Cảnh báo "bẫy việc nhẹ, lương cao" - Bài 2: Những cuộc đào thoát từ “trại buôn người”
Sau khi bị lừa bán, bị ép làm công việc lừa đảo với tần suất 16 - 18 tiếng mỗi ngày như “nô lệ”, đồng thời chứng kiến cảnh nhiều đồng hương nhảy lầu tự tử, nhiều nạn nhân đã liều mình bỏ trốn.
Cảnh báo "bẫy việc nhẹ, lương cao" - Bài 1: Gặp những người đào thoát từ “trại buôn người” bên đất Campuchia
5 cô gái bị bán cho quán karaoke khi tìm "việc nhẹ lương cao"
Có dấu hiệu mua bán người trong vụ 40 người vượt sông trốn khỏi Casino ở Campuchia
Nhảy lầu, băng đồng chạy trốn
Bản thân bị nhốt trong phòng tối, bị chích điện, bị đánh đập và bỏ đói ở trại lao động thứ hai, xác định nếu ở lại thì chỉ có con đường chết, nên em Nguyễn Anh Kiệt (SN 2001, quê Đồng Tháp, nhân vật trong bài trước), lên kế hoạch chạy trốn.
Những tin nhắn gọi ghi âm của Chương gửi qua zalo cho cha mình là ông Minh nhằm báo tầng mình bị nhốt, để nhờ Đại sứ quán Việt Nam giải cứu cho Chương.
“Khoảng 10 giờ tối một ngày đầu tháng 7/2022, thấy xe của quản lý người Trung Quốc sắp chạy ra ngoài trại, em lẻn xuống sân rồi chạy bộ phía sau. Khi cổng trại mở, em bỏ chạy thục mạng ra cánh đồng. Khi phát hiện em bỏ trốn, bảo vệ trại đuổi theo nhưng không tìm thấy vì lúc đó em lẩn vào đám ruộng ẩn nấp. Không tìm được em, bảo vệ bỏ về và phải hơn 2 tiếng sau đó, khi cảm thấy an toàn em mới bò ra bờ ruộng gần đường nằm chờ xe chạy qua để xin quá giang” - Kiệt kể lại.
Tôi hỏi vì sao em dám xin quá giang khi không biết xe đó của ai? Kiệt cho biết em nằm chờ trong ruộng lúa, mỗi khi thấy ánh đèn xe em phải căng mắt nhìn kỹ biển số. Đến khoảng 2 giờ sáng, có một xe container chở hàng chạy chậm ngang qua cánh đồng, nhìn thấy biển số Việt Nam, Kiệt chạy bộ thật nhanh ra trước đầu xe vẫy tay xin đi nhờ. Nghe Kiệt kể lại chuyện bị lừa bán sang Campuchia, tài xế nói tiếng Bắc lập tức cho em lên cabin rồi chở thẳng về cửa khẩu Campuchia giáp với Mộc Bài của Việt Nam. Tại đây Kiệt xin mật khẩu wifi của quán nước và dùng chiếc điện thoại di động giấu trong người gọi messenger Facebook của "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải để cầu cứu.
“Lúc đó anh Hải bảo em cứ tìm chỗ nào thật kín và ngồi chờ, vì có xe của anh Hùng (bạn hiệp sĩ Hải) ở gần cửa khẩu đang đi chở những người Việt bỏ trốn tại các trại lao động. Sau đó, anh Hùng tới chở em qua cửa khẩu, nộp tiền phạt đưa em về Việt Nam” - Kiệt nói tiếp.
Đối với trường hợp bỏ trốn của Dương Văn Vũ (quê Cà Mau) có phần ly kỳ hơn. Vũ kể, Công ty nơi Vũ làm là tòa nhà cao tầng, Vũ ở tầng 3. Hàng ngày các lao động bắt đầu làm việc từ lúc 6 giờ sáng. Do đó, Vũ dậy từ 5 giờ sáng đi tháng máy từ tầng 3 xuống tầng 2 rồi chui qua 1 ô cửa sổ nhảy xuống.
