Đón 26.000 học sinh trở lại TP Hồ Chí Minh học trực tiếp, làm sao để an toàn?
Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hơn 26.000 học sinh của TP đang mắc kẹt ở các tỉnh. Vì vậy, thời gian tới khi TP dự định tổ chức học trực tiếp, thì phương án đón các em trở lại TP an toàn là mục tiêu hàng đầu.
TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương lên kế hoạch tu bổ trường học trước khi học sinh quay trở lại
Nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh hoàn thành sớm tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh
TP Hồ Chí Minh: Đề xuất cho học sinh khối 9 và 12 đi học trực tiếp từ tháng 12
Đón học sinh từ vùng dịch trở về an toàn...
Trước đó vào ngày 5/11, tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, về tình hình dạy và học trực tuyến của các tỉnh phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết vẫn còn khoảng 26.000 học sinh của thành phố còn kẹt lại ở các tỉnh/thành phố khác, trong đó trên 5.000 đã đăng ký học tạm, 16.000 học trực tuyến với trường. Sở GD&ĐT đã trình lãnh đạo UBND thành phố dự thảo kế hoạch tổ chức học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, đề xuất học sinh đi học trở lại từ ngày 10/12. Do đó, các bậc cha mẹ học sinh cần đưa con mình trở lại thành phố để học trực tiếp.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HCDC
Việc 26.000 học sinh của TP Hồ Chí Minh hiện vẫn đang sinh sống ở các tỉnh/thành miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ…, nếu về lại thành phố để học trực tiếp theo tờ trình của Sở GD&ĐT thành phố dự kiến vào ngày 10/12 tới đây, liệu có nguy cơ mang theo dịch Covid-19 trở về? Bởi lẽ trong vài ngày trở lại đây, nhiều tỉnh/thành phố ở miền Tây và miền Đông Nam Bộ…, số ca mắc Covid-19 tăng trở lại.
Chị Phan Thị Hà (SN 1980, ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh), cho biết từ ngày 24/5 khi thành phố chưa thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15 và 16, chưa bị phong tỏa, thì gia đình chị đã chủ động đưa 2 con về xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để tránh dịch. Địa phương nơi 2 con của chị ở, từ đầu mùa dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay là vùng xanh hoàn toàn. Việc học tập của con chị theo hình thức học online và vẫn học tốt.
“Vừa rồi nhà trường gọi học sinh về chích vaccine phòng Covid-19, tôi nhờ người đưa đứa lớn học lớp 12 về TP Hồ Chí Minh để chích, còn cháu nhỏ 5 tuổi vẫn để trên đó. Nếu không có việc tiêm ngừa cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tôi để con tôi ở trên Bình Phước cho an toàn, không đưa về vùng mỗi ngày vẫn còn phát sinh cả nghìn F0. Do đó không thể nào có chuyện các cháu từ vùng xanh (Cấp độ dịch cấp 1 - Nguy cơ thấp) lại có nguy cơ mang theo dịch về TP Hồ Chí Minh”, chị Hà nói.
Tương tự, anh Huỳnh Hồng Sơn (SN 1976, ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh), nói: “Cuối tháng 5/2021, nhận thấy mỗi ngày tại thành phố số ca mắc Covid-19 tăng dần. Tôi đưa vợ cùng các con về tránh dịch ở trang trại của gia đình tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, rồi tôi quay lại thành phố làm việc. Đến hôm nay vợ con tôi vẫn an toàn tuyệt đối. Nếu TP Hồ Chí Minh tiếp tục cho học sinh học online đến hết học kỳ 1, lúc đó tôi mới đưa vợ con trở lại. Không ai tự dưng đang ở vùng nguy cơ thấp, khi trở về thành phố học tập lại có thể đem dịch cho TP Hồ Chí Minh”.
... Khó mà không khó
Để đón học sinh trở lại TP Hồ Chí Minh an toàn sau thời giãn cách xã hội, Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) nhận định khó mà không khó, vì cơ bản phụ thuộc vào sự cẩn thận và tuân thủ phòng dịch của phụ huynh học sinh.
