Karaoke – những cái chết được báo trước
Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương ngày 6/9 vừa qua với số nạn nhân tử vong lên đến 33 người. Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo về các vấn đề liên quan đến an toàn phòng cháy chữa cháy, cũng như nguy cơ có thể thấy trước được khi sự cố hỏa hoạn xảy ra.
Cảnh báo cháy nổ tại các quán Karaoke
Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Xác định 32 người chết, còn phòng chưa tiếp cận
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra vụ cháy quán karaoke làm chết 15 người tại Bình Dương
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07) Bộ Công an cho biết từ tháng 1 đến tháng 7/2022, toàn quốc xảy ra 5 vụ cháy tại cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke. Sau mỗi vụ việc trên, các kết luận về nguyên nhân dẫn đến sự cố đều bắt nguồn từ hệ thống, trang thiết bị của các cơ sở kinh doanh karaoke, hoặc từ việc sửa chữa trong quá trình sử dụng (như: văng vảy hàn, …).
Chia sẻ của chuyên gia
Bà T.N.P.M - Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực cách âm, cách nhiệt và chống cháy cho biết, trước đây nhiều cơ sở kinh doanh cũng như các tòa nhà, văn phòng thường quan tâm đến việc xử lý tiếng ồn kèm điều kiện sử dụng vật liệu chống cháy (như tòa nhà Kumho ở đường Lê Duẩn …). Và giải pháp đưa ra là giữa vách tường/trần và lớp hoàn thiện thẩm mỹ bên ngoài sẽ chèn ốp các vật liệu có nguồn gốc nấu từ quặng đá Basalt và đá Dolomite, hoặc gốm Ceramic. Các loại vật liệu này hiện nay có khá nhiều trên thị trường, vừa đảm bảo về cách âm lẫn chống cháy, có thể chịu được nhiệt độ từ 650 độ C đến 1.600 độ C, hoặc cao hơn; với khả năng giam giữ ngọn lửa, chống lan ra khu vực xung quanh trong khoảng từ 60 phút đến hơn 120 phút, đủ thời gian để lực lượng cứu hỏa đến xử lý. Tùy theo yêu cầu của đơn vị thiết kế thi công tòa nhà, từ đó sẽ có giải pháp cụ thể hơn, chẳng hạn phòng máy phát điện thông thường có yêu cầu cao nhất do tiếng ồn, chấn động, kèm điều kiện về cháy nổ.
Nếu dùng sợi khoáng cách nhiệt làm vật liệu ốp lên tường, thì tùy theo tỷ trọng mà nó sẽ giam ngọn lửa được trong bao lâu - Ảnh: Internet
Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, để tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư thì ý thức về việc này gần như đã loại bỏ hoàn toàn. Nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung xử lý về tiếng ồn (đơn vị decibels – dB) để đối phó với các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng (họ chỉ cần đảm bảo tiếng ồn phát ra môi trường đạt dưới mức 70dB). Ngoài ra, một nguyên nhân khác là các đơn vị thiết kế, lắp đặt phòng karaoke, vũ trường vì thiếu kiến thức chuyên môn chống cháy nên chìu lòng khách hàng bằng cách đưa các loại vật liệu như xốp, gỗ, thậm chí là giẻ-vải, trấu, nhựa … vào các vách tường với mục đích hút âm và tiêu âm; kèm theo đó là bố trí đường dẫn, hành lang theo phương thức khúc khủy, dích dắc để cản âm trước khi tiếng ồn này thoát ra ở vị trí cửa trước của cơ sở kinh doanh hoặc phòng chờ - lobby. Trong khi đó, những vật liệu này rất dễ cháy, và khi cháy thì tạo ra loại khí cực kỳ độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hô hấp … Bà M còn ví von “khi sự cố xảy ra, đôi khi người ta chưa kịp mất mạng vì cháy thì đã mất mạng vì ngạt khí độc từ các loại vật liệu này”.
Thực tế theo lời của bà M đề cập, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hiện nay đều bố trí theo cách tận dụng tối đa không gian, diện tích phòng và tất nhiên phần không gian còn lại sẽ tiết giảm hết mức có thể. Thậm chí, nhiều quán karaoke có lối dẫn lên phòng theo kiểu khúc khuỷu, mà đôi khi khách cần phải có nhân viên dẫn trực tiếp thông qua nhiều lối đi chật hẹp; nhiều cơ sở có lối thiết kế mà trong trạng thái bình thường, tự bản thân khách hàng có thể khó khăn hoặc không biết đường tìm đến cầu thang dẫn xuống phía dưới chứ chưa nói đến tình trạng hoảng loạn khi có hỏa hoạn xảy ra.
Kiểm tra và xử phạt chỉ giải quyết phần ngọn?
Sau mỗi vụ việc hỏa hoạn xảy ra, cơ quan chức năng địa phương đều tiến hành tổng kiểm tra. Nhưng hầu hết các đợt kiểm tra này gần như chỉ tập trung xem xét về phần trang bị, phương án phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm. Ngoài ra, các đơn vị Phòng cháy, chữa cháy ở địa phương cũng phát động các tháng hành động, kiểm tra, tuyên truyền về cứu hộ, cứu nạn … Có thể thấy, đây chỉ là giải quyết về phần ngọn, còn nguyên nhân và nguồn gây cháy lại chưa được quan tâm đúng mức, để rồi sự cố gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe vẫn diễn ra.
Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến dư luận bàng hoàng, thương tâm vì hơn 30 người thiệt mạng - Ảnh: NLĐ
Liên quan đến nội dung này, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: hiện nay đã có các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường như Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 … Tuy nhiên, các thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 (trước đây là thông tư 47/2015/TT-BCA ngày 06/10/2015) quy định đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thì chưa được quan tâm đúng mức. Trong các thông tư này, bên cạnh nội dung về lối thoát hiểm, hệ thống báo cháy … thì nội dung rất quan trọng đó là các quy định rất rõ về khối tích, diện tích bố trí phòng ốc và hành lang, cũng như tiêu chuẩn cụ thể về bậc chịu lửa theo QCVN đối với vật liệu sử dụng trong tường, vách có khả năng chịu lửa ít nhất 60 phút (Điều 4, Điều 6 của thông tư). Lẽ ra, trước khi nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng với mục đích kinh doanh karaoke, thì khâu thiết kết, thi công cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt yêu cầu này; thay vì cơ quan chức năng chỉ hoàn tất thủ tục nghiệm thu về chữa cháy sau khi công trình đã lắp đặt hoàn thiện với lớp thạch cao được che phủ bên ngoài, và hệ thống báo cháy như hiện nay.
Những cái chết được báo trước
Rõ ràng quy định về thiết kế, sử dụng về phòng cháy chữa cháy đã có, nhưng hầu như hiện nay chúng ta chỉ quan tâm đến … các giải pháp về chữa cháy, cứu hộ, thoát hiểm khi sự cố xảy ra. Và các đợt kiểm tra chỉ dừng lại ở khâu trang bị và giải pháp ứng phó trước sự cố hỏa hoạn ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Sau đó là các mức xử phạt được đưa ra, để rồi các cơ sở này vẫn hoạt động trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra. Còn người dân vẫn vô tư sử dụng dịch vụ này như một phần thói quen trong các lần tụ tập, vui vẻ hát hò cùng người thân, bạn bè.
Như đề cập ở trên, nguyên nhân cốt lõi từ “nguồn nhiệt và chất dẫn cháy” trong thiết kế, lắp đặt ở các cơ sở này gần như bị bỏ ngỏ và chưa được giám sát một cách cẩn trọng, chặt chẽ. Thiết nghĩ, để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về tài sản và nhân mạng một cách triệt để, thì cơ quan chức năng cần có chương trình tổng rà soát, kiểm tra toàn diện tất cả các cơ sở kinh doanh loại hình này, bắt đầu từ khâu thiết kế theo các quy định rất cụ thể trong các văn bản nêu trên.
Khi vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, những cái chết được báo trước trong các quán karaoke, vũ trường vẫn sẽ đối diện nguy cơ tiếp diễn.