Hàng nghìn người chen chúc ở sân bay Tân Sơn Nhất để về quê ăn Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng đông nghẹt khách. Cảnh xếp hàng dài dằng dặc diễn ra ở các quầy làm thủ tục và kiểm tra an ninh.
Hàng không tăng tải đường bay ''nóng'' từ Tân Sơn Nhất dịp Tết
Khai mạc sự kiện hàng hiệu khuyến mãi khủng tại Tân Sơn Nhất Pavilion
Chính thức khởi công nhà ga sân bay Long Thành và T3 Tân Sơn Nhất
Tân Sơn Nhất “vỡ trận”…
Theo ghi nhận, từ sáng sớm ngày 4/2 (tức ngày 25 tháng Chạp), nhiều khu vực ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng đông nghịt người xếp hàng chờ check in, ký gửi hành lý, kiểm tra an ninh. Các khu vực nhà chờ hầu như không còn ghế trống, hành khách tỏ vẻ mệt mỏi, tranh thủ sử dụng điện thoại, thậm chí nằm ngủ trong thời gian chờ chuyến bay.
Tại các quầy làm thủ tục của Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar, hành khách phải xếp thành và chờ rất lâu mới đến lượt. Đặc biệt tại tầng 1, khu kiểm tra an ninh luôn trong tình trạng chật kín người.
Hàng nghìn người đã đến sân bay Tân Sơn Nhất từ sớm, tập trung ở sảnh chờ làm thủ tục bay, nhưng vẫn có khá nhiều chuyến bị delay (trễ chuyến). Ảnh: Việt Hùng
Đến 13 giờ, ngày 4/2, tại các sảnh chờ, khu vực làm thủ tục và khu vực ra cửa khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất lượng hành khách chờ nhiều thời điểm tăng cao do tình trạng dồn chuyến bay.
Được biết, tình hình chậm chuyến hoặc phải thay đổi lịch khai thác của các hãng hàng không đã diễn ra từ rạng sáng ngày 2/2 đến hôm nay (ngày 4/2) do thời tiết xấu, sương mù dày đặc ở khu vực miền Bắc như sân bay Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh... Nhiều người cho biết phải chờ từ 3-6 tiếng đồng hồ ở sân bay Tân Sơn Nhất khi máy bay về muộn hoặc chậm chuyến.
Chị Vy Ngọc Khánh Trang (Bình Dương) cho biết, chị cùng gia định từ Bình Dương lên sân bay từ 4 giờ 30 phút sáng này để về Đà Nẵng đón tết, tuy nhiên do chuyến bay bị delay nên cả nhà vẫn đang đợi mệt mỏi chờ đợi.
Hành khách xếp hàng nối dài trước quầy vé các hãng hàng không. Ảnh: Việt Hùng
Tương tự, anh Dương Đình Nhẫn cũng chia sẻ, do tâm lý háo hức về quê đón Tết cũng gia đình nên anh đến sân bay từ rất sớm để chờ làm thủ tục. Tuy nhiên vì số lượng hành khách qua đông nên phải chịu cảnh vật vờ chờ đợi chuyến bay.
Trong khi đó, anh Phạm Thanh Truyền cho biết, anh cùng vợ và con trai bị trễ đúng ba phút nhưng phải vật vạ suốt từ sáng đến đầu giờ chiều mà vẫn chưa biết khi nào sẽ có chuyến bay về Hà Nội.
“Thật tình là tôi có nhận được tin nhắn của đại lý khuyến cáo phải đến sân bay trước giờ khởi hành ba tiếng nhưng do gặp kẹt xe nên tôi đến chậm một chút, cuối cùng bị trễ chuyến. Buồn là các chuyến bay đi Hà Nội sau đó đều đã kín chỗ nên gia đình tôi được dặn ngồi chờ, với hy vọng sẽ có ghế trống do hành khách nào đó trả vé” – anh Truyền nói.
Nhiều người xếp hàng gần một giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa làm thủ tục xong. Ảnh: Việt Hùng
Không chỉ ga quốc nội nêm cứng người, khu vực ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất cũng đông đúc nghẹt thở vì người dân đến đón Việt kiều về quê đón Tết Nguyên đán.
Các hàng ghế chờ đều kín chỗ, nhiều người khác không tìm được ghế ngồi đã đứng trong nhiều giờ liền, ánh mắt luôn dõi nhìn vào phía cửa ra. Đáng chú ý, khi phía dưới cổng ra đã chật kín người thì nhiều người dân đã lên lầu 1 để được nhìn người thân Việt kiều dễ hơn. Người dân chen nhau đứng kín khu vực sát mép tường kính hướng nhìn về khu nhận hành lý ký gửi.
Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao, dự kiến giai đoạn cao điểm mỗi ngày có khoảng 860 - 900 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách trung bình khoảng 135.000 - 140.000 người.
Khu vực sảnh phòng chờ cho hành khách lên tàu bay ga quốc nội Tân Sơn Nhất nêm chặt người. Ảnh: Tiểu Thuý
Được biết, để giảm tải áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cận tết, các hãng hàng không đã tăng thêm các chuyến bay bổ sung khi đưa tàu thuê ướt (bao gồm tàu, phi hành đoàn) ra thị trường. Theo đánh giá của Cục Hàng không cách làm này đã giúp một số đường bay địa phương bớt "nóng" so với tuần trước và một số ngày vẫn còn chỗ.