“Các ô cửa sổ của tòa nhà đều bị hàn kín, chỉ có 1 ô ở tầng 2 mở. Ngay ô cửa sổ này có đường ống nước cấp cho cả tòa nhà, em bám theo ống nước tụt xuống mái tôn nhà ăn của nhân công rồi nhảy xuống đất chạy thẳng vào rừng. Sau khi băng qua khu rừng, gặp con rạch rất hôi thối, em cởi quần áo và bơi qua nhưng cố giữ sao cho chiếc điện thoại di động không bị ướt. Bơi hết con rạch lại có bức tường cao khoảng 3m, em tìm cách trèo qua, rồi lại chạy qua cánh đồng thì đến đường lớn. Lúc này em gọi điện cho một người quen ra chở về nhà trọ để trốn” - Vũ kể.
Tại nhà trọ, Vũ lên mạng tìm trang Facebook của "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải để cầu cứu. Nhận được tin cầu cứu, hôm sau "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải cùng đồng đội sang Campuchia đón Vũ và nộp phạt thay em khi qua cửa khẩu vì Vũ không có giấy tờ.
Vũ cho biết, cuộc đào thoát của Vũ cũng chưa ly kỳ bằng một nạn nhân bị lừa bán ở khu vực Cảng Sihanoukville. Sau khi anh này đào thoát, câu chuyện của anh được lan truyền trong cộng đồng những nạn nhân người Việt bị lừa bán, và họ đặt cho người đào thoát này là “Người dơi”. Theo lời của Vũ, nạn nhân bị bán vào khu nhà cao 7 tầng, tất cả các lan can bằng kim loại ngoài ban công của các tầng đều bị quản lý tòa nhà cài điện cả ngày lẫn đêm, chỉ trừ khi trời mưa mới được quản lý ngắt điện. “Người dơi” canh một đêm trời mưa to, tất cả các lan can đều được ngắt điện nên anh này đu từ tầng 7 xuống tầng 6, xuống dần tầng 5, cứ như thế “Người dơi” đu người xuống đến sân và trốn thoát.
Đòi tiền chuộc 10.000 USD, không có sẽ đem đi bán thận
Ông Đoàn Minh (SN 1962, quê Phú Yên), cha của em Đoàn Hồng Chương, kể: “Lúc nhận tin nhắn của con qua Zalo, lập tức tôi đến Công an tỉnh Phú Yên trình báo và được hướng dẫn tận tình các bước. Sau đó tôi liên hệ và gửi thông tin cơ bản của Chương để cầu cứu "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải. Những thông tin do tôi cung cấp được "hiệp sĩ" Hải gửi qua Email cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Ngày 17/5, tôi gửi đơn đến Đại sứ quán để nhờ giải cứu con tôi. 2 ngày sau, vào lúc 1 giờ sáng, tôi nhận được cuộc gọi Zalo của một cán bộ Đại sứ quán yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng con tôi bị bán, và bằng cách nào đó con tôi phải quay được clip định vị nơi đang bị nhốt để Đại sứ quán có cơ sở cùng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia giải cứu. Tất cả yêu cầu trên, tôi đều nhắn tin qua zalo hướng dẫn con tôi thực hiện”.
Tác giả và ông Đoàn Minh (bên phải, cha của nạn nhân Đoàn Hồng Chương).
Nhận được hướng dẫn của cha mình, chiều hôm sau Chương kiếm cớ bị đau bụng để được “quản lý” cho về phòng nghỉ. May mắn cho Chương là em mượn được điện thoại di động của 1 người chung tầng, sau đó em vào phòng chốt cửa quay clip và định vị chuyển qua Zalo để ông Minh gửi cho Đại sứ quán Việt Nam.
