Bộ GD&ĐT đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Hà Nội: Xử lý nghiêm việc vận động học sinh ''học yếu'' không thi lớp 10 công lập
Nghề nấu ăn ở trường mầm non là công việc nặng nhọc, độc hại
Ra mắt Hội Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Luật Nhà giáo, theo đó đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều; quy định về nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo quy định, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù được hưởng chế độ đặc thù. Theo dự thảo, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo. Cùng với đó, Nhà nước cũng có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn.
Các chính sách thu hút và ưu đãi như: Nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo, ưu tiên tuyển dụng...
Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, Nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh đó, Quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo là quỹ không vì lợi nhuận dùng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo và thân nhân nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo.
Quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo gồm hai loại: Thứ nhất, do tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động và quản lý theo quy định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Thứ hai, do cơ sở giáo dục thành lập từ nguồn kinh phí tài trợ, viện trợ, hiến tặng hoặc kinh phí của cơ sở giáo dục và nguồn kinh phí hợp pháp khác; hoạt động theo quy chế tổ chức, hoạt động và quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật.
Các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ". Đồng thời, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn...