Đề nghị quy định lịch sử là môn học bắt buộc
Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị môn học lịch sử cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông là môn học bắt buộc.
Thí sinh F0 ở TP Hồ Chí Minh vẫn được dự thi tuyển vào lớp 10
Hà Nội dự kiến tăng học phí gấp 2 lần
Giới trẻ chia sẻ bí quyết thích nghi trạng thái bình thường mới trong học tập
Sáng 22/5, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 3 để thảo luận vào báo cáo chuyên đề về “Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn lịch sử cấp trung học phổ thông”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc THPT. Nguồn ảnh: Dân trí
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, cho biết, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn.
Trong đó, lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân...
Bên cạnh đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT (15 - 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam.
Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.
Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình Lịch sử phải là môn học bắt buộc vì thực tế học sinh THPT không mặn mà với môn học này, điểm số tại nhiều kỳ thi rất kém. Nguyên nhân không hẳn do Lịch sử không hấp dẫn mà chương trình nặng về "hàn lâm, ôm đồm và cách trình bày khá tẻ nhạt". Bà đề nghị thay đổi theo hướng khuyến khích các em nhìn nhận, đánh giá chứ không chỉ thụ động tiếp thu.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội lại đưa ý kiến rất đáng lưu ý, rằng hiện toàn bộ kiến thức cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới đã được dạy học bắt buộc ở cấp học THCS. Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc ở cấp THPT thì phải sửa cả chương trình môn học này.
“Chương trình được xin ý kiến 2 lần năm 2015 và 2017. Chương trình các môn được xin ý kiến 2 lần, xin ý kiến các Sở GD&ĐT, xin ý kiến giáo viên, các cơ sở giáo dục. Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình mới với giáo sư sử học Phan Huy Lê sau nhiều lần xem xét đã thông qua. Chương trình đã xin ý kiến các hội đồng, ủy ban, ban tuyên giáo… Sau khi nhận được đồng thuận cao thì đã thông qua chương trình này” - bà Thúy cho biết.
Đồng thời, bà Thúy đặt vấn đề "Bên cạnh việc lắng nghe dư luận, chúng ta phải xem Bộ GD&ĐT ban hành chương trình đó là đúng hay sai. Nếu đúng thì chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, nếu sai thì phải trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi. Và nếu sai thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm".
"Nếu sửa thì trong bối cảnh này có phù hợp hay không, khi chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, hay lại là "đẽo cày giữa đường”. Đó là những vấn đề chúng ta phải xem xét thật kỹ" - bà Thúy lưu ý.