“Hiện nay TP Hồ Chí Minh đã đang từng bước mở cửa, việc lưu thông đi lại với các địa phương vì thế dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó, để đón các em học sinh từ tỉnh trở lại TP nhập học, phụ huynh cần lưu ý đáp ứng các yêu cầu như: Tài xế và người đi cùng (đón trẻ) phải theo nguyên tắc 5K, đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 180 ngày hoặc đã tiêm vaccine 2 mũi sau 14 ngày; có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế (test nhanh hoặc PCR)” – bác sĩ Khanh nói.
Đặc biệt, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng đang rất cần được quan tâm trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Cần tạo miễn dịch trong cộng đồng nói chung và trẻ em nói riêng để bảo vệ trước dịch bệnh. Việc tiêm vaccine giúp cho trẻ có cơ hội được đi ra bên ngoài, được học, được tham gia các hoạt động ngoài trời.
“Theo tôi, có 2 cách, một là cho trẻ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ở tỉnh chờ đủ 14 ngày rồi đón trẻ trở lại TP. Tại đây, trẻ sẽ được tiêm tiếp mũi 2. Hoặc cũng có thể đón trẻ lên TP sớm để trẻ được tiêm vaccine tại TP. Tuy nhiên, với cách làm này thì phải đảm bảo phòng dịch cho trẻ trong suốt quá trình di chuyển, và cả nơi ở khi trẻ đến TP” – bác sĩ Khanh nói thêm.
Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Trong đó, vaccine Pfizer được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực chọn để tiêm cho trẻ em. Vì vậy, khi Bộ Y tế và chính quyền TP chọn tiêm vaccine Pfize cho trẻ từ 12 – 17 tuổi, là quyết định đúng đắn.
“Cần phải đảm bảo, khi học sinh ở TP Hồ Chí Minh đi học trở lại là khi tất cả các em đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tôi khuyên, phụ huynh nên tin tưởng vào công tác tiêm chủng của TP. Từ đó, đưa ra quyết có lợi nhất cho con em mình" - bác sĩ Hùng nói.
Riêng với học sinh mầm non, theo bác sĩ Hùng chưa cần thiết phải cho học trực tiếp vội, cần có thêm thời gian chuẩn bị để đảm bảo các em luôn được an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, đối với một số tỉnh chưa kết nối giao thông với TP Hồ Chí Minh, cha mẹ học sinh nào có nhu cầu cho con trở lại thành phố học tập có thể thông báo cho nhà trường. Sau đó, nhà trường tổng hợp danh sách gửi lên Sở GD&ĐT. Sở sẽ xin ý kiến UBND thành phố phối hợp với các Sở, ngành bố trí, sắp xếp phương tiện đón học sinh trở lại.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trong tờ trình Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với UBND thành phố kế hoạch cho học sinh học trực tiếp theo từng cấp độ dịch của từng địa phương. Đối với địa phương đã xác định cấp độ dịch ở cấp 1 - 2 (Nguy cơ thấp; Nguy cơ trung bình) sẽ dạy học trực tiếp. Đối với địa phương ở cấp độ 3 (Nguy cơ cao) dạy trực tiếp kết hợp dạy online. Địa phương nào ở cấp độ 4 (Nguy cơ rất cao) dạy học online, trên truyền hình.
Khi mở lại trường để dạy - học trực tiếp, tất nhiên các giáo viên đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Các trường cũng phải có phương án xử lý tình huống nếu phát sinh dịch bệnh, khi đó Sở GD&ĐT mới đề xuất cho phép học sinh trở lại trường.
Liên quan đến công tác tổ chức cho học sinh ở TP Hồ Chí Minh học trực tiếp, trước đó, ngày 30/10, Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC). Tại đây, Sở GD&ĐT trình lãnh đạo UBND TP dự thảo Kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề xuất học sinh đi học trở lại từ ngày 10/12. Theo tờ trình của Sở GD&ĐT, phương án này nhằm đảm bảo đủ thời gian sơ kết công tác tổ chức dạy học trực tiếp thí điểm tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ cho tất cả các khối lớp. Đồng thời cũng để các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, tiếp nhận và sửa chữa cơ sở vật chất. Đây cũng là lúc hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, xây dựng hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học và tổ chức tập huấn cho giáo viên về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự kiến lộ trình như sau: Ngày 8/12, tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 9/12, triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường. Từ ngày 10/12, học sinh trở lại trường học trực tiếp. |