Bán tân dược qua mạng xã hội là vi phạm pháp luật
Việc kinh doanh tân dược qua mạng xã hội hoặc livestream là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay quá trình thanh, kiểm tra vẫn còn gặp một số khó khăn khi xử lý. Đây là khẳng định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo định kỳ.
Chiều 27/6, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP.
Kinh doanh tân dược trên mạng chưa được pháp luật công nhận
Tại buổi họp báo, rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, như: tình trạng quảng cáo bán tân dược trên mạng xã hội; đề án thí điểm giải quyết cho hộ gia đình có nhà ven kênh, rạch được thuê, mua nhà ở xã hội; tới đây Công an TP sẽ ra mắt App hướng dẫn cách nhận biết lừa đảo qua mạng; việc lấy phiếu tín nhiệm theo kế hoạch số 1590-KH/BCSĐ của UBND TP đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp TP và tương đương…
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay quảng cáo thuốc qua mạng xã hội là một hiện tượng xuất hiện khi các phương tiện thông tin ngày càng phổ biến, được sử dụng như một công cụ bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, việc kinh doanh tân dược theo phương thức thương mại điện tử vẫn chưa được pháp luật công nhận. Việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream cũng là hành vi vi phạm pháp luật, do không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong công tác quản lý. Tuy nhiên, hiện nay quá trình thanh, kiểm tra vẫn còn gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội như facebook, zalo...
Về xử phạt, theo bà Quỳnh Như, trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó 1 vụ việc chuyển Công an TP.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội là vi phạm pháp luật
Nói về những khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, thứ nhất đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo. Thứ hai, địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật. Hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Kế đến là ngành y tế TP chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo. Khi được mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.
Cuối cùng là nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật. Điều này gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm cho cơ quan quản lý không xác định được chủ thể quảng cáo, không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử. Ngành y tế TP sẽ tăng cường công tác truyền thông về quản lý kinh doanh thuốc, cũng như hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không được cấp phép. |