Đơn vị này thống kê cụ thể từng đường bay đang có tỉ lệ đặt chỗ ở "mức rất cao" trải đều từ ngày 2/2 đến 9/2.
Ở các khu vực cửa ra máy bay, dù chưa đến giờ nhưng nhiều người chủ động xếp hàng, cầm sẵn vé, giấy tờ tùy thân để chờ nhân viên của hãng mở cửa. Ảnh: Tiểu Thuý
Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng
Do lượng người và phương tiện đổ về sân bay Tân Sơn Nhất tăng đột biến, khiến các tuyến đường gần sân bay cũng trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Tại các tuyến Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Bạch Đằng… dòng xe kín mặt đường. Hàng trăm ô tô nối thành hàng dài, chậm chạp di chuyển. Cùng với đó là hàng nghìn xe máy chen nhau kiên nhẫn nhích lên từng chút một. Đa số người lưu thông qua đây đều nhễ nhại mồ hôi dưới tiết trời oi bức, ngột ngạt.
Tại đường Cộng Hòa đoạn từ cầu vượt Hoàng Hoa Thám đến xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) chỉ dài vài km với tốc độ cho phép xe chạy 60 km/h nhưng những người dân lưu thông qua đây có khi phải mất vài chục phút mói có thể vượt qua.
Theo anh Trân Văn Huy - một người dân lưu thông qua đây cho biết: “Đây là con đường tôi đi làm hàng ngày nên thường xuyên chứng kiến cảnh kẹt xe. Hôm nay là chủ nhật, nhưng lưu nhiều người dân tranh thủ đi sắm tết, về quê nên cũng diễn ra tình trạng ùn ứ kéo dài. Đi đường mà cứ như đi hành xác vậy…”.
Ngày 4/2, đường Trường Sơn, Cộng Hòa, Hồng Hà... và nhiều tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất kẹt xe nghiêm trọng suốt nhiều giờ. Ảnh: Việt Hùng
Tuy nhiên, kẹt xe nghiêm trọng nhất là tuyến đường Trường Sơn khi lưu lượng người dân đổ về sân bay Tân Sơn Nhất ngày một đông khiến nhiều xe ô tô dường như nằm bất động không di chuyển được. Trong khi đó, nhiều xe máy buộc phải luồn lách lên vỉa hè hoặc di chuyển lòng vòng vào các tuyến đường xung quanh để di chuyển.
Tại khu vực hầm chui ở giao lộ đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn đang được xây dựng, lưu lượng xe đông cùng với công trình đang xây dựng nên phần đường bị thu hẹp khiến cho tình trạng lưu thông của người dân cũng vô cùng vất vả…
Tương tự, tại các đường Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ (khu vực xung quanh công viên Hoàng Văn Thụ) tình trạng ùn tắc giao thông cũng tương đối nghiêm trọng…
Theo chị Nguyễn Thị Vân - một người dân bán quán phở tại đường Trường Sơn cho biết: “Tuyến đường này thường xảy ra tình trạng kẹt xe gần như quanh năm. Đặc biệt là những ngày giáp tết khi nhiều người dân về quê ăn tết nên từ sáng đến tối lúc nào cũng kẹt cứng. Người dân lưu thông qua đây vô cùng khổ sở, bức xúc, còn những người kinh doanh như chúng tôi thì chẳng thể làm ăn được gì…”.
Theo quan sát, tình trạng kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, một phần do hạ tầng quá tải, cộng với ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt bởi tại nhiều giao lộ, nhiều trường hợp không chấp hành tín hiệu giao thông, cố vượt đèn vàng, đỏ, chạy ngược chiều… Đồng thời, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông cũng diễn ra công khai, thường xuyên.
Việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Ôtô và xe máy chen lấn nhau, không còn phân rõ làn đường. Ảnh: Việt Hùng
Theo kết quả quan trắc giao thông từ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Giao thông Vận tải), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải do lưu lượng phương tiện quá lớn. Hiện tại, khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất có bốn "điểm đen" về tình trạng ùn tắc giao thông.
Trong đó, hai điểm không có chuyển biến là giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện và đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý). Hai điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp là vòng xoay Lăng Cha Cả và giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám. Trong đó, tuyến đường Cộng Hòa đang chịu áp lực quá tải 150% so với khả năng.
Để tìm giải pháp khắc phục tình trạng kẹt xe tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, đến nay, khu vực Tân Sơn Nhất đã được đầu tư 5 cầu vượt thép, mở rộng đường Cộng Hòa đoạn qua nút giao Lăng Cha Cả để giải quyết ùn tắc. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ cho khu vực trên là cần hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn nối đến sân bay.
Đặc biệt TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4 km với tổng kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó có hầm chui ở giao lộ đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn. Công trình này dự kiến khai thác năm 2024, ngoài kết nối trực tiếp ga T3 sẽ tạo trục đường mới tiếp cận sân bay, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn.