Hải Phòng: 127 công nhân đóng tàu nhập viện sau bữa ăn trưa
Vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm xảy ra ngày 27/6, sau bữa ăn trưa tại bếp ăn của công ty, nhiều công nhân có biểu hiện mẩn ngứa, buồn nôn, chóng mặt, mặt đỏ, tê bì tay chân, tức ngực, khó thở...
8 loại thực phẩm dễ gây ngộ độc trong mùa nắng nóng, ai cũng nên biết
Tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, bữa ăn trưa của công nhân thuộc Công ty CP đóng tàu Sông Cấm địa chỉ tại thôn Ngô Hùng, xã An Hồng, huyện An Dương diễn ra vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 27/6/2024.
Các công nhân ăn trưa tại Công ty với thức ăn gồm: thịt gà kho, lạc chao dầu, cá biển kho, chả lá lốt, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm, dưa hấu tráng miệng. Sau bữa ăn trưa, vào lúc 12 giờ 22 phút có khoảng 100 người có biểu hiện mẩn đỏ vùng mặt, người, đau đầu, một số ít trường hợp buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài…
Hình ảnh các công nhân được điều trị tại một số bệnh viện trên địa bàn Hải Phòng.
Được biết, bữa ăn trưa tại Công ty nói trên có tổng số 795 suất ăn, chia làm 2 thực đơn, trong đó, 400 suất với thực đơn là cá thu kho, chả lá lốt, bí xanh, canh rau ngót, cơm, dưa hấu; số suất ăn còn lại với thực đơn là thịt gà kho, lạc, bí xanh, canh rau ngót, dưa hấu.
Đến 16 giờ cùng ngày, có 127 công nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế và Trung tâm Y tế huyện An Dương để điều trị và theo dõi sức khỏe, trong đó: Bệnh viện Việt Tiệp 69 người, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 30 người, Trung tâm Y tế huyện An Dương 28 người); tại Công ty đóng tàu Sông Cấm có 51 công nhân có triệu chứng nhẹ (mẩn ngứa, đỏ mặt, đau đầu nhẹ...) được nằm theo dõi tại Công ty.
Theo điều tra, báo cáo nhanh của Công ty Đóng tàu Sông Cấm, chủ yếu các công nhân có triệu chứng trên đều dùng thực đơn ăn có món cá biển kho.
Hiện sức khỏe các công nhân đang diễn biến ổn định.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, đánh giá và phân luồng các ca bệnh, thường xuyên theo dõi công tác điều trị tại các khoa lâm sàng. Tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh.
Theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, sẵn sàng hội chẩn tuyến trên hoặc chuyển tuyến khi cần thiết đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.
Tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.