Khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sinh năm 1963) trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội, để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản.
TP Hồ Chí Minh: Khởi tố vụ án xe Phương Trang chở 1.700 bao thuốc lá lậu
Bắt giám đốc Công ty mua bán điện của Tập đoàn EVN
Khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương
Tối 14/11, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng khi ông này vừa xuống sân bay Nội Bài, về hành vi Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cũng thực hiện công tác khám xét nơi làm việc của ông Nhưỡng ngay sau đó, kéo dài trong nhiều giờ. Quá trình bắt, khám xét, lực lượng chức năng thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt tối 14/11. Ảnh: Công an Thái Bình
Động thái này được đưa ra trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, 37 tuổi (thường gọi là Cường "quắt", có 3 tiền án) về tội Cưỡng đoạt tài sản. Nhà chức trách cáo buộc Cường và đồng phạm đã tự xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để cưỡng đoạt tiền của một số doanh nghiệp khai thác cát.
Theo nhà chức trách, Cường nói việc khai thác cát ảnh hưởng việc nuôi thủy hải sản tại bãi triều để gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại với giá rẻ. Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, nhóm Cường đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Công an tỉnh Thái Bình nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư của tỉnh.
Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016-2021), Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, Phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.
Ông Nhưỡng cũng từng là Phó chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Tính đến năm 2010, ông đã có 22 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Sau đó, ông Nhưỡng làm Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Ông Nhưỡng không được giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khoá 15 (nhiệm kỳ 2021-2026) do quá tuổi theo hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương.