định lượng bữa ăn vẫn được tiến hành chặt chẽ”- Hiệu trưởng THCS Mỹ Đình 2 Bùi Thị Ngọc Lan cho biết.

Có bị chiết giảm khẩu phần ăn?

Khác với trường công lập giữ ổn định giá bữa ăn hoặc chỉ tăng khoảng vài nghìn đồng/bữa thì các trường ngoài công lập đa phần tăng giá cao hơn và thông báo về việc này ngay thời điểm thông báo tuyển sinh năm học 2022- 2023. “Khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, giá cả thị trường đã tăng nhưng nhà trường cố gắng duy trì hoạt động trên cơ sở không tăng giá đến hết năm học cũ. Tuy nhiên, năm học mới đến, việc đầu tiên nhà trường thực hiện là thông báo tăng giá bữa ăn vì đây là việc phụ huynh nào cũng nhìn thấy và dễ dàng thông cảm”- cô Nguyễn Thu An, chủ nhóm trẻ độc lập tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Băn khoăn về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh trong cơn bão giá

Bữa ăn bán trú chịu tác động mạnh của biến động giá cả

Nhóm trẻ Mầm non tư thục Bông Hồng, quận Hà Đông cũng tăng tiền ăn từ 35.000/ngày lên 50.000 đồng/ngày từ tháng 9/2022. Với số tiền ăn này, trẻ sẽ được ăn 3 bữa/ngày kèm thêm hoa quả và sữa trong bữa phụ. Chủ cơ sở Nguyễn Thu Chung cho biết, khi nghe thông báo về việc tăng giá tiền ăn, dù rất khó khăn kinh tế nhưng không phụ huynh nào có ý kiến bởi với họ, giá tăng thì cơ sở buộc phải tăng theo để giữ ổn định công tác tổ chức và duy trì hoạt động của các lớp học.

Ngoài quan tâm đến việc bữa ăn bán trú có tăng giá hay không, điều phụ huynh quan tâm hơn là chất lượng bữa ăn có đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng hay không? Bên cạnh các trường thực hiện quy củ, trách nhiệm, công khai thông tin bữa ăn thì vẫn còn không ít phụ huynh phàn nàn về việc trường không thông tin về thực đơn hàng ngày của con nên họ không biết con được ăn gì; có trường còn đơn điệu trong chế biến, không đa dạng , thực phẩm ít hàm lượng dinh dưỡng hoặc còn sử dụng nhiều đồ chiên rán, đồ ngọt, đồ đông lạnh trong chế biến và sử dụng.

Bày tỏ mối quan tâm về chất lượng bữa ăn trong giai đoạn giá cả thị trường biến động, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học (Sở GD&ĐT) Hoàng Hữu Trung cho hay: Hà Nội có quy mô trên 2,2 triệu học sinh; trong đó 100% trường mầm non và tiểu học tổ chức ăn bán trú (khoảng 1.500 trường) tổ chức ăn bán trú. Ngoài vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP, các nhà trường cần lưu ý hàm lượng dinh dưỡng và định lượng trong từng suất ăn hằng ngày của học sinh. Nếu không tăng giá suất ăn hoặc tăng giá rất ít thì các đơn vị có chiết giảm khẩu phần ăn mỗi bữa không? Các cơ quan chức năng phải quan tâm và có biện pháp kiểm tra vấn đề này, từ đó sớm có giải pháp khắc phục (nếu có).

Được biết, tại đa số nhà trường hiện nay, thực đơn, định lượng bữa ăn hàng tuần đều được gửi lên website nhà trường hoặc nhóm zalo của từng lớp để cha mẹ và học sinh cùng biết. Việc công khai và thường xuyên nhận góp ý về thực đơn không những tạo sự đồng thuận, tin tưởng của phụ huynh mà còn là kênh giám sát tích cực để chất lượng, định lượng bữa ăn bán trú luôn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã có văn bản về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh ATTP tại các cơ sở giáo dục; trong đó nhấn mạnh các cơ sở cần bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường; Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm ở mọi khâu...