“Sau khi nhận được clip và định vị địa điểm, cán bộ Đại sứ quán đề nghị tôi bình tĩnh chờ, vì sẽ có người đòi tiền chuộc. Khoảng 16 tiếng sau, từ Zalo trên điện thoại di động của con tôi có giọng nữ hỏi tôi có phải là ba của Chương? Khi tôi xác nhận, người này đòi tiền chuộc 10.000 USD. Tôi trả lời không có khả năng thì người phụ nữ nói mặc kệ vì họ mua con tôi với giá 10.000 USD. Tôi năn nỉ thì người này cúp máy, khoảng 15 phút sau họ tiếp tục dùng điện thoại di động của con tôi gọi vào Zalo vợ tôi cũng với yêu cầu chuộc người, nếu không sẽ bán qua công ty khác. Lúc 1 giờ sáng hôm sau, con tôi gọi nói nếu không gửi 10.000 USD để chuộc, chúng bán con đi mổ thận. Đến 7 giờ 15 phút sáng cùng ngày, tôi tiếp tục nhận cuộc gọi từ người phụ nữ hỏi có lo tiền chuộc chưa? Nếu không sẽ bán Chương trong buổi chiều” - ông Minh kể.
Đại sứ quán Việt Nam giải cứu nạn nhân
Tất cả nội dung trao đổi với bọn buôn người đòi tiền chuộc đều được ông Minh cung cấp cho cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và được hướng dẫn phải câu giờ. Do đó, ông Minh đã trả lời đám người đòi tiền chuộc là chỉ mới lo được 45 triệu đồng, xin cho thêm thời gian. Trưa 22/5 sau khi trả giá, phía buôn người hạ xuống 5.000 USD, thời hạn cuối vào lúc 17 giờ, và ông Minh hứa chuyển tiền vào buổi chiều.
“Lúc 16 giờ 15 phút chiều 22/5, họ gọi bảo tôi phải chuyển tiền ngay, nếu không sẽ đưa con tôi đi. Trong lúc tôi nói chuyện với bọn buôn người, thì "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải nhắn tin cho cán bộ Đại sứ quán, vị cán bộ nói đang ở tầng 3 của tòa nhà theo định vị con tôi nhắn, nhưng không có số phòng nơi con tôi ở. Do đó cố dụ bọn chúng chuyển điện thoại cho Chương nói chuyện với tôi để biết ở phòng nào, vì các phòng không đánh số. Đến 16 giờ 56 phút, tôi nhắn tin chuẩn bị gửi tiền, nhưng phải cho nói chuyện với con để xem có đúng con tôi không? Lúc này họ đưa điện thoại và con tôi nhanh trí nói phòng đối diện cầu thang máy. Thông tin này được nhắn ngay cho cán bộ Đại sứ quán. 15 phút sau, cán bộ Đại sứ quán nhắn tin: Chúng tôi đã giải cứu được con anh” - ông Đoàn Minh kể.
Còn "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải, cho biết: “Sau khi Chương được Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Campuchia giải thoát đưa về đồn cảnh sát TP Bavet, tỉnh Svay Rieng tạm giữ 3 ngày để lập hồ sơ. Chúng tôi nộp phạt 7,2 triệu đồng thay cho gia đình nạn nhân và Chương được đưa về cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh (Việt Nam). Chúng tôi tiếp nhận và chở thẳng về TP Hồ Chí Minh, trước khi chia tay, một cảnh sát nước bạn nhắn nhủ chúng tôi không được dừng nghỉ dọc đường”.
Cũng theo "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải, từ đầu năm 2022 đến nay, nhóm của anh đã giải cứu gần 20 nam, nữ người Việt Nam bị các băng nhóm lừa bán sang Campuchia với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” tại các trại lao động do người Trung Quốc thuê đất lập ra. “Những trại lao động là những tòa nhà cao tầng do người Trung Quốc làm chủ, nằm biệt lập và được bao bọc bởi những bức tường cao 4 - 5m”, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải cho biết.