Dịch vụ văn hóa Hà Nội chuyển mình
Giai đoạn 2015 - 2020, các ngành dịch vụ mới mang lại 57,2% GRDP (chỉ số tổng sản phẩm quốc nội) cho Hà Nội, nhưng đến nay tỷ lệ này đã là 64,1%. Kết quả này là nhờ những thay đổi tích cực về chính sách công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo của Thủ đô.
Những địa điểm đi chơi Noel không thể bỏ qua tại TP Hồ Chí Minh
Hà Nội tăng phí tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử
Sẵn sàng “đi đu” Maroon 5 và khuấy đảo Phú Quốc United Center
Tinh thần đổi mới sáng tạo trong văn hóa không chỉ nằm ở cấp TP mà còn len lỏi đến từng quận, huyện hoặc vào đến từng ngõ phố. Sự sôi động của các hoạt động, sự kiện đã để lại nhiều dấu ấn ý nghĩa.
Du lịch đêm không còn manh mún
Năm 2019, Hà Nội đã khởi động cho các chương trình thắp sáng điểm văn hóa về đêm. Nhưng cũng mới chỉ có di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt được tour đêm. Sau đó, gần như 2 năm ngành dịch vụ văn hóa du lịch trở nên ngủ Đông vì đại dịch Covid-19.
Các đơn vị quản lý thay vì mở các dịch vụ thu hút du khách đã đầu tư cho việc xây dựng các sản phẩm văn hóa hấp dẫn, mang bản sắc riêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Chính vì vậy, việc ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm vào năm 2023 được nhiều DN đánh giá là mang đến tín hiệu vui cho du lịch Thủ đô. Đồng loạt các sản phẩm du lịch đêm, trong đó có show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (huyện Quốc Oai); tour Di tích nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm); không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng (giai đoạn 1); rối nước Thăng Long, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm)… mở cửa hoạt động tối vào các ngày cuối tuần.
“Có thể thấy sự phát triển của các tour vào ban đêm đã mang đến một Hà Nội đầy mới mẻ hơn, không chỉ góp phần mang đến một hình thức du lịch mới lạ cho du khách mà còn góp phần gỡ bỏ định kiến không phải chỉ những người nghiên cứu về lịch sử, văn hóa mới ghé thăm các di tích lịch sử. Quả không sai khi người ta nhận định rằng "Hà Nội có lẽ đẹp nhất về đêm", trái ngược với không khí xô bồ, nhộn nhịp của đô thị lúc ban ngày, du lịch đêm Hà Nội lại có những nét đẹp riêng, có cổ có kim hòa quyện vào nhau tạo nên một mảnh đất nghìn năm văn hiến ngày càng có sức hút với giới trẻ và đông đảo bạn bè quốc tế” - ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam bày tỏ.
Du khách trải nghiệm tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn
Tháng 2/2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban ban hành Nghị quyết về công nghiệp văn hóa, cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Nghị quyết số 09-NQ/TU).
Dự kiến trong thời gian tới, TP sẽ tiếp nhận đề nghị tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa thể thao có tầm cỡ quốc tế, quy mô lớn trên địa bàn. Để chủ động kiểm soát và tổ chức thành công các sự kiện, lãnh đạo TP đã đề nghị các đơn vị, lực lượng phục vụ các sự kiện văn hóa cần có kế hoạch xác định sớm các hoạt động, sự kiện, xác định quy mô trong năm tới để có sự chủ động. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí Thủ đô cần chuyên nghiệp, chủ động đi trước, trong và sau các sự kiện. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phục vụ các sự kiện văn hoá và triển khai công tác phối hợp giữa lực lượng phục vụ các sự kiện văn hoá năm 2023 |
Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác...
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, năm 2023, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động để lại dấu ấn. Nhóm nhạc Blackpink có 2 đêm dừng chân biểu diễn tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) là thông tin mà đầu năm 2023 các fan toàn thế giới không bao giờ ngờ đến.
Dù rằng để đón một nhóm nhạc nổi đình nổi đám, đang là các ngôi sao có lượng fan lớn nhất thế giới là cả một bài toán về công tác tổ chức, an ninh, an toàn cùng chất lượng dịch vụ.
Nhưng sự thành công trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink đã khẳng định Hà Nội là điểm đến uy tín, chất lượng của các chương trình nghệ thuật đẳng cấp. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong hai đêm diễn của Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình, khoảng 170.000 khách đã đến Hà Nội, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% số khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia.
Hà Nội cũng đặt rõ mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của TP. Đến năm 2030 công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và đóng góp khoảng 8% GRDP của TP. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Học |
Các hoạt động du lịch tại Hà Nội hưởng lợi lớn trong hai đêm diễn của Blackpink, tổng thu từ du khách ước đạt 630 tỷ đồng. Những ngày cuối cùng của năm 2023 (vào ngày 23 và 24/12), các fan yêu KPOP trên toàn thế giới lại có dịp hội tụ ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình để đón chào các sao Kpop của Hàn - Việt như: Chi Pu, Tăng Duy Tân, nhóm Highlight, The Wind, Infinite, Tribe, Exo Chen - Xiu Min, Suju D&E… Những đêm nhạc này là sự hứa hẹn cho điểm dừng chân sắp tới của các nhóm nhạc nổi tiếng khác đến Hà Nội vào năm 2024.
Những con số biết nói
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, cho biết: “Trong năm 2023, hoạt động tổ chức các sự kiện trên địa bàn TP diễn ra khá sôi động với mật độ, số lượng ngày càng tăng. Tổng số ước tính khoảng 3.000 sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức với nội dung, hình thức và quy mô khác nhau trên địa bàn các quận, huyện, thị xã TP”.
Cụ thể, đối với các lễ kỷ niệm, TP đã tham gia phục vụ tổ chức thành công hơn 10 sự kiện chính trị gắn với các mốc lịch sử, các ngày Lễ lớn của đất nước, Thủ đô Hà Nội, trong đó có sự kiện Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023); Kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của Ban Đại diện chiến sĩ bị địch bắt tù đày TP Hà Nội (3/1973 - 3/2023); Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023).
TP đã phối hợp, hỗ trợ các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện giao lưu, quảng bá văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội, như: lễ hội văn hóa Pháp (Balade en France) trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12; sự kiện “Ngôi làng châu Âu” của EU; chương trình quảng bá văn hóa Anh của Đại sứ quán Anh; chương trình quảng bá văn hóa, du lịch UAE tại Hà Nội; sự kiện quảng bá văn hóa “Hương vị nước Australia”. Đồng thời, các sở, ban, ngành và các quận, huyện đã có sự phối hợp, hỗ trợ tổ chức thành công các chương trình nghệ thuật lớn, tổ chức ngoài trời, tập trung đông người trên địa bàn TP như: chương trình âm nhạc mùa Hè “Hay”; chương trình nghệ thuật “Đêm nhạc của Đen”; lễ hội Âm nhạc Gió Mùa 2023...
Khó mà kể hết những sự kiện dấu ấn của văn hóa Hà Nội trong năm qua; chỉ minh chứng, các sự kiện được tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú, sinh động, hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc tạo không gian sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh cho Nhân dân, công chúng Thủ đô Hà Nội cũng như khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế; góp phần tích cực vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội; quảng bá rộng rãi hình ảnh thương hiệu của “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “TP sáng tạo”, “TP vì hòa bình”…
Bên cạnh đó, Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của quốc tế, nhiều Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đã tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa trên địa bàn Thủ đô, góp phần đáng kể vào việc mở rộng, tăng cường hợp tác giao lưu, quảng bá văn hóa giữa Hà Nội với các nước. Thành công của các chương trình là minh chứng về khả năng, năng lực tổ chức các sự kiện lớn của TP Hà Nội và là điểm đến an toàn, thân thiện đối với khách trong nước và quốc tế.
Theo thống kê mới nhất của Sở VH&TT công bố trong tháng 10/2023, Hà Nội hiện nay có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu DN tư nhân hoặc cá nhân; 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hóa di sản/sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 DN sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung. |
Tại Hội nghị công nghiệp văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức (diễn ra vào sáng 22/12), do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Hà Nội có tham luận với vai trò là đơn vị đi đầu trong triển khai phát triển công nghiệp văn hóa. Tại bài tham luận, Hà Nội chỉ rõ kế hoạch phát triển nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu TP sáng tạo của UNESCO… Đó chính là các nhiệm vụ quan trọng của văn hóa Hà Nội trong năm 2024.